GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Xứng danh 'hiệp sĩ của những di tích kiến trúc'
Tại Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2024 vừa diễn ra ở Hà Nội, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính vinh dự được nhận Giải thưởng Lớn. Với nhiều đóng góp trong suốt gần nửa thế kỷ qua, không chỉ cho di tích kiến trúc của Hà Nội mà là của cả nước, ông được bạn bè và đồng nghiệp ví là một 'hiệp sĩ của những di tích kiến trúc'.
Tôi đã nhiều lần gặp KTS Hoàng Đạo Kính. Ông không chỉ làm kiến trúc sư, mà còn viết sách và vẽ tranh. Nhưng tất nhiên, dấu ấn của ông khắc đậm ở mảng kiến trúc. Và lĩnh vực này cũng đã định danh tên tuổi của KTS Hoàng Đạo Kính, để mỗi khi nhắc đến ông, người ta nhớ tới các công trình đã được ông cùng các cộng sự bảo tồn, tôn tạo…
KTS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội. Học trung học và đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Mát-xcơ-va. Ông chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể kiến trúc cung đình Huế, hệ thống tháp Chăm, phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích, Nhà hát Lớn Hà Nội... Ông tham gia đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM.
Như vậy, có thể thấy, sự nghiệp của KTS Hoàng Đạo Kính phủ rộng, trải dài từ Bắc vào Nam với công việc bảo tồn và tu bổ nhiều hệ thống di tích điển hình. Nhưng riêng với Hà Nội - nơi “chôn nhau cắt rốn”, thì ông dành tình yêu đặc biệt cho những di tích lịch sử, di sản văn hóa là biểu tượng của thành phố ngàn năm.
Tiêu biểu có thể kể đến những đóng góp của ông với vai trò chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đặc biệt còn có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội… Đây đều là những di tích tiêu biểu định danh cho những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn của Hà Nội qua thời gian.
Như đình Tây Đằng - một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam ngót nghét 500 năm tuổi nằm ở huyện Ba Vì, Hà Nội, là một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội mà KTS Hoàng Đạo Kính phụ trách việc trùng tu ở thời điểm ông còn rất trẻ (vào cuối những năm 1970). Đây cũng là công trình trùng tu khoa học đầu tiên ở Việt Nam đối với một di tích kiến trúc gỗ.
Một loạt các giải pháp kỹ thuật được đưa ra đối với việc trùng tu đình Tây Đằng, đó là: Hạn chế tối đa sự thay thế; nếu cấu kiện nào đó bị hư hại thì tu sửa theo kỹ thuật truyền thống “chắp - vá - nối” để giữ lại nó; cấu kiện nào không thể giữ lại được thì thay thế bằng loại gỗ tương tự, lặp lại hình dáng của cấu kiện gốc…
Với việc bảo tồn và trùng tu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đóng góp quan trọng của KTS Hoàng Đạo Kính phải kể tới việc tạo dựng mái che cho 82 bia Tiến sĩ.
Còn đối với Nhà hát Lớn Hà Nội, với vai trò chủ trì dự án trùng tu công trình này, KTS Hoàng Đạo Kính cũng đặt ra vấn đề thống nhất với quan điểm bảo tồn di tích và di sản văn hóa xuyên suốt trong sự nghiệp của ông, đó là: Trong bảo tồn di tích quan trọng nhất là giữ gìn tính nguyên gốc. Tu bổ, nâng cấp phải khắc phục được tình trạng xuống cấp và khẳng định giá trị hiện hữu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Phải làm cho di tích khỏe hơn, đẹp hơn và giữ được tối đa những giá trị nguyên gốc.
“Chúng tôi chủ trương giữ lại tối đa những dấu ấn thuộc về quá khứ, từ cách lợp mái bằng ngói Ardoise đến việc lắp các thiết bị hiện đại. Chúng ta vào Nhà hát Lớn Hà Nội hôm nay, trong cảm quan sẽ không thấy có quá nhiều sự thay đổi. Nhưng thực chất, công việc trùng tu đã đặt vào nó hàng trăm tấn thiết bị hiện đại, vừa đáp ứng được yêu cầu tu bổ, vừa nâng cấp được chức năng của công trình này. Hiện nay, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một công trình tỏa sáng phục vụ tốt những nhu cầu hiện đại mà vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu của nó từ bên ngoài tới bên trong”.
Có thể nói, KTS Hoàng Đạo Kính đã gửi trọn tâm huyết cả đời như một minh chứng điển hình và xác đáng để trở thành những hình mẫu về phương pháp tiếp cận, quan điểm khoa học đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Để rồi, những đóng góp của ông trong các công trình trùng tu như đình Tây Đằng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay Nhà hát Lớn Hà Nội… và nhiều di tích, di sản khác trong cả nước đã trở thành những bước đi có tính chất khai mở, vạch lối để ngành bảo tồn di tích ở Việt Nam có thể vận dụng vào các trường hợp tương tự một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.