Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn EU: Cơ hội hay thách thức?

Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn EU là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất, chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp dệt may đã thực hiện nhiều giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh

Doanh nghiệp dệt may đã thực hiện nhiều giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh

Tận dụng lợi thế xóa bỏ rào cản thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Tổng công ty May Hưng Yên đã nâng giá trị xuất khẩu sang thị trường EU lên gấp đôi, từ 20 triệu USD lên 40 triệu USD chỉ sau bốn năm.

Hiện nay, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn EU được ban hành, tạo ra rào cản mới cho doanh nghiệp dệt may, cùng với một số nhóm hàng khác như da giày, điện tử xâm nhập vào thị trường EU. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT May Hưng Yên, nhìn nhận đây là một cơ hội.

Ông Dương cho biết, bản thân May Hưng Yên và nhiều công ty dệt may khác tại Việt Nam đã thực hiện những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng xanh hơn như chuyển lò hơi đốt than thành lò hơi điện, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và thu gom vải vụn để tái chế, tái sử dụng.

Những giải pháp này không chỉ giúp xanh hóa ngành dệt may mà còn tạo ra lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc đổi sang lò hơi điện giúp tiết kiệm chi phí nhân công, còn hệ thống điện mặt trời áp mái giúp doanh nghiệp tự chủ được nguồn điện, không còn lo bị cắt điện luân phiên trong mùa hè.

“Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn EU có thể tạo ra sự thúc ép để doanh nghiệp thực hành các giải pháp tiết kiệm, tối ưu sản xuất, từ đó đem lại lợi ích”, ông Dương nói tại tọa đàm Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam do Tạp chí Công thương tổ chức.

Đồng quan điểm, theo TS. Mai Thanh Dung, Phó viện trưởng Viện Chiền lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và môi trường, các giải pháp kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp Việt Nam triển khai, có thể chưa tạo ra vòng lặp hoàn chỉnh nhưng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.

“Kinh tế tuần hoàn ở đây là tiết kiệm đầu vào, tiết kiệm năng lượng, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải, đem lại hiệu quả cho chính doanh nghiệp và xã hội”, ông Dung khẳng định.

Với kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của EU, doanh nghiệp có cơ hội “tự soi lại mình” để định hướng và triển khai những giải pháp bài bản hơn, đem lại hiệu quả cao hơn. Mặt khác, thực hiện tốt những giải pháp kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU cũng như các thị trường tiên tiến khác.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hữu Hưng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương, doanh nghiệp cũng cần hết sức cẩn thận bởi các quy định của Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn EU rất phức tạp và phía EU vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể.

Để đáp ứng các quy định này, doanh nghiệp có thể sẽ phải đầu tư thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất, tạo ra gánh nặng chi phí. Đây là áp lực lớn cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, có ít nguồn lực thực hiện chuyển đổi, theo Phó viện trưởng ISPONRE.

Bên cạnh đó, áp lực đặt ra cũng sẽ rất lớn đối với nhóm doanh nghiệp có tư duy cũ, làm ăn thiếu bài bản, quen với việc cắt bớt quy trình để giảm thiểu chi phí.

Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn EU là một phần của Thỏa thuận xanh EU, với mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 và thiết lập một thị trường EU xanh, minh bạch hơn.

Theo đánh giá của Công ty tư vấn Eunomia và Văn phòng Môi trường châu Âu (EEB), các chính sách kinh tế tuần hoàn của EU có thể được xem như động thái bảo hộ thương mại nhưng cũng mở ra cơ hội cho các quốc gia tăng cường xuất khẩu sang châu Âu nếu điều chỉnh chuỗi sản xuất bắt kịp với các quy định.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ke-hoach-hanh-dong-kinh-te-tuan-hoan-eu-co-hoi-hay-thach-thuc-d38130.html
Zalo