Góp phần nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Nhằm mục tiêu đến năm 2030, hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử trong xã hội, ngày 9/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là lần đầu Đảng ta ban hành nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết xác định các mục tiêu và nhóm giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược này, trong bài viết Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 21/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã và đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Tổng Bí thư, việc thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 27 có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết số 27 đề ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu, cụ thể. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được đặt lên hàng đầu, làm cơ sở thực hiện các nhóm giải pháp khác. Bởi có nhận thức đầy đủ, sâu sắc mới bảo đảm thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong xây dựng và thực thi pháp luật. Thực tế triển khai mô hình Tủ sách pháp luật (tủ sách pháp luật) góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua.
Hướng về cơ sở, mô hình tủ sách pháp luật đưa thông tin sát nội dung, đối tượng, địa bàn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, xác định hai nhiệm vụ chính là xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, thực hiện quản lý, khai thác thống nhất sách, tài liệu pháp luật trong các thiết chế văn hóa-thông tin ở cơ sở với định hướng giao các địa phương chủ động sáp nhập tủ sách pháp luậtc khai thác, sử dụng chủ yếu là đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà; những nơi có máy tính, tủ sách điện tử, kết nối internet, có thêm hình thức tra cứu sách, tài liệu qua internet, cổng/trang thông tin điện tử, phần mềm văn bản pháp luật.
Song song mô hình tủ sách pháp luật trong các nhà thờ, họ đạo ở thành phố Cần Thơ; "Mang sách đến từng thôn, xóm" trong các đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp lao động giúp nhân dân ở tỉnh Bình Thuận; "Góc thư giãn", "Không gian đọc" tại tỉnh Đồng Tháp; hay "Chuyến xe tri thức" của Trường tiểu học và trung học cơ sở A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cung cấp sách, báo, văn bản pháp luật đến người dân và học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít có điều kiện tiếp cận kiến thức pháp luật… Một số địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Phú Thọ áp dụng triển khai việc bố trí sách, báo, tài liệu pháp luật đến các nhà văn hóa thôn, bản hướng tới xây dựng các "Tủ sách cộng đồng"... Đây đều là những mô hình xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phù hợp đặc điểm tình hình, điều kiện của từng địa bàn, được người dân quan tâm, hưởng ứng.
Để công tác giáo dục pháp luật ở cơ sở phát huy hiệu quả, vai trò của chi bộ được xác định là một trụ cột, trong đó, mỗi đảng viên là nhân tố quan trọng lan tỏa tinh thần dân chủ và thượng tôn pháp luật đến nhân dân; để từ đó phát huy dân chủ trong nhân dân, làm cho mọi cá nhân, tổ chức đồng tình, ủng hộ với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chủ động tuân thủ, thực thi pháp luật.
Nhấn mạnh luận điểm nêu trên, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, nhân dân là chủ thể của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; mỗi công dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, có ý thức thượng tôn pháp luật sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.