Góp sức gìn giữ màu xanh của rừng

Rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt: Khu Bảo tồn, thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) từ lâu được xem là 'lá phổi xanh' của vùng Đông Nam Bộ với hệ sinh thái phong phú và quý giá. Để đạt được thành quả trên có một phần đóng góp của những cá nhân nhiệt huyết, yêu rừng và tích cực quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trong nhiều năm qua.

Bà Đinh Thị Lan Hương cùng các thành viên trong các câu lạc bộ xanh thực hiện thu gom rác thải ở lòng hồ Trị An. Ảnh: A.Nhơn

Bà Đinh Thị Lan Hương cùng các thành viên trong các câu lạc bộ xanh thực hiện thu gom rác thải ở lòng hồ Trị An. Ảnh: A.Nhơn

Những gương điển hình có nhiều đóng góp trong công tác QLBVR là Phó giám đốc Khu Bảo tồn Đinh Thị Lan Hương và Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Võ An Giang.

Sáng lập mô hình Câu lạc bộ xanh

Bà Đinh Thị Lan Hương công tác tại Khu Bảo tồn cho đến nay đã 20 năm và trải qua nhiều vị trí công việc, từ nhân viên thuyết minh, Phó giám đốc, Giám đốc Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ, cho đến Phó giám đốc Khu Bảo tồn. Dù ở cương vị nào, bà luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Trong thời gian đầu, mọi thứ còn khó khăn, đồng lương còn eo hẹp, điều kiện công tác thiếu thốn đủ mọi thứ. Nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu đối với rừng, tình yêu đối với vùng đất Chiến khu Đ lịch sử, bản thân tôi đã không ngại khó khăn, gian khổ để bám nghề với mong muốn làm người truyền lửa cho đồng nghiệp, cho khách du lịch đến với vùng đất này để nuôi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc” - bà Hương bộc bạch.

Phó chủ nhiệm CLB Xóm Xanh NGUYỄN THỊ THU HỒNG chia sẻ: “Việc Khu Bảo tồn thành lập và đưa vào hoạt động các CLB xanh rất thiết thực. Qua đó, giúp cho người dân sinh sống trong lâm phận nâng cao nhận thức để tích cực tham gia bảo vệ rừng. Mong rằng, Khu Bảo tồn tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho các CLB xanh để chúng tôi tham gia đóng góp vào công việc ý nghĩa này”.

Đặc biệt, bà Hương là người nghĩ ra ý tưởng thành lập các câu lạc bộ (CLB) xanh trong vùng đệm và vùng lõi của Khu Bảo tồn và đưa vào hoạt động rất hiệu quả suốt 12 năm qua. Đây là mô hình đầu tiên trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn của Việt Nam, lấy cộng đồng là thành viên chính để thực hiện công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Mô hình CLB xanh đã được các tổ chức, vườn quốc gia tìm đến học tập và nhân rộng.

Chia sẻ về ý tưởng trên, bà Hương cho hay, Khu Bảo tồn là nơi giàu có về đa dạng sinh học và đặc biệt là nơi lưu trữ nguồn gen vô cùng quý hiếm của nhiều loài động, thực vật. Công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống tại đơn vị rất cần sự chung tay của mọi người, nhất là cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm và vùng lõi. Tuy nhiên, phần lớn người dân trước đây đều có trình độ học vấn thấp nên hiểu biết của họ về vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ môi sinh, môi trường còn rất hạn chế.

Trước tình hình trên, năm 2012, bà Hương đề xuất với lãnh đạo Khu Bảo tồn triển khai thí điểm mô hình CLB xanh tại vùng đệm và vùng lõi đơn vị nhằm xây dựng mối quan hệ sâu rộng giữa cộng đồng dân cư đang sinh sống tại các địa phương với Khu Bảo tồn để chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên. Thời gian đầu thực hiện, mô hình gặp nhiều khó khăn, đại diện Khu Bảo tồn phải đến làm việc với chính quyền xã, thậm chí đến từng ấp và từng hộ dân để vận động, trao đổi, giới thiệu về mô hình CLB xanh.

Từ thí điểm có hiệu quả 3 CLB xanh vào năm 2012, Khu Bảo tồn quyết định nhân rộng trong cộng đồng dân cư và duy trì sinh hoạt đến nay là 11 CLB xanh với hơn 330 thành viên tham dự trong địa bàn 4 xã: Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) và Phú Cường (huyện Định Quán). Ngoài việc thực hiện sinh hoạt 5 chuyên đề do Ban Chỉ đạo truyền thông Khu Bảo tồn biên soạn theo kế hoạch hàng năm, các thành viên CLB xanh còn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền tại địa phương; phối hợp cùng cán bộ Khu Bảo tồn tổ chức nhiều buổi họp tuyên truyền về công tác QLBVR, phòng, chống cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã; tham gia các chương trình vì môi trường, thiên nhiên do Khu Bảo tồn tổ chức. Ngoài ra, các CLB xanh còn tự tổ chức các hoạt động như: quét dọn vệ sinh các tuyến đường giao thông, thu gom và phân loại rác thải…

Đến nay, mô hình CLB xanh được xem là “chiếc cầu nối” quan trọng gắn liền Khu Bảo tồn với cộng đồng dân cư, nhờ đó mà các hoạt động tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường cho người dân ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn TRẦN ĐÌNH HÙNG nhận xét, anh Võ An Giang là người tâm huyết, năng động, bản lĩnh và không ngại gian khổ, nguy hiểm khi thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng. Anh có kiến thức và năng lực tốt trong trấn áp các đối tượng vi phạm manh động và tuyên truyền, giáo dục tốt đối với những người vi phạm do hoàn cảnh và thiếu hiểu biết pháp luật

Sát cánh cùng đồng đội, ngày đêm canh giữ rừng

Nếu như Phó giám đốc Khu Bảo tồn Đinh Thị Lan Hương làm tốt công tác truyền thông thì Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Võ An Giang đã có nhiều đóng góp trong công tác tuần tra truy quét, bảo vệ rừng. Ông đã luôn sát cánh cùng đồng đội ngày đêm tuần tra, canh giữ vì sự bình yên của những cánh rừng.

Sau khi tốt nghiệp ngành lâm sinh của Trường đại học Tây Nguyên, ông Giang trở về quê Nghệ An và xin vào làm việc một số nơi, nhưng cảm thấy không phù hợp. Năm 2012, khi biết Khu Bảo tồn đang tuyển nhân sự, ông đã mạnh dạn ứng tuyển và được nhận vào làm việc cho đến nay với nhiều vị trí công việc (từ kiểm lâm viên của Tổ Kiểm lâm cơ động 2, kiểm lâm viên Bộ phận Thanh tra - pháp chế của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Trau, cho đến Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn). Ở mỗi vị trí công việc, ông luôn nỗ lực trau đồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo ông Giang, kiểm lâm giữ rừng tại gốc thường xuyên phải đối mặt với gian nan, nguy hiểm như: thời tiết khắc nghiệt, thú dữ… Trong những lần tuần tra rừng, ông từng chứng kiến “lâm tặc” manh động tấn công gây thương tích cho đồng đội. Thậm chí, bản thân ông đã nhiều lần đối diện với những hiểm nguy.

Ông Võ An Giang (ngồi) cùng đồng đội thực hiện tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Võ An Giang (ngồi) cùng đồng đội thực hiện tuần tra bảo vệ rừng.

Cụ thể, đầu năm 2013, sau chuyến đi tuần tra dài ngày trong rừng trở về đơn vị, ông Giang bắt đầu phát sốt, nóng - lạnh liên tục. Mặc dù được các đồng đội thay nhau chăm lo suốt đêm nhưng bệnh tình của ông ngày càng nặng. Sáng sớm hôm sau, ông được đồng đội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Cửu (nay là Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu) và được bác sĩ chẩn đoán bệnh sốt rét rừng, phải nằm viện điều trị liên tục trong 17 ngày. Trong thời gian đó, ông được các đồng đội thay nhau chăm sóc chu đáo.

Tương tự, một ngày cuối tháng 4-2024, ông Giang phối hợp cùng lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu đi tuần tra khu vực phân bố nhiều cây ươi (thuộc Tiểu khu 39, Trạm Kiểm lâm Đa Kinde) để ngăn chặn các đối tượng xâm nhập rừng trái phép. Trong lúc làm nhiệm vụ lần theo dấu vết của đối tượng xâm nhập rừng, ông bị bầy ong rừng vây chích vào gáy cổ. Các thành viên trong tổ tuần tra đã áp dụng kinh nghiệm đi rừng bằng việc dùng nước sạch rửa vết cắn… nhưng vẫn không khỏi. Cơ thể ông bắt đầu dị ứng nổi đỏ khắp người, tim đập mạnh và khó thở, mọi người quyết định tạm ngưng việc tuần tra để đưa ông ra khỏi rừng cho an toàn…

“Dù công việc phải đối diện với nhiều gian nan, thử thách nhưng chính sự thương yêu đồng đội, tình yêu đối với rừng và ý thức đối với nghề nghiệp đã giúp tôi bản lĩnh để vượt qua” - ông Giang tâm sự.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202411/gop-suc-gin-giu-mau-xanh-cua-rung-89e6c22/
Zalo