Gọi thầu – thiết kế chính sách
Giả sử chính phủ một nước muốn có chính sách hỗ trợ sinh viên vay tiền trong một nỗ lực khuyến khích các ngành đang ít người theo học. Thay vì giao công việc nghiên cứu, soạn thảo chính sách cho một cơ quan nhà nước nào đó, chính phủ nước này có thể gọi thầu bên ngoài để làm hết mọi công đoạn, từ thiết kế chính sách, biên soạn văn bản pháp lý đến đo lường tác động, tiên liệu kết quả, kể cả đánh giá tổng thể chính sách.
Việc giao cho nhà thầu bên ngoài như thế sẽ giúp tiết kiệm ngân sách khỏi phải nuôi một bộ máy cồng kềnh nhưng ít khi sử dụng hết công suất.
Trên thực tế, hầu như nước nào cũng gọi thầu thực hiện các phần việc của chính phủ, giao việc cho các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài nhà nước như một phương cách giữ cho bộ máy chính thức luôn tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Ở Mỹ, đến 40% lực lượng lao động làm việc cho chính quyền liên bang là nhà thầu bên ngoài chứ không phải công chức trong biên chế. Trang web của Chính phủ Canada có hẳn một mục mô tả các công việc chính phủ đang cần gọi thầu, liệt kê rõ giá trị, nội dung yêu cầu để bất kỳ ai cũng có thể cân nhắc tham gia.
Ở nước ta, việc gọi thầu bên ngoài như thế là ít có; thay vào đó chúng ta có hình thức tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập mà một tỷ lệ không nhỏ đóng vai trò thực hiện các phần việc chính phủ giao phó như các nhà thầu nói trên. Số lượng đơn vị sự nghiệp như thế tuy có giảm so với trước nhưng vẫn còn rất lớn; chẳng hạn, “Tổng điều tra kinh tế năm 2021” của Tổng cục Thống kê cho biết so với 32.200 đơn vị hành chính trên cả nước, chúng ta có đến 52.500 đơn vị sự nghiệp. Cũng theo tài liệu này, chỉ có 6,1% đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên; 18,5% tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.
Như thế, một hướng đi rất quan trọng để tinh giản bộ máy hành chính là giảm mạnh số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập, thay vào đó là tổ chức gọi thầu các phần việc trước đây giao cho những đơn vị sự nghiệp thực hiện nay giao cho nhà thầu bên ngoài theo các hợp đồng công việc cụ thể. Ngoài các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục và y tế nên giữ nguyên, các đơn vị khác trong các ngành như lưu trú, văn hóa, thể thao... đều có thể cổ phần hóa, chuyển đổi hình thức sở hữu để biến thành các doanh nghiệp sau này có thể đứng ra nhận thầu từ Chính phủ.
Trên thực tế, Chính phủ đã có những chủ trương giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, như đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021. Việc giảm số lượng như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu gắn kết với một quy trình cổ phần hóa, giúp người lao động tại các đơn vị sự nghiệp có điều kiện sở hữu cổ phần và tự chủ về kinh tế. Công việc tương lai của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa này sẽ là các đơn thầu từ các cơ quan chính phủ. Cũng là nhận tiền từ ngân sách nhưng nhận cho công việc chứ không phải cho con người.
Dĩ nhiên bản thân các đơn vị muốn cổ phần hóa thành công cũng phải tự mình tinh gọn, nâng cao hiệu quả làm việc. Nếu trước đây, nhận một việc để chia nhau 100 người làm thì nay phải nhận 10 việc và chỉ còn 50 người làm, nhất là khi không còn hưởng những đặc quyền của một đơn vị công lập như cơ sở vật chất, nhà đất và phải cạnh tranh với đơn vị khác để giành quyền trúng thầu một cách xứng đáng.