Bất chấp lũ đạt đỉnh, nhóm thanh thiếu niên ra sông Hương... tắm
Lũ trên sông Hương (TP Huế) đã xuống sau khi đạt đỉnh. Trong khi lũ lên, nhiều người còn chủ quan khi chạy xe băng đồng, ra sông để tắm.
Đến trưa 25-11, mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long (TP Huế) đã hạ xuống còn 2,93 m sau khi đạt đỉnh 3,06 m (báo động 3 là 3,5 m) vào lúc 8 giờ cùng ngày.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết lượng mưa ở thượng nguồn đã giảm nhưng vẫn còn kéo dài. Lũ trên các sông đã đạt đỉnh, đang xuống. Riêng lũ sông Bồ chập chờn nhưng sẽ nhanh xuống. Hiện ngập lụt ở các vùng thấp trũng tại TP Huế có xu hướng giảm hơn so với sáng sớm nay.
Lũ trên sông Hương xuống sau khi thủy điện Bình Điền giảm lưu lượng xả về hạ du chỉ từ 395 m3/s kể từ lúc 9 giờ sáng nay.
Trước đó, từ 22 giờ ngày 24-11 đến 8 giờ sáng nay, thủy điện này xả về hạ du với lưu lượng có có thời điểm cao nhất lên đến 1.582 m3/s. Hiện, hồ chứa Tả Trạch đang xả về hạ du với lưu lượng 1.350 m3/s, lớn hơn lưu lượng nước đến hồ.
Thủy điện Hương Điền (trên sông Bồ) lưu lượng nước đến bằng với lưu lượng xả về hạ du là 1.416 m3/s.
Từ ngày 18-11 đến sáng sớm nay, tại tỉnh này đã có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100 - 400 mm. Rêng vùng núi các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền và thị xã Hương Trà lượng mưa đạt 400-850 mm, một số nơi cao hơn như Hương Phú (Nam Đông) 1.099 mm, Bạch Mã 2.577 mm, đỉnh Bạch Mã trên 2.997 mm.
Chính quyền liên tục phát đi cảnh báo về nguy cơ ngập lụt và bố trí lực lượng chốt chặn ở các tuyến đường ngập nặng, không cho người và phương tiện qua lại khi nước lũ lên cao, chảy xiết. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm người dân bất chấp chạy xe vượt lũ, thậm chí một nhóm thanh niên còn ra cầu gỗ Lim trên sông Hương đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu (TP Huế) để tắm.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến cáo, qua kinh nghiệm từ các năm, trước, trong và sau lũ có nhiều trường hợp bị đuối nước do đi qua ngầm, tràn, bơi ao hồ, đi trên thuyền lật không biết bơi, không có áo phao... Vì vậy, cần tăng cường phát huy hiệu quả phương châm "tự quản tại chỗ" trong phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước khi có lũ.