Góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã chú trọng tăng cường chế định phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa các cấp để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương theo Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13/2, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận tại tổ với ĐBQH các tỉnh: Phú Thọ, An Giang. Tại buổi thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đã thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_449_51467708/eaffd63ee7700e2e5761.jpg)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Góp ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đánh giá cao nội dung dự thảo. Dự thảo đã chú trọng tăng cường chế định phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa các cấp để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương theo Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng thời tán thành với quy định: Trong thời gian HĐND không họp, Thường trực HĐND được quyết định biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho Thường trực HĐND quyết định các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND trong thời gian HĐND không họp, để kịp thời giải quyết các vấn đề, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Vì thực tế công việc phát sinh rất nhiều và HĐND phải tổ chức rất nhiều kỳ họp mới giải quyết được công việc, làm mất nhiều thời gian, kinh phí của địa phương.
Đối với việc tổ chức và hoạt động của UBND, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đề nghị nghiên cứu mô hình hoạt động của địa phương vì hầu hết công việc phải họp và quyết định theo tập thể, mất nhiều thời gian, chậm trễ công việc. Do vậy, cần nghiên cứu thu gọn số lượng thành viên viên UBND và tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND đối với các vấn đề của địa phương. Đề nghị nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thời gian qua để đưa vào áp dụng ở các địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền các cấp.
Về yêu cầu của Trung ương tiếp tục tinh giảm biên chế 20%, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đề nghị cần tính toán, xác định giảm số lượng biên chế trong khoảng thời gian nào. Bởi vì, trước đây địa phương cũng đã thực hiện tinh giản biên chế rồi, nếu bây giờ mà tiếp tục thêm 20% nữa sẽ khó đạt được, tạo áp lực rất lớn về nguồn lực nhân sự của địa phương.