Góc đen tối sau đằng sau những con mèo miễn phí ở Trung Quốc
Khi nhận một chú mèo miễn phí, có nghĩa khách hàng đã bị gán cho một hợp đồng cam kết mua sắm đồ dùng cho mèo kéo dài 2 năm.
Bên trong trung tâm thương mại lớn ở Thượng Hải (Trung Quốc) là một kệ chứa đầy những chú mèo đáng yêu, có cả giống mèo lai đắt đỏ, đang nằm trong hộp. Chúng đều là "mèo miễn phí".
Đây là dịch vụ hấp dẫn với những người không đủ kinh tế để mua một thú cưng đắt tiền. Họ có cơ hội trải nghiệm nuôi mèo dường như không tốn kém.
Nhưng phía sau lời mời gọi đầy ấm áp về việc nhận nuôi một chú mèo miễn phí tại đây lại ẩn chứa một chiếc bẫy chi phí khổng lồ: Một hợp đồng mua sắm đồ cho mèo dài hạn bắt buộc, được gọi là "cho vay nuôi mèo", và khấu trừ tự động hàng tháng qua tài khoản online.
Bẫy chi phí
Theo đó, những chú mèo ở đây đều không có bảng giá, nhưng người nhận nuôi phải cam kết mua đồ dùng cho mèo hàng tháng, chẳng hạn thức ăn và cát vệ sinh, thông qua các nền tảng thanh toán trực tuyến như WeChat hoặc Alipay.
Khoản chi trả này được ghi trong hợp đồng nhận nuôi, kéo dài đến vài năm, với tổng phí tới 20.000 nhân dân tệ (2.745 USD).
Yuan, một cư dân Thượng Hải, bị thu hút bởi chú mèo Mỹ lông ngắn 3 tháng tuổi tại trung tâm thương mại Global Harbor.
"Con mèo con rất đáng yêu nên chúng tôi đã ký hợp đồng và mang nó về nhà", cô nói với Youth Daily.
Mãi đến sau này, cô mới nhận ra khoản phí bắt buộc hàng tháng phải chi cho mèo là một "trò lừa". Cô đã đồng ý trả 800 nhân dân tệ (109 USD) một tháng cho các sản phẩm được chỉ định trong 2 năm, tức tổng cộng 19.800 nhân dân tệ (hơn 2.700 USD).
"Nhưng giá của nguồn cung họ đưa quá đắt và không phải thương hiệu quen thuộc", Yuan phàn nàn.
Yuan đã nỗ lực để hủy bỏ thỏa thuận. Cuối cùng, cô được hoàn tiền sau khi hòa giải, trừ những vật phẩm đã mua.
Một trường hợp tương tự đã được báo cáo ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), trong đó người phụ nữ phải đối mặt khoản nợ 5.400 nhân dân tệ (740 USD) dù con mèo của cô sắp chết sau nhiều tháng nhận nuôi.
SCMP cũng từng đưa tin về nguy cơ phía sau những con mèo nhận nuôi miễn phí, nhận định rằng các chương trình này là cơ hội kiếm tiền cho những doanh nhân vô đạo đức cung cấp gói "trả góp cho thú cưng".
Một cửa hàng như vậy ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, tự nhận cung cấp dịch vụ "nhận nuôi miễn phí", đã gắn tấm thẻ vào mỗi con vật ghi số tiền phải chi tại cửa hàng như một điều kiện để nhận nuôi thú cưng.
Người nhận nuôi phải đồng ý chi một số tiền nhất định mỗi tháng cho các sản phẩm dành cho thú cưng từ cửa hàng trực tuyến của họ trước khi đưa con vật về nhà.
Ví dụ, việc nhận nuôi một chú mèo Nga xanh từ cửa hàng sẽ tốn 500 nhân dân tệ (70 USD) mỗi tháng, kéo dài trong hai năm, tổng cộng là 12.000 nhân dân tệ (1.700 USD) - đắt hơn nhiều so với việc mua một chú mèo ở nơi khác.
"Mục đích chính của việc này là ngăn chặn mọi người ngược đãi hoặc bỏ rơi mèo sau khi mang về nhà", một nhân viên tại cửa hàng thú cưng cho biết khi được hỏi về "kế hoạch trả góp" kéo dài hai năm với tờ News Weekly.
Nhận mèo hay nhận nợ?
Thực tế, nhiều sản phẩm dành cho thú cưng được bán trên shop online của cửa hàng có giá cao hơn giá thị trường. Một túi thức ăn cho mèo nhập khẩu 2 kg có giá cao hơn khoảng 60 nhân dân tệ (8,2 USD) so với giá trên Taobao.
Người nhận nuôi cũng phải ký các thỏa thuận quy định họ không được chấm dứt hợp đồng nếu thú cưng chết hoặc bị lạc trong thời hạn hai năm.
Điều này có nghĩa là khách hàng có thể phải trả tiền cho một con vật mà họ không còn sở hữu.
Một khách hàng đã nhận nuôi con mèo Maine Coon và bị "gán" cho khoản thanh toán tự động hàng tháng là 800 nhân dân tệ (110 USD), kéo dài 24 tháng, mặc dù con mèo đã chết ngoài ý muốn chỉ vài tháng sau đó.
Sức khỏe của mèo cũng là vấn đề đáng lo ngại khi nhiều khách hàng phản ánh thú cưng họ mang về nhà bị bệnh.
Cái gọi là "cho mèo miễn phí" đã làm dấy lên cuộc tranh luận - làm mờ ranh giới giữa việc sở hữu thú cưng có trách nhiệm và gánh nặng tài chính khổng lồ cho những người nhận nuôi có thiện chí.
"Cửa hàng đang sử dụng chương trình nhận nuôi miễn phí như một chiêu bài để lừa mọi người trả tiền mua thức ăn và cát vệ sinh cho mèo trong hai năm, cuối cùng lại tốn kém hơn. Mèo và chó không khỏe mạnh. Tất cả chỉ là trò lừa đảo", một khách hàng cho biết trên Dianping, nền tảng đánh giá nổi tiếng của Trung Quốc.
"Đây hoàn toàn không phải là nhận nuôi động vật. Việc nhận nuôi thực sự sẽ chỉ cần gửi video hoặc ảnh để chứng minh rằng mèo và chó vẫn ổn sau khi nhận nuôi", một người khác bức xúc nói.
Trong khi đó, những nhà điều hành cửa hàng thú cưng bảo vệ mô hình này, nói rằng cơ chế trên nhằm ngăn chặn việc bỏ rơi hoặc bỏ bê thú cưng sau khi nhận nuôi (có thể do bốc đồng).
"Hệ thống này đảm bảo phúc lợi cho mèo", một nhân viên cửa hàng giải thích, nhấn mạnh tính hiệu quả về mặt chi phí so với việc mua đứt thú cưng và đồ dùng.
Ma Xiang, đối tác của công ty luật Shentong Thượng Hải, cảnh báo người tiêu dùng nên xem xét cẩn thận các hợp đồng và xác minh sức khỏe của vật nuôi trước khi cam kết.