Gỡ vướng, nâng hiệu quả hoạt động các công ty lâm nghiệp

Mặc dù được Nhà nước giao cho quản lý, sử dụng diện tích đất lâm nghiệp lớn song nhiều năm qua các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam và Mai Sơn (gọi chung là công ty lâm nghiệp) vẫn hoạt động kém hiệu quả. Trước thực trạng trên, việc tìm giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này rất cần được quan tâm.

Hoạt động kém hiệu quả

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam được Nhà nước giao quản lý, sử dụng hơn 2,7 nghìn ha đất rừng kinh tế trên địa bàn các xã: Đông Phú, Tam Dị, Đông Hưng, Bảo Sơn. Hiện toàn bộ số diện tích này đã thực hiện giao khoán cho các hộ dân. Theo ông Nguyễn Văn Kiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty, nhiều năm qua đơn vị luôn trong tình trạng khó khăn, hiện nợ ngân hàng khoảng 29 tỷ đồng, trong khi số tiền của người dân đang nợ Công ty khoảng 34 tỷ đồng nhưng khó có khả năng thu hồi.

 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam sản xuất cây giống để cung cấp ra thị trường.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam sản xuất cây giống để cung cấp ra thị trường.

Điều này làm ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị, khi hạch toán thì doanh thu không bù đắp được dẫn đến nhiều năm bị lỗ hoặc hòa vốn. Cùng đó, do toàn bộ diện tích đất rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, do vậy nếu xảy ra tranh chấp không có cơ sở giải quyết. Do nợ xấu và không có tài sản bảo đảm, Công ty không được vay vốn của các tổ chức tín dụng...

Trong lần kiểm tra, làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam mới đây, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là gỗ nguyên liệu rừng trồng tăng mạnh thời gian qua nhưng Công ty vẫn chưa có sự bứt phá vươn lên là điều đáng phải quan tâm. Đồng chí yêu cầu, Công ty cần năng động sáng tạo hơn nữa, đặc biệt là phải đổi mới, xóa bỏ tư duy bao cấp để nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn.

Cùng đó cần có kế hoạch khắc phục cụ thể, quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất rừng được giao quản lý. Đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên theo quy định. Đồng chí cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ các thủ tục để Công ty sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn được Nhà nước giao quản lý hơn 1,8 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 1 nghìn ha đất có rừng tự nhiên song trong thời gian dài Công ty hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến thiếu vốn sản xuất và nợ tiền lương người lao động, nợ ngân hàng khoảng 10 tỷ đồng. Đáng nói, dù được giao quản lý đất rừng lớn nhưng do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, Công ty đã để xảy ra tình trạng người dân chặt phá, hủy hoại và lấn chiếm trồng cây lấy gỗ trái phép trên diện tích đất rừng tự nhiên. Mới đây lãnh đạo Công ty và một số cá nhân liên quan đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh khởi tố, tạm giam.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, từ năm 2016 tỉnh Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến nay mới có 2 trong số 4 công ty lâm nghiệp được chuyển sang mô hình hai thành viên, còn lại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Lục Nam và Mai Sơn chưa hoàn thành chuyển đổi. Sở dĩ các thành viên thứ hai không thiết tha góp vốn là do đất đai của công ty đã được giao khoán cho hộ dân từ những năm 90 của thế kỷ trước (trước đây khoán 20 năm, 30 năm, nay khoán theo chu kỳ), trong khi khoản nợ ngân hàng của công ty lớn và kéo dài.

Thêm nữa, thành viên thứ hai đều muốn nắm quyền chi phối nhưng theo Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị, đối với công ty lâm nghiệp có từ 1 nghìn ha trở lên thì Nhà nước nắm quyền chi phối nên Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt trước đây từng đăng ký làm thành viên thứ hai của Công ty Lâm nghiệp Lục Nam và Mai Sơn nhưng sau đó đã xin không tham gia góp vốn.

Theo ông Nguyễn Văn Kiêm, mới đây Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam có một doanh nghiệp đề nghị xin được làm thành viên thứ hai góp vốn, các bên đã gặp gỡ trao đổi và đề xuất các bước cần thiết và đề xuất phương án cụ thể. Tuy nhiên, theo Nghị định số 04 ngày 12/01/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, để trở thành thành viên thứ hai cần phải đáp ứng thêm một số yêu cầu như: Có phương án sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước theo các tiêu chí; phải định giá tài sản doanh nghiệp và đấu giá cạnh tranh…

Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay, trong khi các công ty đã hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định (Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn) đang sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, duy trì tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì tại Công ty Lâm nghiệp Lục Nam và Mai Sơn lại chưa hoàn thành chuyển đổi và gặp rất nhiều khó khăn.

Để khắc phục, trước mắt Sở Nông nghiệp và Môi trường đã giao lực lượng kiểm lâm phối hợp với địa phương và doanh nghiệp quản lý tốt diện tích đất và rừng hiện có của các công ty lâm nghiệp. Cùng đó, yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện hợp đồng khoán theo quy định; tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch; quản lý chặt chẽ đất đai và tài sản trên đất, chống lấn chiếm và tránh để xảy ra tranh chấp.

Tăng cường hướng dẫn chuyển đổi sang sản xuất cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn; hỗ trợ về thủ tục để các doanh nghiệp hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích được Nhà nước giao cũng như các thủ tục chuyển đổi mô hình sang công ty hai thành viên. Về lâu dài các cơ quan liên quan cần tham mưu cho tỉnh biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó giúp nâng hiệu quả hoạt động tại các công ty lâm nghiệp, cũng như đáp ứng yêu cầu sản xuất trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/go-vuong-nang-hieu-qua-hoat-dong-cac-cong-ty-lam-nghiep-postid416782.bbg
Zalo