Gỡ rào cản cho văn hóa phát triển
Quốc hội vừa thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó 'chốt' quy định thuế suất 10% với hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, có hiệu lực từ 1/7/2025.
Ngay từ khi dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được thảo luận tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu cũng như giới chuyên gia, cộng đồng DN hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao đã bày tỏ sự không đồng thuận với đề xuất này. Thậm chí, hơn 30 DN điện ảnh còn có văn bản khẩn gửi Quốc hội và Chính phủ "phản biện" đề xuất này không hợp lý và đề nghị giữ nguyên mức hiện hành (5%). Một số chuyên gia cho rằng, khi thuế giá trị gia tăng ở mức 5%, văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng đã phát triển rất èo uột. Nếu đánh thuế cao gấp đôi (10%), chắc chắn áp lực và gánh nặng cho các DN, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này sẽ gia tăng.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng để bao quát toàn bộ các nguồn thu. Đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với quy luật phát triển thị trường và xu hướng cải cách thuế của quốc tế. Dẫu vậy, trong bối cảnh công nghiệp văn hóa mới manh nha phát triển, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao còn nhiều khó khăn, Nhà nước cần có thêm các giải pháp để tháo gỡ, tạo động lực cho DN, đơn vị trong lĩnh vực này. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là nguồn lực đầu tư.
Bởi thực tế hiện nay, dù đã nỗ lực nhưng nguồn lực tài chính, của cả Nhà nước và khu vực tư nhân, xã hội hỗ trợ cho văn hóa chưa tương xứng với nhu cầu phát triển nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng. Các bảo tàng, nhà hát, sân vận động... để tổ chức các sự kiện quy mô quốc tế vẫn còn thiếu. Do đó, để bảo đảm nguồn lực phát triển văn hóa, Chính phủ có thể triển khai các chương trình khuyến khích DN và cá nhân tham gia tài trợ cho các dự án văn hóa. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình hợp tác công - tư, kết nối Nhà nước và khu vực tư nhân…
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là ở lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, di sản văn hóa, quảng cáo, sở hữu trí tuệ… Mặt khác, cần đổi mới cơ chế quản lý, để giải phóng sức sáng tạo của nghệ sĩ, thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, khuyến khích sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, cần chuyển đổi cơ chế từ cấp phép, “xin - cho” sang cơ chế thông thoáng, cởi mở hơn; chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”...
Việc tăng thuế giá trị gia tăng lên 10% với hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim cũng đặt ra yêu cầu cho các DN, đơn vị tái cơ cấu hoạt động cũng như sản phẩm, nâng cao chất lượng, hướng tới phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của người dân. Những bộ phim có doanh thu trăm tỷ đồng của Lý Hải, Trấn Thành hay những đêm concert “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” luôn “cháy vé” dù đã được tổ chức tới đêm diễn thứ 3… thời gian qua, cho thấy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã bước đầu cho trái ngọt. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng thuế giá trị gia tăng, kéo theo tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ văn hóa, tác động tới việc tiếp cận các sản phẩm văn hóa của người, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp tháo gỡ quyết liệt hơn, tránh để công nghiệp văn hóa rơi vào cảnh “sớm nở, tối tàn”.