Guam - căn cứ quân sự, hậu cần tối quan trọng của Mỹ tại Thái Bình Dương

Trên đảo Guam, căn cứ không quân Andersen cùng tổ hợp căn cứ hậu cần và hải quân xung quanh nó là những căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương. Trang Breaking Defense nhận định, nếu có một cuộc tấn công bất ngờ kiểu Trân Châu Cảng nhằm vào căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương thì không phải Hawaii, mà chính là Guam.

Tại căn cứ Andersen có nhiều đường băng dài hơn 3.000m có thể tiếp nhận cùng lúc mọi loại máy bay có trong biên chế quân đội Mỹ.

Trong các hầm chứa của căn cứ Andersen, có tới hơn 900.000 tấn bom, đạn và tên lửa. Kho nhiên liệu có sức chứa hơn 250.000 tấn.

Theo Breaking Defense, mỗi máy bay ném bom chiến lược B-52 cất cánh mang theo hơn 140 tấn nhiên liệu; con số này với tiêm kích F-15 và máy bay tiếp dầu KC-135 là 5 tấn và 100 tấn tương ứng. Các xưởng kỹ thuật trên đảo Guam đều có khả năng tiếp nhận, sửa chữa các loại máy bay và tàu chiến.

Mỹ đã trang bị Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam (ảnh minh họa). Ảnh: Air & Space Forces Magazine

Mỹ đã trang bị Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam (ảnh minh họa). Ảnh: Air & Space Forces Magazine

Đảo Guam là lãnh thổ thuộc Mỹ. Hòn đảo khô cằn này có diện tích khá khiêm tốn, chỉ 549km2, với số dân bản địa khoảng 173.000 người.

Guam cách Hawaii 7.000km về phía Tây. Mọi hàng hóa, thực phẩm nơi đây đều phải nhập khẩu từ bên ngoài. Tuy nhiên, điều khiến Guam trở nên đắc địa chính là vị trí trung tâm của nó: Khoảng cách từ Guam tới Tokyo (Nhật Bản) là 2.500km, tới Đài Loan là 2.700km, tới Philippines là 2.500km, tới Indonesia là 1.800km, tới Hàn Quốc là 2.900km, tới Trung Quốc là 3.000km.

Guam cũng cách các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ tại Okinawa (Nhật Bản) 2.300km. Khi không quân Mỹ khảo sát các căn cứ tại Thái Bình Dương để tìm kiếm một địa điểm lý tưởng cho việc đồn trú máy bay ném bom trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tương lai ở châu Á, thì Guam và đảo Wake (một rạn san hô ở Tây Thái Bình Dương, thuộc Mỹ) nổi lên là những lựa chọn hàng đầu.

Từ 15 năm nay, Washington đã tiến hành cải tạo hệ thống phòng không trên đảo Guam, lắp đặt Hệ thống chỉ huy chiến đấu tích hợp (IBCS) gồm 3 hệ thống phòng không. Trong đó, Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có một khẩu đội với 24 tên lửa, 3 bệ phóng, 1 hệ thống radar băng tần X.

Tên lửa của THAAD dài 5,5m, nặng 636kg, tầm bắn là 200km, độ cao tối đa 150km, được thiết kế cho tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung. Ngoài một khẩu đội THAAD, nơi đây còn có vài khẩu đội của Tổ hợp phòng không tầm trung (SLAMRAAM), với 4 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) dẫn đường bởi radar lắp đặt trên xe Humvee. Các tên lửa này có tầm bắn hiệu quả 25km, có thể bắn hạ tên lửa hành trình và trực thăng.

15 năm qua, trong nỗ lực mở rộng căn cứ trên đảo Guam, Mỹ đã chi tới 10 triệu USD mỗi năm để rà phá bom, mìn, đạn pháo còn sót lại từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Các cơ sở quân sự tại Guam được tân trang và mở rộng với chi phí hơn 8 tỷ USD, có hầm bê tông tránh bom cho máy bay, hầm chứa nhiên liệu, kho đạn dược và thiết bị, vũ khí trọng yếu, giúp tăng cường khả năng phòng thủ trước tên lửa đạn đạo của đối phương, cũng như khả năng chống chịu các cơn bão lớn hay động đất, nếu có. Mỹ hiện cũng đang tiến hành di dời một phần lực lượng, trang thiết bị từ căn cứ ở Okinawa đến Guam.

Với ý nghĩa từng là một chiến trường trong lịch sử, bên cạnh hoạt động quân sự, Washington còn tích cực đầu tư để biến nơi đây thành một điểm hút khách du lịch, đặc biệt là đối với du khách từ khu vực Đông Á.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/guam-can-cu-quan-su-hau-can-toi-quan-trong-cua-my-tai-thai-binh-duong-815819
Zalo