Bàn cách đưa tác phẩm văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng
Các thành viên trong Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đã bàn luận làm thế nào để những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng...
Ngày 22-11, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT)TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Làm thế nào để những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng?”.
Chia sẻ tại hội thảo, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM cho rằng trong tám lĩnh vực văn học nghệ thuật thì có ba lĩnh vực gặp khó trong việc tiếp cận công chúng, gồm: Kiến trúc, Điện ảnh và Mỹ thuật điêu khắc. Nhưng dù lĩnh vực nào, theo ông Lưu, tác phẩm phải thực sự hay mới được công chúng đón nhận.
Cũng tại hội thảo, nhà nghiên cứu lý luận phê bình - nhiếp ảnh gia Trần Quốc Dũng nhận định bốn yếu tố quan trọng để một tác phẩm văn hóa nghệ thuật đến được với công chúng là đề tài sản phẩm, cách thực hiện sản phẩm, công tác tiêu thụ sản phẩm, tận dụng tốt nhất tiến bộ khoa học kĩ thuật.
Theo ông Dũng, hiện nay các tác phẩm chưa hướng về con người, cụ thể là công nhân lao động. Nếu muốn lực lượng công nhân lao động tiếp cận tác phẩm nghệ thuật, cơ quan quản lý cần phải hướng dẫn thị hiếu tư tưởng đối với công chúng.
"Cụ thể, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà phát hành có thể phối hợp treo biển về tác phẩm văn học để công nhân có thể tiếp nhận được những tác phẩm ấy” - ông Dũng đề xuất.
Liên quan đến vấn đề truyền thông các tác phẩm văn học nghệ thuật, TS Hà Thanh Vân, đại diện Hội Nhà văn TP.HCM nhận định vai trò của truyền thông số và truyền thông xã hội là rất quan trọng.
Theo bà Vân, mạng xã hội là kênh quảng bá thuận lợi, gần gũi với công chúng, tuy nhiên, chúng ta cần phải cẩn trọng, có chiến lược truyền thông đúng đắn, phù hợp, đúng pháp luật.
Tiếp đó, Nhà báo Nguyễn Thị Thúy Nga, đại diện Hội Điện ảnh TP.HCM nhận xét người Việt Nam khi xem phim thường có khuynh hướng xem một câu chuyện phải có kết thúc có hậu, kết thúc tốt đẹp, rõ ràng. Phim có kết mở sẽ không thu hút bằng.
Theo bà Nga, để tác phẩm điện ảnh đến gần với công chúng, cần phản ánh mong muốn của người xem ở một bộ phim, chú tâm khai thác cụ thể, có câu chuyện tốt đẹp, đặc biệt là tính trình diễn, tính nhất quán giữa đề tài và thể loại.
Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM, cho rằng văn học nghệ thuật cần phải có công chúng, giữa nghệ sĩ với công chúng có mối quan hệ thông qua tác phẩm nghệ thuật với tư cách người sáng tạo và người hưởng thụ.
“Tỉnh thành nào cũng tổ chức lễ hội nhưng đa số làm cho có, chưa truyền cảm hứng hay đọng lại ấn tượng gì cho người xem. Làm sao để khán giả cảm nhận được tính nghệ thuật từ tác phẩm mới là điều quan trọng" - ông Hiều nói.
Trình bày thực trạng âm nhạc thiếu nhi hiện nay, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho hay những người sáng tác ít nhận được sự định hướng cũng như sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí, đầu ra sản phẩm âm nhạc thiếu nhi cũng không có.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Chung, chúng ta cần thay đổi chiến lược, tuy con đường dài, khó thay đổi nhưng tích cực tiếp cận nền tảng số, tăng nguồn vốn đầu tư sáng tác và sản xuất âm nhạc thiếu nhi; mở thêm nhiều cuộc vận động sáng tác nhạc thiếu nhi, nhiều chương trình về ca khúc thiếu nhi và tăng thêm các giải thưởng tôn vinh những bài hát thiếu nhi.