Kinh tế quí 1-2025: Lạc quan trong thận trọng với các thách thức sắp tới!
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố các chỉ tiêu chính của kinh tế vĩ mô trong quí 1-2025. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh mẽ.

GDP quí 1-2025 của Việt Nam ước tính đạt mức 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng quí 1 cao nhất trong giai đoạn 2020-2025.Ảnh: T.L
Cụ thể, tăng trưởng GDP quí 1-2025 của Việt Nam ước tính đạt mức 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng quí 1 cao nhất trong giai đoạn 2020-2025. Khu vực dịch vụ dẫn đầu với mức tăng 7,7%, đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của GDP. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng chung của GDP, cho thấy sự ổn định của ngành này trong việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp đà phục hồi tích cực với mức tăng 6,3%, chủ yếu nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,0%, đóng góp gần 28% vào mức tăng chung của GDP.
Về mặt bằng giá cả, lạm phát được kiểm soát tương đối tốt khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quí 1-2025 tăng 3,22%, dưới ngưỡng mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra. Bốn nhóm hàng có mức tăng giá so với cùng kỳ năm ngoái là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 3,78%, làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 5,11%, làm CPI chung tăng 0,96 điểm phần trăm); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 14,4%, làm CPI chung tăng 0,78 điểm phần trăm); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 2,16%, làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm).
Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông, nhóm giáo dục và nhóm bưu chính, viễn thông là những tác nhân giúp kiềm chế tốc độ tăng của chỉ số CPI. Về triển vọng lạm phát trong ba quí cuối năm, diễn biến sẽ phụ thuộc rất lớn vào câu chuyện thuế quan từ Mỹ liệu có đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái hay không. Nếu điều này xảy ra, sự sụt giảm về giá nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cũng như sức cầu tiêu dùng trong nước nhiều khả năng sẽ khiến lạm phát theo chiều hướng ổn định ở mức thấp.
Trong quí 1-2025, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,4 tỉ đô la trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,1 tỉ đô la. Xuất siêu sang Mỹ đạt 27,3 tỉ đô la, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc là 24,9 tỉ đô la, tăng 43,3%.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có sự điều hành khá linh hoạt trong quí 1-2025, giúp mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Theo thông tin từ NHNN, tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 25-3-2025 đã tăng 2,5% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 0,26%.
Như vậy, trong ba tháng đầu năm nay, mức tăng của tín dụng gấp gần 10 lần năm ngoái. Đồng thời, tính đến ngày 25-3, huy động vốn của cả hệ thống tăng 1,36% (cùng kỳ năm ngoái, huy động giảm 0,76% trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng đi xuống). Việc tín dụng tăng trưởng mạnh ngay trong quí đầu năm cho thấy định hướng duy trì chính sách tiền tệ tương đối “lỏng”, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế của NHNN.
Về hoạt động ngoại thương, tính chung cả quí 1-2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 202,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 102,8 tỉ đô la, tăng 10,6%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 29 tỉ đô la, tăng 15%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73,8 tỉ đô la, tăng 9%, chiếm 71,8%.
Trong quí 1-2025 có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 5 tỉ đô la là: Điện tử, máy tính và linh kiện (21,1 tỉ đô la, tăng 29,2%); Điện thoại các loại và linh kiện (14 tỉ đô la, giảm nhẹ 0,9%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (12,3 tỉ đô la, tăng 13,6%); Hàng dệt may (8,7 tỉ đô la, tăng 11%); Giày dép (5,4 tỉ đô la, tăng 12%).
Về cơ cấu thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,4 tỉ đô la trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,1 tỉ đô la. Xuất siêu sang Mỹ trong quí 1-2025 đạt 27,3 tỉ đô la, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 9,9 tỉ đô la, tăng 15,7%. Nhập siêu từ Trung Quốc là 24,9 tỉ đô la, tăng 43,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 7,1 tỉ đô la, tăng 14,4%; nhập siêu từ ASEAN 3,8 tỉ đô la, tăng 83,2%.
Như vậy, cơ cấu xuất, nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến trong quí 1 vừa qua. Điều này đã và đang mang lại rủi ro khi Việt Nam vẫn có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, qua đó rơi vào tầm ngắm bị áp thuế đối ứng ở mức cao như những gì chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố trong ngày 2-4 vừa qua.
Về các nguồn vốn đầu tư, trong quí đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,9 tỉ đô la, tăng 7,2%, trong khi vốn FDI đăng ký đạt 10,9 tỉ đô la, tăng 34,7%, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến của dòng vốn này có thể sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới dưới tác động từ chính sách thuế quan của ông Trump. Yếu tố có thể kỳ vọng giúp “giảm sốc” là nguồn vốn đầu tư công trong nước.
Trong ba tháng đầu năm nay, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 116.900 tỉ đồng, bằng 13,5% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước (quí 1-2024 bằng 12,5% và tăng 3,6%). Đây là mức tăng khá ấn tượng, đặc biệt khi dòng vốn này đi vào các dự án hạ tầng trọng điểm, kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế.
Về tổng thể, quí 1-2025 cho thấy Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế tích cực, với các chỉ số vĩ mô ổn định và các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, dịch vụ, và đầu tư nước ngoài tiếp tục phát huy vai trò. Mặc dù vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm, Việt Nam cần nỗ lực hơn trong việc kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, và tìm cách hóa giải các rủi ro từ chính sách thương mại quốc tế, trong đó việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một trong những chìa khóa quan trọng để thoát thế khó hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng điều này sẽ đòi hỏi những nỗ lực rất lớn và cũng chưa thể diễn ra ngay trong một sớm một chiều.