Hồi chuông cảnh báo Trung Quốc có thể sắp rơi vào 'thập niên mất mát' giống Nhật Bản

Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài hàng chục năm như Nhật Bản.

Các nhà đầu tư đang lo ngại về triển vọng của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Các nhà đầu tư đang lo ngại về triển vọng của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Cảnh báo từ thị trường trái phiếu

Chưa bao giờ các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ quy mô 11.000 tỷ USD của Trung Quốc cảm thấy bi quan như lúc này. Trong những tuần gần đây, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, bất chấp loạt biện pháp kích thích kinh tế mà Bắc Kinh công bố.

Điều này cho thấy nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại về nguy cơ các nhà hoạch định chính sách không thể ngăn nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài hàng thập kỷ.

Nếu phán đoán của thị trường trái phiếu là đúng, điều đó sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với Trung Quốc và thế giới. Đợt giảm phát kéo dài sẽ cản trở một trong những động cơ tăng trưởng lớn nhất của thế giới, gia tăng căng thẳng đối với 1,4 tỷ dân Trung Quốc và khuếch đại làn sóng vốn tháo chạy khỏi nước này.

Không chỉ các trái chủ, các nhà đầu tư tại Trung Quốc nói chung cũng đang suy nghĩ nghiêm túc về nguy cơ “Nhật Bản hóa”. Tờ Bloomberg cho biết 10 công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc đều đã phát hành nghiên cứu về thập niên mất mát của xứ xở hoa anh đào.

Ông Richard Koo, nhà kinh tế nổi tiếng vì chỉ ra những điểm giống nhau giữa hai nước, đã được một số công ty và tổ chức nghiên cứu Trung Quốc mời chia sẻ quan điểm.

Trung Quốc ngày nay và Nhật Bản thời kỳ hậu bong bóng có một số điểm tương đồng rất dễ thấy. Cả hai nước đều trải qua sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản, đầu tư tư nhân yếu, tiêu dùng ảm đạm, nợ lớn và dân số già hóa nhanh chóng.

Ngay cả những người lạc quan cũng lo ngại rằng các quan chức đang hành động chậm chạp. Một trong những bài học quan trọng từ Nhật Bản là việc khôi phục tăng trưởng kinh tế sẽ càng trở nên khó khăn khi các quan chức chậm chân trong việc trấn an tâm lý bi quan của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các thị trường Trung Quốc bước vào năm 2025 với vị thế rất bấp bênh. Khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lần đầu giảm xuống dưới 1,6%, một số chuyên gia đã đề cập đến viễn cảnh lợi suất xuống gần 0 - điều mà trước đây không ai tưởng tượng được. Chỉ số chứng khoán CSI 300 mất 3,5% trong 4 phiên giao dịch đầu tuần, đồng nhân dân tệ tại thị trường quốc tế dao động gần mức thấp kỷ lục.

Nhà kinh tế Richard Koo bình luận: “Thị trường trái phiếu đang nói rằng Trung Quốc đã rơi vào một cuộc ‘suy thoái bảng cân đối kế toán’”.

Thuật ngữ được ông Koo đề cập mô tả tình trạng một lượng lớn doanh nghiệp và hộ gia đình cùng lúc nỗ lực giảm nợ vay và tăng cường tiết kiệm, dẫn đến sự sụt giảm nhanh chóng của hoạt động kinh tế.

Giới chức trách Trung Quốc thực sự đã cố gắng hành động để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm việc tung ra gói kích thích lớn vào cuối tháng 9 năm ngoái. Năm 2025, các quan chức hàng đầu hứa hẹn sẽ tăng cường chi tiêu tài khóa và đặc biệt ưu tiên nhiệm vụ thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Rắc rối là các liều thuốc chính sách cho tới nay chưa đủ hiệu quả để đảo ngược đà giảm của giá cả. Tâm lý tiêu dùng yếu kém, khủng hoảng bất động sản và môi trường kinh doanh khó đoán định đang kìm hãm lạm phát. Chỉ số giảm phát GDP - thước đo giá cả bao quát nhất trong nền kinh tế - đang trong chuỗi giảm phát dài nhất thế kỷ 21.

Không phải chuyên gia nào cũng kết luận rằng Trung Quốc đã rơi vào suy thoái bảng cân đối kế toán. Phe lạc quan nhấn mạnh những điểm khác biệt giữa Trung Quốc ngày nay và Nhật Bản cuối thập niên 1990. Một điểm quan trọng là Trung Quốc có thu nhập trung bình thấp hơn, đồng nghĩa với việc có nhiều dư địa tăng trưởng hơn.

Bà Wang Yingrui, nhà kinh tế tại AXA Investment Managers, nhận định tình hình hiện nay giống cuộc “suy thoái bảng cân đối kế toán một phần”. Theo bà, chi tiêu của chính quyền trung ương đang giúp ngăn các vết rạn nứt lộ rõ hơn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Tấm gương của Nhật Bản

Dẫu sao, số phận của Nhật Bản trong giai đoạn mất mát từ năm 1990 đến 2010 cũng là tấm gương cảnh báo cho các nhà đầu tư vào tài sản Trung Quốc.

Trong giai đoạn đó, chỉ số Nikkei 225 lao dốc hơn 70%, khiến cho hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp và ngân hàng tăng vọt. Chỉ số này mất hơn 30 năm để lấy lại mức đỉnh năm 1989.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh trên 8% trong năm 1990, sau đó trượt dài xuống dưới mức 0 vào giữa thập niên 2010. Hiện lợi suất dao động quanh mức 1%. Lợi suất siêu thấp là dấu hiệu của giảm phát bởi nó cho thấy các nhà đầu tư đặt cược rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức thấp để vực dậy nhu cầu trong nước.

Các thị trường Trung Quốc đang diễn biến theo hướng tương tự. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này đạt gần 5% trong năm 2013 nhưng đã tụt xuống dưới 1,6% hôm 6/1. Chỉ số CSI 300 hiện cách 30% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 2/2021.

Một số chuyên gia tin Trung Quốc có công cụ để tránh lặp lại con đường của Nhật Bản. Ông Mark Mobius, nhà đầu tư kỳ cựu chuyên về các thị trường mới nổi, bình luận: “Do chính phủ Trung Quốc có nhiều khả năng kiểm soát nền kinh tế hơn hẳn Nhật Bản, họ có thể triển khai các biện pháp tài chính nhằm giảm bớt hoặc loại trừ nhiều yếu tố tiêu cực”.

Tuy nhiên đồng hồ đang điểm và các nhà phân tích nhấn mạnh Bắc Kinh cần nhanh chóng học hỏi từ giai đoạn khó khăn của nước láng giềng.

Ông Jesper Koll, Giám đốc cấp cao tại Monex Group, chỉ ra nền kinh tế Nhật Bản chỉ bắt đầu phản ứng tích cực khi các nhà hoạch định chính sách “chuyển tiền trực tiếp vào túi người dân” thay vì đổ tiền vào cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp.

Ông nói tiếp: “Các chính trị gia Nhật Bản mất 20 năm để học được bài học đó. Tôi hy vọng giới lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu điều này và sẽ sớm thúc đẩy sức mua của người dân”.

Giang

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hoi-chuong-canh-bao-trung-quoc-co-the-sap-roi-vao-thap-nien-mat-mat-giong-nhat-ban.html
Zalo