Gỡ vướng trong đấu thầu, nhất là đấu thầu thuốc
Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật quan trọng, trong đó có Luật Đấu thầu.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 23/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật quan trọng, trong đó có Luật Đấu thầu. Nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt, bởi những tác động trực tiếp tới hàng loạt lĩnh vực, từ đầu tư công, viễn thông cho đến y tế.
Theo dự thảo, chủ đầu tư được tự quyết định và chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu như đấu thầu, chỉ định thầu. Các đại biểu cho rằng, chỉ định thầu là cần thiết trong một số trường hợp, nhưng phải kèm điều kiện rõ ràng về năng lực của nhà thầu và hiệu quả kinh tế.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu: "Chủ đầu tư phải chọn những nhà thầu có tiềm lực - những nhà thầu thời gian qua đã có năng lực tài chính, đã tham gia nhiều dự án có chất lượng và có uy tín. Nhất thiết là chỉ định thầu phải đi kèm với giảm giá. Tôi thấy có nơi một nhà thầu trúng liền mấy chục công trình, giảm giá rất thấp, chỉ dưới 1%. Như vậy là không hiệu quả, mà còn gây lãng phí, mất thời gian, tốn kém".
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho ý kiến: "Mục tiêu của sửa luật lần này là mở rộng phạm vi, thay đổi tư duy trong quản lý đấu thầu. Nếu không hết sức thận trọng thì sẽ tạo ra kẽ hở lớn. Trước đây quy định chặt chẽ mà vẫn xảy ra tiêu cực, nay càng cần thận trọng hơn".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp: "Trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định và chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, như: đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng... trên nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng và không làm tăng tổng mức đầu tư. Dự thảo cũng mở rộng cơ chế chỉ định thầu và áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu trong những trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ các gói thầu, dự án. Đồng thời, bổ sung và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các gói thầu này, phù hợp với chủ trương chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Luật cũng áp dụng phương pháp định giá hồ sơ dự thầu theo tiêu chí kỹ thuật, hoặc kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với các gói thầu trong các lĩnh vực như viễn thông, y tế, công nghệ chiến lược, để lựa chọn nhà thầu có giải pháp kỹ thuật tối ưu, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện gói thầu. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu và rút ngắn thời gian thực hiện các gói thầu, dự án".
Tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư và từ thực tiễn bức xúc trong đấu thầu thuốc thời gian qua, dự thảo lần này trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính.
"Các cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính thuộc nhóm 1 và nhóm 2 sẽ được trao quyền tự quyết trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế không sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ chế mới sẽ tạo điều kiện để các cơ sở y tế có thể trực tiếp đàm phán với các nhà cung ứng nhằm giảm giá mua sắm. Luật cũng áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu kết hợp giữa kỹ thuật và giá, hoặc đánh giá theo tiêu chí kỹ thuật riêng đối với các gói thầu mua thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế. Việc nâng tỉ trọng điểm kỹ thuật nhằm lựa chọn nhà thầu có giải pháp công nghệ tốt, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu.
Việc tăng tỉ trọng điểm kỹ thuật được kỳ vọng giúp lựa chọn được nhà thầu có giải pháp công nghệ tốt, chất lượng cao, thay vì chỉ “chạy đua” về giá như hiện nay.