Khách Việt thăm Angkor Wat, xúc động thấy đóa sen trong tay bức tượng cổ
Tôi đến Siem Reap, Campuchia vào những ngày đầu tháng 11, với niềm háo hức để đặt chân đến Angkor Wat.
Lời tòa soạn:
Ngày càng có nhiều người Việt ra nước ngoài du lịch, học tập, sinh sống và làm việc, nhờ đó được trải nghiệm những điều thú vị trong cuộc sống, như cùng dân làng ở châu Phi nhảy múa với rắn độc, nếm phở Việt ở Pakistan với hương vị khác lạ…
Báo VietNamNet giới thiệu cùng độc giả tuyến bài “Trải nghiệm của người Việt ở nước ngoài” về cung bậc cảm xúc của người Việt khi được đến những địa điểm mơ ước, được "thử thách" những điều mới lạ, để lại những dấu ấn không thể lãng quên.
Tôi đã trì hoãn việc đến Angkor Wat trong nhiều năm, kể từ khi còn là sinh viên kiến trúc.
Trong những giờ học về lịch sử kiến trúc phương Đông, Angkor Wat hiện lên trong tâm trí tôi như một thánh địa kỳ bí, một bảo tàng nghệ thuật vĩ đại với vô số câu chuyện hấp dẫn.
Một biểu tượng tôn giáo
Angkor Wat được xây dựng vào đầu thế kỷ XII dưới thời vua Suryavarman II tại Yasodharapura (Angkor ngày nay).
Nhiều người cho rằng công trình từ đầu được xây dựng như một ngôi đền Hindu thờ thần Vishnu (một trong 3 vị thần chính của Ấn Độ giáo). Lối vào Angkor Wat đặt ở hướng Tây, khác với các đền thông thường.
Điều này có thể được lý giải do công trình thờ thần Vishnu nên dựa trên cơ sở của thánh đường nguyên sơ của đạo này.
Kiến trúc của Angkor Wat phản ánh tính biểu tượng phong phú của kiến trúc tượng đài, chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các khái niệm Ấn Độ giáo. Ngôi đền được xem như một thế giới thu nhỏ, tái hiện nơi cư trú của các vị thần trên đỉnh núi thiêng Meru.
Năm tòa prasat (tháp thánh trong tiếng Khmer) được đặt giữa một quần thể kiến trúc đồ sộ, có thể bắt nguồn từ sự tích núi Meru trong Ấn Độ giáo. Chúng tượng trưng cho 5 đỉnh núi Meru, đỉnh cao nhất trong dãy Himalaya linh thiêng, nơi cư ngụ của các vị thần.
Biểu tượng kiến trúc đền-núi
Angkor Wat là một công trình kiến trúc đền-núi, được thiết kế theo dạng kim tự tháp với ba tầng đế xếp chồng, độ cao tăng dần, dẫn lên tháp thánh trung tâm nằm ở tầng trên cùng.
Ngày nay, dù đã mất đi một số phần kiến trúc thượng tầng ở lối vào phía Tây, ngôi đền vẫn mang lại ấn tượng về sự cân bằng hoàn hảo của hình khối kiến trúc.
Những nghệ sĩ xây dựng Angkor Wat đã tạo nên những hình khối trải rộng theo chiều ngang, với tầm vóc rộng lớn không thể tưởng tượng nổi.
Một ngôi đền thăng trầm
Angkor Wat từ đầu được xây dựng như một ngôi đền Hindu thờ thần Vishnu nhưng sau đó đã trở thành một thánh địa Phật giáo. Biểu tượng tôn giáo của đạo Hindu này đã trở thành một trong những di tích Phật giáo quan trọng nhất ở Campuchia.
Những dấu hiệu thay đổi trong tôn giáo của ngôi đền được nhìn thấy rõ ràng nhất ở tầng của tháp thánh trung tâm, nơi các lối đi và hành lang chữ thập được đặt các bức tượng Phật. Trần nhà bên trong của những mái vòm này được bao phủ bởi trần gỗ trang trí bằng những bông sen đang nở.
Các hành lang chữ thập trở thành nơi che chở nhiều bức tượng từ các thời kỳ khác nhau.
Bước dọc theo hành lang, bắt gặp một đóa sen được đặt trong lòng bàn tay của một bức tượng Phật đã bị phá hủy, tôi xúc động nhớ lại câu chuyện của A Dục Vương, vị Hoàng đế Phật tử của xứ Ấn (thế kỷ thứ III trước Tây lịch).
Nhờ những giáo lý của Đức Phật, ông đã hoàn toàn thay đổi khi tuyên bố công khai rằng ông sẽ không bao giờ rút gươm ra để thực hiện một cuộc chinh phục nào nữa.