Gỡ khó chính sách, chủ động thực thi

Thị trường bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương trong cả nước còn nhiều bất cập; việc phát triển nhà ở xã hội gặp những khó khăn cả về thể chế, chính sách và quá trình tổ chức thực hiện. Đây là nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại cuộc làm việc của Đoàn công tác số 3 thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023' với UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội đã được đề cập nhiều trong thời gian qua. Đây cũng là vấn đề quan tâm của không ít đại biểu trên diễn đàn Quốc hội. Và một lần nữa, những bất cập này lại được chỉ ra khi Đoàn giám sát của Quốc hội khảo sát, làm việc tại một số địa phương trong những ngày qua. Có cả những khó khăn, vướng mắc từ thể chế và cả từ quá trình thực thi; đó là sự mất cân đối cung - cầu, khoảng cách khá lớn về phân khúc nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Cùng với đó là sự lúng túng của địa phương và doanh nghiệp trong thực hiện phát triển nhà ở xã hội do một số vấn đề liên quan tới xây dựng thuộc sở hữu nhà nước chưa có quy định cụ thể, phương pháp xác định giá bán nhà ở mới thuộc sở hữu nhà nước chưa được quy định cụ thể.

Thực tế cho thấy có những dự án dù đã có quyết định giao đất, thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng lại chưa được cấp có thẩm quyền xác định giá đất để nộp tiền sử dụng đất và đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này làm cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị đọng vốn trong các dự án, chịu gánh nặng về chi phí tài chính... Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong phương thức hoàn trả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư. Nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của các đối tượng. Trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội phức tạp, kéo dài hơn so với dự án nhà ở thương mại…

Liên quan đến thị trường bất động sản nói chung, về nhà ở xã hội nói riêng có rất nhiều quy định pháp luật điều chỉnh. Và trong quá trình thực hiện vẫn còn đó những quy định thiếu cụ thể, thậm chí bị chồng chéo gây khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện. Điều này đòi hỏi địa phương trên cơ sở quy định của pháp luật, cần chủ động, linh hoạt nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi triển khai các chính sách liên quan đến bất động sản nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.

Trong khi có địa phương gặp khó khi thực hiện chính sách nhà ở, thì ở thành phố Hải Phòng, việc triển khai chính sách này đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu phát triển nhà ở cơ bản đã đạt và vượt so với kế hoạch trong giai đoạn 2021 - 2022. Tính riêng về phát triển nhà ở xã hội, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã chấp thuận chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư đối với 31 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô 36.600 căn, trong đó, có 9 dự án đã khởi công với tổng quy mô khoảng 15.000 căn. Với con số này, trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến có khoảng 16.200 căn hoàn thành và sẽ vượt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu đề ra là 15.400 căn)…

Để đạt được những kết quả tích cực này, thành phố Hải Phòng đã rất chủ động, trên cơ sở bám sát các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và nhà ở, Thành ủy Hải Phòng đã quan tâm chỉ đạo, HĐND thành phố thông qua 5 nghị quyết, UBND thành phố ban hành 13 quyết định liên quan để triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, thành phố Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ và vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là thủ tục về nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thân thiện, thu hút được nhiều dự án đầu tư với quy mô lớn, đáp ứng hiệu quả nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội của người dân thành phố.

Điều này cho thấy, dù vẫn còn những vướng mắc trong các quy định pháp luật, nhưng với tinh thần quyết tâm gỡ khó, sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương với tinh thần “vướng ở đâu, gỡ ở đó”, thì việc triển khai chính sách về nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng sẽ đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Quốc hội đã thông qua nhiều luật liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội, trong đó có Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý quan trọng này, cùng với kết quả giám sát tối cao của Quốc hội, tin rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội thời gian tới sẽ hiệu quả hơn, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/go-kho-chinh-sach-chu-dong-thuc-thi-i380416/
Zalo