Từ quy hoạch TP.HCM đến tăng trưởng 2 con số
Quy hoạch TP.HCM tạo ra không gian để TP.HCM có thể triển khai nhiều dự án quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hai con số ở TP.HCM như kỳ vọng.
Chỉ thị 19 của TP.HCM giao Viện Nghiên cứu phát triển nghiên cứu các kịch bản, dự báo phương án về tăng trưởng kinh tế đạt mức hai con số. ThS Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), cho rằng khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM, tăng trưởng hai con số là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được.
Cơ hội nổi trội cho TP.HCM
. Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sự kiện quan trọng này có ý nghĩa như thế nào đối với việc hướng tới những mục tiêu lớn và quan trọng của TP.HCM trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo?
+ ThS Nguyễn Trúc Vân: Có thể thấy rằng Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn của TP. Nội dung quy hoạch đã cụ thể hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP.HCM và Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Quy hoạch cũng xác định ba nội dung cần đi đầu để tạo nền tảng hướng đến những mục tiêu lớn và quan trọng của TP.HCM trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo như (1) phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm về giao thông, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm; (2) đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; (3) đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và giữ chân nhân tài phục vụ phát triển nhanh và bền vững của TP.HCM.
Nền tảng cho năm 2025
. Một trong những mục tiêu mà chính quyền TP.HCM đặt ra và rất được dư luận quan tâm đó là tăng trưởng hai con số. Việc Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện quyết tâm lớn của TP về tăng trưởng hai con số?
+ Xét ở góc độ tổng cung, năm 2024 khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng khoảng 65,5% trong cơ cấu kinh tế TP. Nếu chúng ta xem xét giai đoạn 2019-2024, tốc độ tăng giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ đang dần trở lại so với giai đoạn trước dịch. Tương tự, khu vực công nghiệp - xây dựng cũng đã phục hồi mạnh mẽ.
Xét ở góc độ tổng cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu giữ mức tăng ổn định từ đầu năm đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chung cũng giữ được mức tăng trên 10% và tháng sau cao hơn tháng trước. Chi ngân sách tăng đặc biệt là chi đầu tư phát triển tăng vượt bậc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10% so với cùng kỳ. Mặc dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng nhưng tính đến tháng 12-2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 80%.
Những yếu tố này sẽ là nền tảng vững chắc để TP.HCM bứt phá trong năm 2025. Quy hoạch TP.HCM đã tạo ra thời cơ thuận lợi để TP có thể tăng tốc, kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng hai con số vào năm 2025. Quy hoạch đã nêu rõ trọng tâm là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Ðể tăng trưởng đạt hai con số
. Đâu là những nội dung quan trọng, mang tính đột phá nhìn từ quy hoạch TP.HCM đã được phê duyệt để có thể xây dựng các kịch bản, phương án khả dĩ nhất nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng của TP?
+ Ở góc độ tổng cung, quy hoạch TP.HCM đã xác định rõ định hướng: Thứ nhất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao sinh thái và hữu cơ theo định hướng nông nghiệp giá trị cao, trên cơ sở lai tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới với năng suất cao, thân thiện với môi trường, nông nghiệp xanh và bền vững gắn với giảm thiểu phát thải carbon, gắn với du lịch; bảo vệ và phát triển rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp gắn với dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái; phát triển Trung tâm Thủy sản TP.HCM tại huyện Cần Giờ phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá, xây dựng trung tâm giao dịch cá cảnh mới kết hợp hoạt động du lịch.
Thứ hai, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ngành hóa chất (chọn lọc: hóa dược, cao su - nhựa kỹ thuật và phân bón); ngành cơ khí chính xác, tự động hóa; ngành chế biến thực phâm và đồ uống...; (ii) phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng như công nghiệp sinh hóa; công nghiệp dược phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao...; (iii) tái cấu trúc và nâng cao giá trị gia tăng các ngành công nghiệp hiện hữu như giày da, quần áo, dệt may; nội thất, gỗ; các ngành khác.
Thứ ba, phát triển thương mại: Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm thương mại điện tử của vùng Đông Nam Bộ. Phát triển các kênh bán lẻ hấp dẫn; chuyên nghiệp hóa và số hóa chuỗi cung ứng bán buôn; nâng cấp kết nối và cải thiện dịch vụ thương mại và quốc tế; tập trung xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh chủ lực. Phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, đa dạng; hình thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thuê ngoài trong lĩnh vực ngân hàng số; thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tài chính; lựa chọn và phát triển ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa; thời trang; phần mềm và các trò chơi giải trí; xuất bản; phát thanh truyền hình; thủ công mỹ nghệ; kiến trúc; thiết kế…
. Ở góc độ tổng cầu thì sao, thưa bà?
+ Quy hoạch đã xác định các giải pháp: Thứ nhất, thu hút đầu tư thông qua các hình thức hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phát huy vai trò động lực, dẫn dắt của đầu tư công, tập trung vào các chương trình, dự án. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM; các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trọng tâm và khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xã hội. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy thị trường tài chính và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cùng đó là, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư.
Thứ hai, xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của vùng Đông Nam Bộ; xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại TP.HCM kết hợp với các trung tâm triển lãm tại Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu để tạo thành tổ hợp triển lãm cấp quốc gia, quốc tế.
Cuối cùng, cần thúc đẩy tiêu dùng thông qua phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại hiện đại, bao gồm các đại siêu thị, siêu thị và trung tâm thương mại; phát triển một trung tâm thương mại quốc tế lớn, tầm cỡ khu vực và quốc tế tại khu vực Thủ Thiêm. Phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại điện tử đồng bộ, hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh.
. Xin cám ơn bà.
Các “biến số” để TP.HCM về đích như kỳ vọng
Ngoài động lực từ quy hoạch TP.HCM, một số “biến số” TP cần quan tâm, tận dụng để có thể về đích, cán mốc hai con số về tăng trưởng kinh tế bao gồm:
Một là, rà soát, cập nhật Chỉ thị 12/CT-UBND theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, đồng bộ với công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chủ đề công tác năm 2025: Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Đề xuất giải pháp khắc phục những mặt chưa đạt trong bốn tháng triển khai vừa qua để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP đạt 10%.
Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội. Ba là, triển khai hiệu quả Chỉ thị 19/CT-UBND về việc tăng cường kỷ cương, hành chính, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Bốn là, sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 259/NQ-CP kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo 47-TB/TW ngày 15-11-2024 của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
..........................
Phát triển mô hình kinh tế mới
Quy hoạch đã nêu rõ định hướng đột phá các động lực tăng trưởng mới: Phát triển kinh tế biển, dựa trên chín trụ cột chính: (i) trở thành một trong những trung tâm kinh tế biên hàng đầu của Đông Nam Á gắn với trung tâm trung chuyển mới của khu vực; (ii) phát triển các ngành dịch vụ biển dựa trên việc hình thành các khu trung tâm thương mại, tài chính quốc tế và du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; (iii) đầu tư xây dựng các đô thị ven biển, đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; (iv) hoàn thiện hệ thống giao thông, logistics và hệ thống cảng biển và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; (v) hình thành khu thương mại tự do (FTZ) tại Cần Giờ; (vi) phát triển công nghiệp năng lượng sạch; (vii) khai thác lợi thế của vịnh Gành Rái cho phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, các dịch vụ ngành dầu khí và công nghiệp hỗ trợ; (viii) phát triển hệ thống giao thông kết nối Cần Giờ với đô thị trung tâm, TP Thủ Đức và khu vực ngoại thành trên cơ sở khai thác và sử dụng hiệu quả các sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp, sông Thị Vải và các trục giao thông kết nối; (ix) xây dựng đường ven biển kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL.
Trong khi đó, phát triển kinh tế xanh tập trung vào bốn trụ cột ưu tiên: (i) đầu tư phi carbon; (ii) mua bán tín chỉ carbon và dịch vụ liên quan; (iii) tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; (iv) phát triển kinh tế tuần hoàn.
Phát triển kinh tế tuần hoàn: Lựa chọn các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với lợi thế và đặc điểm của TP. Xây dựng cơ chế tạo lập, kết nối và chia sẻ thông tin đồng bộ trong chuỗi cung ứng kinh tế tuần hoàn. Ưu tiên đầu tư phát triển cộng sinh công nghiệp và chuyển đổi các khu, cụm công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn sinh thái.
Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ: Xây dựng các nền tảng tích hợp hiệu quả chính quyền số và đô thị thông minh; ứng dụng số cải thiện năng suất và hiệu quả các ngành kinh tế trọng điểm. Phát triển các nền tảng kinh tế chia sẻ trong tiêu dùng và sản xuất; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số có tính ứng dụng cao (dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)...).
Bên cạnh đó, quy hoạch TP.HCM cũng đã xác định rõ không gian phát triển cho khu vực nông nghiệp - công nghiệp - thương mại để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển hạ tầng thương mại để đẩy mạnh tiêu dùng. Cụ thể như sau: (i) Không gian phát triển công nghiệp được bố trí theo bốn vùng; 33 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất và 7 cụm công nghiệp; (ii) không gian phát triển nông nghiệp bố trí theo năm khu vực gồm khu vực đô thị trung tâm, TP Thủ Đức, tây - nam TP (Bình Chánh), tây - bắc TP (Củ Chi, Hóc Môn), nam TP (Nhà Bè, Cần Giờ); (iii) ưu tiên phát triển các ngành thương mại - dịch vụ tại các trung tâm của khu vực nội thành, TP Thủ Đức và các đô thị mới. ThS NGUYỄN TRÚC VÂN