Góc nhìn pháp lý chuyện chàng trai ở Quảng Nam tổ chức đám cưới với 2 phụ nữ
Câu chuyện chàng trai ở Quảng Nam tổ chức đám cưới với 2 cô vợ gây xôn xao dư luận, vì nếu thật sự như vậy thì trường hợp này có thể nảy sinh nhiều tình huống pháp lý.
Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền câu chuyện chàng trai cưới cùng lúc 2 vợ ở Quảng Nam. Câu chuyện do chị D, người vợ chia sẻ nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, với hơn 21.000 lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 9.000 lượt chia sẻ. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng thị xã Điện Bàn xác minh thông tin cụ thể.
Câu chuyện hy hữu này nhận được sự quan tâm của nhiều người vì nếu thật sự như vậy thì có thể nảy sinh nhiều tình huống pháp lý.
Thứ nhất, một chàng trai có thể cưới cùng lúc hai cô gái được hay không?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết pháp luật Việt Nam chỉ cho phép một nam và một nữ kết hôn theo nguyên tắc chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Việc này được quy định tại Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Do đó, nếu có việc một người có quan hệ hôn nhân cùng lúc với hai người là vi phạm pháp luật.
Quan hệ hôn nhân được pháp luật thừa nhận là quan hệ được xác lập giữa hai bên nam, nữ và phải tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn và phải được đăng kí tại cơ quan đăng kí kết hôn có thẩm quyền. Nếu vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác...
Trong trường hợp bị xử phạt mà vẫn tiếp tục vi phạm, hoặc gây tan vỡ quan hệ hôn nhân của người khác, thì có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt tù có thể lên đến 3 năm tù.
Quay lại câu chuyện hy hữu trên, nếu cả ba người trong sự việc đều trong tình trạng độc thân (chưa đăng ký kết hôn, hoặc đã ly hôn) thì việc họ tổ chức đám cưới như báo chí phản ảnh là không vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình.
Bởi đám cưới chỉ là một thủ tục mang tính tập quán, tổ chức đám cưới để thông báo với họ hàng, làng xóm, bạn bè, người thân… về việc hai người nam nữ sẽ trở thành vợ chồng. Trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận bằng khi đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, đương sự là người đang trong thời kỳ hôn nhân mà có hành vi vi phạm.
Tuy vậy, đây là tình huống quá éo le, trái với thuần phong mỹ tục, cơ quan chức năng nên vận động tuyên truyền những người trong cuộc và cả những người dân khác thực hiện quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Vấn đề pháp lý thứ hai là liên quan đến tình tiết được một bên cung cấp là cả hai cô gái đều có thai. Như vậy, khi các con sinh ra đăng ký khai sinh như thế nào?
Giải đáp vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trần Phương, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành thì mọi trẻ sinh ra đều có quyền được khai sinh mà không phụ thuộc vào việc cha mẹ có đăng ký kết hôn hay không, có xác định được cha mẹ hay không...
Về thủ tục đăng ký khai sinh khi trẻ được sinh ra trong hồ sơ cần có giấy đăng ký kết hôn để trẻ sinh ra có đủ cha và mẹ. Trường hợp không có giấy đăng ký kết hôn thì có thể có tên mình cha hoặc tên mình mẹ.
Trong trường hợp này, nếu sự việc là đúng, theo luật anh Nh chỉ được phép đăng ký kết hôn với một người. Khi đó, đứa trẻ sinh ra với người mà anh đăng ký kết hôn thì sẽ mặc nhiên được khai sinh có đầy đủ tên cha và mẹ trong giấy khai sinh.
Đối với người phụ nữ còn lại, đứa trẻ vẫn là con của anh Nh thì lúc này giữa anh Nh và mẹ đứa trẻ cần thỏa thuận để xác định người đi đăng ký khai sinh cho trẻ.
Ngoài ra, dù cha mẹ của trẻ có đăng lý kết hôn hay không thì người cha vẫn có nghĩa vụ đối với con.
Cụ thể, Điều 67 Luật Hôn nhân và Gia đình xác định cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên...
Như vậy, người cha còn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con của mình mà không thể chuyển giao nghĩa vụ này cho ai khác theo quy định tại Điều 107 của luật này.
Vấn đề thứ ba được đặt ra là trường hợp sau khi đăng ký kết hôn với một người mà vẫn chung sống như vợ chồng với người còn lại thì sao?
Giải đáp, các luật sư đều cho biết đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 82/2020 với mức phạt từ 3-5 triệu đồng. Nếu hành vi này gây hậu quả (Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.