Gỡ khó cho xuất khẩu nông sản
Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 và đầu năm 2025. Trước sóng gió thuế quan mà Mỹ tạo ra trong thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng đồng thời giảm giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác.

Thủy sản dự báo là ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất nếu Mỹ áp mức thuế mới. Ảnh: Quang Vinh.
Tìm kiếm thị trường tiềm năng
Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP lĩnh vực nông nghiệp là 4,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 64 - 65 tỷ USD… Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường, xung đột vẫn diễn ra và sức mua trong nước có giới hạn.
Mặc dù hiện nay việc áp thuế chưa được thực thi, sẽ tạm hoãn trong vòng 90 ngày song theo các chuyên gia để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo cần phải tập trung cho sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh từ đó mở rộng thị trường tránh lệ thuộc vào một thị trường nhất định.
Về chiến lược dài hạn, các chuyên gia cho rằng trong 90 ngày, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải cấp tốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đơn hàng đã ký trước đó để đưa sang Mỹ, thậm chí có thể làm những đơn hàng gối đầu. Song song đó, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới. Bên cạnh tìm hướng đi mới cho thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa 100 triệu dân rất lớn. Do đó, DN Việt cần xây dựng chuỗi cung ứng nội địa vững chắc, tạo sức chống chịu cao nhất với những “cú sốc” nằm ngoài dự kiến.
Với ngành điều, ông Trần Hữu Hậu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu số 1 của hạt điều Việt Nam, chiếm khoảng 25-27% tổng kim ngạch. Riêng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu điều sang Mỹ gần 160 nghìn tấn, giá trị hơn 940 triệu USD. Chính vì vậy, nếu mức thuế mới được thực thi sẽ rất khó khăn cho ngành điều. Do đó, tận dụng thời cơ 90 ngày đàm phán, bên cạnh tăng tốc đẩy nhanh các đơn hàng sang Mỹ, hiệp hội đã và đang phối hợp cùng với các DN mở thị trường mới, hướng đến thị trường tiềm năng như Trung Đông.
Theo ông Trần Hữu Hậu, Trung Đông là thị trường lớn, ngành điều đã khai thác nhưng chưa nhiều lắm. Do đó, ngành điều sẽ đẩy mạnh khai thác thị này để đẩy mạnh xuất khẩu, có thể bù đắp phần nào sản lượng điều xuất sang Mỹ. Với phương án này, ngành điều Việt Nam sẽ có cơ hội bình ổn.
Với ngành hàng thủy sản, theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nếu mức thuế mới được thực thi ngành thủy sản chịu tác động rất lớn, trong đó có xuất khẩu cá tra.
Để ứng phó, theo bà Thu Hằng - chuyên gia thị trường cá tra của Vasep cho rằng, DN nên phối hợp chặt chẽ, vận dụng sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các kênh thông tin truyền thông khác để nắm bắt những thay đổi chính sách, quy định của Mỹ. Đồng thời, DN cần cụ thể hóa hướng đi đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới ngoài Mỹ, trong khi vẫn đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh ngay cả khi có thuế cao.
“Kỳ vọng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền sẽ có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các DN bị ảnh hưởng, bao gồm hỗ trợ tài chính, tìm kiếm thị trường mới, và nâng cao năng lực sản xuất. Tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết để bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Mỹ” - bà Hằng đề xuất.
Nâng cao giá trị, hạ giá thành sản xuất
Đề cập giải pháp tháo gỡ khó khăn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết trước hết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ khác tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của Mỹ, để thuyết phục họ điều chỉnh lại mức thuế sao cho có lợi cho nông sản nước ta. Bên cạnh đó, một trong những hướng đi quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ.
“Dù khó khăn như thế nào, chúng ta vẫn cần giữ vững chiến lược "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tập trung cho sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hướng giải pháp thứ hai, phải mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường. Trong đó, thị trường Trung Quốc hiện đứng thứ hai cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Nếu quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ổn định, thì còn rất nhiều mặt hàng chúng ta có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này càng đặc biệt khi chúng ta đã ký một số nghị định về sầu riêng đông lạnh; động vật tiêm vaccine giảm bị đông máu ví dụ cá sấu, khỉ, và rất nhiều đối tượng khác, cả những người trồng trọt, thủy sản.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chúng ta có thể xuất khẩu mạnh vào thị trường lớn khác, nhưng cũng phải tập trung vào sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57, để nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ và mở rộng các thị trường khác cũng rất nhiều tiềm năng với nông sản Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành văn bản về kế hoạch hành động và mục tiêu phát triển của ngành năm 2025, nhằm hướng đến mục tiêu giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4% trở lên. Để đạt được mục tiêu này Bộ đã đề ra nhiều giải pháp trong đó nổi bật là thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại. Mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...). Mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng (thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi...) với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.