Xây dựng hệ sinh thái, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong ngành điện tử toàn cầu

Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn ngay trên thị trường nội địa... nếu không thay đổi, không cập nhật quản trị sản xuất, tiêu chuẩn ngành, máy móc thiết bị, và quan trọng hơn là năng lực tiếp cận về vốn để mở rộng sản xuất thì thực sự khó khăn...

GEIMS Việt Nam 2024 thu hút hơn 200 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực linh kiện điện tử và sản xuất thông minh.

GEIMS Việt Nam 2024 thu hút hơn 200 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực linh kiện điện tử và sản xuất thông minh.

Chia sẻ tại lễ khai mạc “Triển lãm Quốc tế linh kiện điện tử và sản xuất thông minh tại Việt Nam 2024 (GEIMS Việt Nam 2024)” ngày 28/11, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), cho rằng ngành điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế và là điểm đến hấp dẫn cho đổi mới và đầu tư.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đã đạt 105 tỷ USD, xấp xỉ bằng tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử cả năm 2023 (109 tỷ USD). Con số này cho thấy sức tăng trưởng vượt trội và đầy tiềm năng của ngành cũng như sức phát triển của chuỗi cung ứng điện tử thông minh tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây, nhất là năm 2024, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam ngày càng rõ nét, dòng vốn FDI đổ vào các ngành sản xuất, lắp ráp và cung ứng linh kiện.

Chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đều đang muốn đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Các hãng điện tử lớn đã có mặt ở Việt Nam như Samsung, LG, Intel Việt Nam… cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư như Samsung, LG, Intel Việt Nam…

“Đây là tiềm năng rất lớn, cơ hội chưa bao giờ có cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam bứt phá và tăng tốc”, bà Hương nhận định.

Tuy nhiên, đi cùng cơ hội lại là thách thức rất lớn, buộc doanh nghiệp điện tử nội địa cũng phải chuyển mình để bắt kịp xu hướng công nghệ, quy mô tổ chức sản xuất thông minh, mang tính toàn cầu.

Hơn nữa, sự đóng góp của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao. Đơn hàng hay bị gián đoạn, doanh nghiệp ở thế bị động, thiệt thòi khi đàm phán hợp đồng với các đối tác lớn do không tương thích về công nghệ, năng lực quản trị, vốn đầu tư.

Minh chứng, có doanh nghiệp đơn hàng rất tốt nhưng có nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng. “Điều này cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường hiện nay, tính cạnh tranh gay gắt. Những doanh nghiệp chuyển mình tốt sẽ có đơn hàng, còn những doanh nghiệp không bắt kịp sẽ mất đơn hàng rất nhanh. Đây là ngành công nghiệp tập trung vốn, công nghệ nhưng có độ rủi ro cao, nên nếu không kịp thời chuyển đổi thì rủi ro rất lớn”, bà Hương quan ngại.

Nhìn sang những doanh nghiệp ở các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… họ có quy mô sản xuất, năng lực quản trị tốt hơn doanh nghiệp Việt, tiềm lực tài chính mạnh hơn… Như vậy, doanh nghiệp Việt chịu áp lực cạnh tranh lớn ngay trên thị trường nội địa. Nếu doanh nghiệp Việt không thay đổi, không cập nhật quản trị sản xuất, tiêu chuẩn ngành, máy móc thiết bị, quan trọng hơn năng lực tiếp cận về vốn để mở rộng sản xuất thì thực sự khó khăn.

Ngoài ra, những quy định thay đổi quá nhanh cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp điện tử. Đây cũng chính là rào cản khiến xuất khẩu bị gián đoạn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp điện tử phát triển mạnh hơn, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong ngành điện tử toàn cầu, bà Hương cho rằng các chính sách của Chính phủ đã có nên nhanh chóng đi vào đời sống, hiện thực hơn.

Việc tiếp cận vốn, tín dụng cần tiếp tục cởi mở hơn. Bởi theo bà Hương, các thủ tục vay vốn ngân hàng vẫn theo cách làm cũ, bắt buộc có tài sản hữu hình thế chấp, trong khi với doanh nghiệp điện tử tài sản lớn nhất của họ lại là những giá trị vô hình về công nghệ, nhân lực, bí quyết sản xuất…

“Điều thiết yếu là chúng ta đang xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ cho việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thực hành bền vững và duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong sản xuất và chế tạo”, bà Hương nói.

Các sự kiện như Triển lãm quốc tế linh kiện điện tử và sản xuất thông minh tại Việt Nam 2024, đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa các mục tiêu này, bằng cách cung cấp một nền tảng để các nhà lãnh đạo, nhà sáng tạo và chuyên gia trong ngành trao đổi ý tưởng, chia sẻ kiến thức và thiết lập các mối quan hệ đối tác lâu dài trong một chuỗi cung ứng thông minh và bền vững.

GEIMS Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, diễn ra trong 3 ngày từ 28 - 30/11 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE Hà Nội).

Sự kiện đã thu hút hơn 200 gian hàng, quy tụ hơn 100 nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực linh kiện điện tử và sản xuất thông minh từ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và dự kiến chào đón hơn 10.000 khách tham quan từ các doanh nghiệp và nhà máy trong lĩnh vực sản xuất điện tử và sản xuất thông minh.

GEIMS Việt Nam 2024 trưng bày hàng nghìn sản phẩm nhà mua hàng đang tìm kiếm cho dây chuyền sản xuất của mình, bao gồm: các sản phẩm linh kiện điện tử, thiết bị ép phun/đúc/cơ khí, gia công kim loại, thiết bị hỗ trợ nhà máy và vật liệu phụ trợ công nghiệp; các công nghệ tiên tiến nhất trong lắp ráp, kiểm tra và đo lường…

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xay-dung-he-sinh-thai-nang-tam-vi-the-cua-viet-nam-trong-nganh-dien-tu-toan-cau.htm
Zalo