'Gói đất trời' trong những chiếc bánh chưng xanh

Gói bánh chưng Tết là phong tục văn hóa có hàng ngàn năm của dân tộc Việt. Áp Tết, trong tiết Xuân se lạnh, không khí chuẩn bị gói bánh ở mỗi gia đình càng trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Những chiếc bánh chưng được gói cẩn thận như tấm lòng thơm thảo của con cháu dâng lên bàn thờ tổ tiên ước vọng về một năm mới bình an, may mắn đến với tất cả mọi người.

Ông Nguyễn Thanh Bình, tổ 4, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) tham gia gói bánh chưng Tết tặng những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Thanh Bình, tổ 4, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) tham gia gói bánh chưng Tết tặng những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán.

Những người đàn ông “gói Tết

Đã hơn 10 năm tôi về làm dâu, cũng là chừng ấy năm được chứng kiến bố chồng gói bánh chưng ngày Tết. Năm nay, ông đã 80 tuổi, sức khỏe không còn như trước nhưng ông vẫn duy trì tục gói bánh chưng vào ngày 28 tháng Chạp. Mới sáng sớm, ông đã trải chiếu ở một góc sân, đặt lên đầy đủ nguyên liệu như lá dong, gạo nếp, thịt đỗ.

Chị dâu tôi tất bật với việc bán đào, quất ngày cuối năm vừa về đến nhà nhìn thấy chỉ nhắc ông: Ông tuổi cao rồi, sao không để con đặt bánh chưng cho nhàn. Nhà con ngay gần làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) cũng tiện. Với lại, giờ ăn ít, chả cần gói nhiều lãng phí ông ạ.

Nghe xong, ông quay sang, nói cho cả chúng tôi cùng nghe:

- Bố muốn tự tay gói bánh, để còn dạy các cháu biết về phong tục của dân tộc mình. Bố mẹ già rồi, chẳng biết gói được bao nhiêu mùa bánh chưng nữa.

Ông lấy chiếc lá dong đã rửa sạch sẽ, hướng dẫn:

- Các cháu nhìn nhé, ta đặt hai lá dong vuông góc với nhau như thế này, nhớ phải cho mặt màu xanh đậm úp xuống dưới, rồi mới đặt tiếp hai lá nữa vuông góc với nhau, mặt lá xanh đậm hướng lên trên.

- Sao lại phải đổi hai chiều lá thế ông ơi? Con trai tôi thắc mắc.

- Vì khi gói bánh lại, phần mặt ngoài bánh là mặt phải lá sẽ xanh đẹp, phần mặt trong gói nhân bánh cũng được tiếp xúc với mặt phải lá cũng sẽ được xanh hơn và tiện nhất là khi bóc bánh không bị dính.

Như khám phá ra một điều mới mẻ, lý thú, lũ trẻ con cười khanh khách, cùng phụ ông gói bánh. Tôi nhìn các con, chúng đang háo hức dõi theo ông cho gạo, đỗ, thịt, khéo léo bóp hai bên mép đầu và cuối của bánh rồi gấp lại tạo thành hình vuông vắn. Sau đó, ông dùng lạt buộc chặt, để lá không bị bung.

Nghe tiếng cười nói vui vẻ của lũ trẻ khi cầm chiếc bánh chưng vuông vức, gương mặt ông rạng ngời mãn nguyện. Giây phút đó tôi càng thấm thía vì sao bố muốn tự tay gói những chiếc bánh chưng. Đó không chỉ đơn thuần là việc chuẩn bị món ăn dâng lên tổ tiên, mà còn gói trọn tâm tư, tình cảm dành cho các con, cũng là giữ giá trị văn hóa truyền thống để con, cháu mình biết trân trọng những năm sau.

Cũng chuyện người đàn ông khéo léo gói bánh chưng, tôi nhớ lại hình ảnh ông Nguyễn Thanh Bình, tổ 4, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán mà mình có duyên gặp mặt. Ông Bình chia sẻ: Năm nào tôi cũng gói bánh chưng Tết cùng gia đình. Nhưng ý nghĩa hơn với tôi là vào những ngày giáp Tết, tôi được tham gia gói bánh chưng dành tặng các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường.

Không chỉ góp phần giữ hương vị Tết, chúng tôi còn gói cả yêu thương, hạnh phúc để những gia đình khó khăn có thêm nhiều niềm vui đón Tết. - ông Nguyễn Thanh Bình

Nghe lời ông Bình chia sẻ, tôi càng hiểu hơn hương vị của bánh chưng không chỉ ở nếp dẻo, đỗ xanh bùi, thịt lợn thơm mà còn ở cả tình thân, sự đoàn viên ấm áp. Khi gói kỹ càng, tỉ mỉ chiếc bánh chưng, mỗi người còn gửi gắm vào đó biết bao những lời chúc tốt đẹp, mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng.

Thơm thảo truyền thuyết Lang Liêu

Trong câu chuyện về việc gói bánh chưng Tết, ký ức tuổi thơ tôi ùa về mang theo bao cảm xúc ngọt ngào. Đó là khoảnh khắc rửa lá, vo gạo phụ mẹ gói bánh, được ngồi trông nồi bánh bên bếp lửa ấm cúng đêm Giao thừa. Là niềm vui khi cầm chiếc bánh chưng xanh vuông vức đặt lên bàn thờ tổ tiên, cầu ước một năm mới đầy may mắn, bình an.

Khi gói bánh chưng, mỗi người dân đất Việt đều gửi gắm vào đó biết bao những lời chúc tốt đẹp, mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng.

Khi gói bánh chưng, mỗi người dân đất Việt đều gửi gắm vào đó biết bao những lời chúc tốt đẹp, mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng.

Tôi nhớ lắm tiếng củi lửa cháy lách tách, mang theo mùi thơm của lá dong, gạo nếp, thịt lợn hòa quyện vào nhau, tạo nên hương vị đặc trưng của Tết. Quên sao được bên nồi bánh chưng luộc, chị em tôi nghe giọng bà nội trầm ấm kể về nguồn gốc của chiếc bánh chưng, bánh giầy, cùng lời dạy bảo nhẹ nhàng, sâu sắc.

Đó là thời Hùng Vương thứ 6, nhà vua quyết định truyền ngôi và kêu gọi các con tìm kiếm những món quà đặc biệt để dâng lên tổ tiên trong ngày lễ. Trong khi các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật thì Lang Liêu là người con hiếu thảo, thông minh nhưng nghèo khó nhất qua giấc mơ đã được thần linh chỉ dẫn làm bánh chưng, bánh giầy dâng cha từ những nông sản giản dị như gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn.

Thức ăn này không chỉ ngon mà còn mang nhiều ý nghĩa: Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh giầy tròn tượng trưng cho trời. Khi dâng lên vua cha, Lang Liêu giải thích ý nghĩa của món bánh và những giá trị tinh thần mà chúng mang lại. Lễ vật này hợp với ý vua Hùng nhất và nhà vua đã truyền ngôi cho chàng. Từ đó bánh chưng, bánh giầy đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng, dịp lễ, Tết để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha ông.

Trong ánh lửa bập bùng, những chi tiết của câu chuyện như hiện ra trước mắt. Cứ thế, cứ thế, chị em tôi cảm nhận được lòng hiếu thảo của Lang Liêu, sự sáng tạo, khéo léo và cả tình yêu thương gia đình, tình cảm với đất trời qua từng chiếc bánh.

Qua bao năm tháng, câu chuyện về Lang Liêu và nguồn gốc bánh chưng bánh giầy luôn thường trực trong tâm trí tôi cũng như bao nhiêu thế hệ người con đất Việt. Và mỗi năm Xuân về, nhìn hình ảnh mỗi thành viên trong gia đình tự tay gói bánh chưng dâng thắp tổ tiên, chúng tôi lại bồi hồi xúc động, hạnh phúc khi thấy mạch nguồn văn hóa dân tộc đang chảy mãi…

Duy Phương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202501/goi-dat-troi-trong-nhung-chiec-banh-chung-xanh-7f11293/
Zalo