Gợi mở khung Luật Học tập suốt đời

Học tập suốt đời (HTSĐ) và xây dựng xã hội học tập ngày càng trở thành xu thế mang tính chiến lược của các quốc gia.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh: NTCC

Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh: NTCC

Các chuyên gia đề xuất, cần xây khung Luật HTSĐ và sớm ban hành luật này.

Yêu cầu của thời đại

Theo bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), mặc dù HTSĐ là con đường tất yếu để mỗi cá nhân và cộng đồng phát triển bền vững, thích ứng với những thay đổi của cuộc sống, thế nhưng tại Việt Nam, khái niệm HTSĐ chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản chính thức của Nhà nước. Mặt khác, HTSĐ cũng chưa được hiểu thống nhất trong các nghiên cứu, hoạt động hoạch định chính sách và trong thực tiễn.

Theo ông Khấu Hữu Phước, hành trình của Việt Nam trong việc thiết lập Luật HTSĐ toàn diện là bước quan trọng trong việc xây dựng lực lượng dân số có khả năng thích ứng, linh hoạt và có kỹ năng trước bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng.

“HTSĐ là quá trình phức hợp được tổ chức từ gia đình cho một con người khi họ vừa lọt lòng mẹ và thực hiện liên tục qua các hình thức học tập đa dạng tại gia đình, trường học, nơi làm việc và ngoài xã hội, kéo dài đến khi con người từ giã cuộc sống”, bà Vũ Thị Tú Anh nêu quan điểm và nhấn mạnh, HTSĐ là yêu cầu của thời đại đặt ra cho mỗi người, giúp họ có ý thức đầy đủ về bản thân và môi trường xung quanh.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, HTSĐ không chỉ diễn ra một lần, trong khoảng thời gian cố định của đời người, mà gồm quá trình lặp đi, lặp lại, sự bắt chước hành động và luyện tập thường xuyên để phục vụ mục tiêu phát triển bản thân, hoặc có thể là sự rèn luyện tính cách, phẩm chất, tính sáng tạo trong công việc, nghề nghiệp... Trong HTSĐ, phải biết kết hợp giữa phát triển năng khiếu bẩm sinh với xây dựng những năng lực mới.

“Trong bối cảnh chung, với sự phát triển nhanh chóng của các thành tựu khoa học công nghệ, HTSĐ không chỉ phục vụ cho cuộc sống cá nhân mỗi người học, mà còn có ý nghĩa vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của quốc gia”, bà Vũ Thị Tú Anh nhìn nhận.

Dù các văn bản pháp quy chưa đưa ra định nghĩa thống nhất, nhưng ở Việt Nam, cách hiểu chung về HTSĐ là: Việc học diễn ra mọi nơi, mọi lúc, với mọi người, ở mọi lứa tuổi và trình độ, không phân biệt hình thức học tập, đào tạo hay bằng cấp. Về cơ bản, cách hiểu này phù hợp với quan niệm chung của quốc tế và nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Tú Anh, khi sử dụng quan niệm này để làm cơ sở xây dựng khung pháp lý cho HTSĐ, mỗi quốc gia có thể tự giới hạn phạm vi, đối tượng điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh hiện tại và thực trạng hệ thống văn bản pháp lý của quốc gia đó.

“Chẳng hạn, ở Hàn Quốc quan điểm về HTSĐ, giáo dục suốt đời vẫn được thừa nhận là mọi loại hình học tập diễn ra từ khi con người được sinh ra đến khi mất đi. Song, khi xây dựng Luật Giáo dục suốt đời 1999 (sửa đổi 2007), phạm vi đã được giới hạn chỉ bao gồm các loại hình giáo dục diễn ra bên ngoài trường học chính quy”, bà Vũ Thị Tú Anh viện dẫn.

 Một hoạt động đào tạo kỹ năng cho người học của Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Một hoạt động đào tạo kỹ năng cho người học của Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Bài học quý từ Hàn Quốc

“Khi Việt Nam hướng tới xây dựng Luật HTSĐ thì những kinh nghiệm của các quốc gia khác, nhất là Hàn Quốc có thể cung cấp nhiều bài học quý cho chúng ta”, ông Khấu Hữu Phước - Trung tâm Khu vực về HTSĐ của SEAMEO tại Việt Nam bật mí. Xây dựng và ban hành Luật HTSĐ sẽ hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại vào năm 2035 và sự phát triển xa hơn trong tương lai.

Hàn Quốc ban hành Luật Giáo dục suốt đời, bao gồm “ý tưởng về cải cách giáo dục trên mọi lĩnh vực và suốt đời”. Luật này trở thành chất xúc tác cho giáo dục suốt đời ở Hàn Quốc. Theo luật, giáo dục suốt đời đề cập đến các loại hình học tập và hoạt động giáo dục có tổ chức được thực hiện ngoài hệ thống giáo dục chính quy.

“Bằng cách rút ra kinh nghiệm từ hệ thống giáo dục suốt đời vững chắc của Hàn Quốc và điều chỉnh những bài học này phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội đặc thù của Việt Nam, chúng ta có thể phát triển khung pháp lý mạnh mẽ, thúc đẩy cơ hội HTSĐ mang tính hòa nhập, công bằng và dễ tiếp cận cho tất cả công dân”, ông Khấu Hữu Phước gợi mở.

 Học sinh Trường THPT Chi Lăng (Lạng Sơn) đọc sách tại Thư viện xanh của trường. Ảnh: Sỹ Điền

Học sinh Trường THPT Chi Lăng (Lạng Sơn) đọc sách tại Thư viện xanh của trường. Ảnh: Sỹ Điền

Từ hệ thống giáo dục suốt đời của Hàn Quốc, chuyên gia đến từ Trung tâm Khu vực về HTSĐ của SEAMEO tại Việt Nam khuyến nghị, Luật HTSĐ nên đảm bảo việc thiết lập khung pháp lý mạnh mẽ cho HTSĐ; trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.

Luật nên bắt buộc thành lập các trung tâm HTSĐ cấp vùng và địa phương, đồng thời cho phép triển khai phân cấp để phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng cộng đồng. Điều này sẽ đảm bảo rằng, HTSĐ đáp ứng được nhu cầu địa phương, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và đa dạng.

“Một thành phần quan trọng của HTSĐ là tính hòa nhập”, ông Khấu Hữu Phước nhấn mạnh và đề xuất, Luật HTSĐ nên tạo điều kiện cho các nhóm thiệt thòi như: Dân tộc thiểu số, người có thu nhập thấp và người ở các khu vực xa xôi tham gia học tập và hòa nhập xã hội.

Cần có các hỗ trợ tài chính (học bổng và trợ cấp) để giảm bớt rào cản kinh tế. Các chương trình nên phù hợp với văn hóa dân tộc cũng như địa phương và có thể được cung cấp bằng ngôn ngữ địa phương khi cần. Qua đó, đáp ứng nhu cầu đặc biệt của các nhóm yếu thế, thúc đẩy môi trường học tập công bằng hơn.

Bên cạnh đó, Luật HTSĐ của Việt Nam nên cho phép và thúc đẩy các quan hệ đối tác giữa các tổ chức công. Việc thu hút các bên liên quan trong ngành vào việc thiết kế, cung cấp chương trình này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng và đảm bảo người học được trang bị những kỹ năng phù hợp.

Ngoài ra, luật phải ưu tiên phát triển nền tảng học tập kỹ thuật số và nâng cao khả năng hiểu biết về kỹ thuật số, đảm bảo tất cả công dân có thể tiếp cận các công cụ giáo dục hiện đại. Đồng thời, có cơ chế đảm bảo chất lượng như: Hệ thống chứng nhận quốc gia nên được triển khai để chuẩn hóa bằng cấp và đảm bảo các chương trình HTSĐ đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng và tính liên quan.

Luật HTSĐ cũng nên đưa ra các biện pháp thúc đẩy văn hóa quốc gia về HTSĐ. Hơn nữa, HTSĐ nên được gắn kết với chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam, góp phần vào các mục tiêu như tăng trưởng kinh tế, đổi mới và hòa nhập xã hội, đảm bảo rằng HTSĐ hỗ trợ mục tiêu quốc gia rộng lớn hơn.

 Sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: NTCC

Tạo khung pháp lý

Khẳng định, giáo dục là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của xã hội, PGS.TS Tô Bá Trượng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Phát triển giáo dục nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, khái niệm HTSĐ ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, cùng những thay đổi không ngừng trong xã hội đặt ra yêu cầu mới về học tập và nâng cao trình độ cho mọi tầng lớp nhân dân.

“Tại Việt Nam, với mục tiêu xây dựng nền giáo dục mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu HTSĐ thì việc nghiên cứu và xây dựng Luật HTSĐ không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn trở thành xu hướng phù hợp với phát triển chung của thế giới”, PGS.TS Tô Bá Trượng nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Luật HTSĐ hoặc “Luật Giáo dục suốt đời”, bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, HTSĐ giúp nâng cao kỹ năng và kiến thức của người lao động.

Theo đó, những người lao động học tập, đào tạo liên tục, cập nhật được kiến thức, kỹ năng mới đảm bảo có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và công nghệ. Ngoài ra, HTSĐ nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của các nhóm khác nhau như: Trẻ em, người lớn, những người có hoàn cảnh đặc biệt, người già, người khuyết tật... Nghĩa là mọi người dân đều có nhu cầu học tập, được học và học tốt, không chỉ trong môi trường giáo dục chính quy mà còn trong hoạt động học tập không chính quy, tự học.

“Luật HTSĐ có thể tạo ra khung pháp lý để hỗ trợ và khuyến khích các hình thức học tập đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người”, PGS.TS Tô Bá Trượng nhìn nhận và nhận thấy, hệ thống giáo dục của Việt Nam còn những hạn chế nhất định. Do đó, nếu có Luật HTSĐ có thể giúp giải quyết những bất cập này bằng cách cung cấp cơ chế và chính sách hỗ trợ học tập cho mọi cá nhân trong xã hội.

Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Phát triển giáo dục, nếu có bộ luật rõ ràng về HTSĐ sẽ đảm bảo rằng, mọi người, bất kể độ tuổi, giới tính, hay hoàn cảnh đều có quyền tiếp cận và hưởng lợi từ các cơ hội HTSĐ; từ đó góp phần phát triển xã hội công bằng và bền vững. HTSĐ không chỉ giúp cá nhân phát triển, mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những công dân có tri thức và kỹ năng cao sẽ góp phần vào sản xuất, nâng cao giá trị trong các sản phẩm mà mình tạo ra, làm cho kinh tế ngày càng thịnh vượng, xã hội ngày càng ổn định.

“Việc sớm có Luật HTSĐ hay Luật Giáo dục suốt đời sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để thúc đẩy các hoạt động HTSĐ; từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng tốt hơn những thách thức của thời đại mới”, PGS.TS Tô Bá Trượng nhấn mạnh.

8 chính sách được định hướng đề xuất thể chế hóa trong dự thảo Luật HTSĐ gồm:

- Xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, có khả năng chuyển đổi cao.

- Phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa và giáo dục bên ngoài hệ thống giáo dục quốc dân.

- Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, khai thác tối đa tiềm năng của các mô hình học tập trong cộng đồng và tại nơi làm việc.

- Xây dựng cơ chế đánh giá và ghi nhận, xác nhận, công nhận các kết quả và trải nghiệm HTSĐ của người học; bảo đảm chất lượng giáo dục trong HTSĐ.

- Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ giáo dục (edtech) phục vụ cho HTSĐ.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý hệ thống HTSĐ.

- Xây dựng cơ chế bảo đảm sự tham gia chủ động, tích cực của chính quyền các cấp trong quản lý, chỉ đạo và thực thi các hoạt động HTSĐ.

- Nâng cao chất lượng và từng bước chuyên môn hóa đội ngũ giáo viên/hướng dẫn viên trong HTSĐ thông qua việc thành lập chuyên ngành Giáo dục người lớn trong các trường đại học; tăng cường bồi dưỡng về phương pháp sư phạm đối với học viên người lớn cho đội ngũ giáo viên/ hướng dẫn viên trong HTSĐ.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/goi-mo-khung-luat-hoc-tap-suot-doi-post709754.html
Zalo