Gỡ điểm nghẽn để khoa học công nghệ trở thành động lực tăng trưởng

Theo Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, khi các chính sách đột phá được thực hiện hiệu quả, KHCN và ĐMST sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện hiệu quả chính sách đột phá

Tại hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chiều ngày 11/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, là thời điểm tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, KHCN và ĐMST phải giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển, đồng thời đặt nền tảng cho giai đoạn tiếp theo.

Về triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của KHCN và ĐMST, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ KH&CN triển khai là hoàn thiện thể chế, chính sách với việc trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm chính sách mới gỡ vướng cho KHCN và ĐMST tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025. Xây dựng Luật KHCN và ĐMST, sửa đổi ba luật quan trọng gồm: Tiêu chuẩn - Quy chuẩn kỹ thuật, Chất lượng sản phẩm, Năng lượng nguyên tử. Ban hành Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo ngay trong quý I/2025.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của KHCN và ĐMST. (Ảnh: VGP).

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của KHCN và ĐMST. (Ảnh: VGP).

Về nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), theo Bộ trưởng KH&CN, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia về GII năm 2024, nhưng cần tiếp tục cải thiện để duy trì vị thế. Các bộ, ngành cần tập trung nâng cao các chỉ số liên quan, như giáo dục, hạ tầng công nghệ thông tin, thể chế, lao động, công nghiệp văn hóa...

Thúc đẩy Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII), yêu cầu các tỉnh, thành phố tích cực triển khai để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.

Liên quan đến thí điểm chính sách đặc thù tại các địa phương trọng điểm, người đứng đầu Bộ KH&CN cho rằng, Bộ đã đẩy nhanh thí điểm cơ chế đặc thù cho KHCN và ĐMST tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tạo tiền đề nhân rộng mô hình trên cả nước.

"Khi các chính sách đột phá được thực hiện hiệu quả, KHCN và ĐMST sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo", Bộ trưởng nhấn mạnh.

5 nhiệm vụ trọng tâm

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao thực sự trở thành động lực giúp GDP cả nước đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên vào năm 2025, đồng thời tạo nền tảng vững chắc hướng tới tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030, Chính phủ cần quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất trong triển khai Nghị quyết số 03. Mục tiêu là tạo ra những chuyển biến có tính đột phá, tác động rõ nét đến các chỉ số tăng trưởng kinh tế.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế.

Thứ nhất, tập trung rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế. Trong quý I/2025, cần điều chỉnh các nghị định; đến quý II/2025, hoàn thiện các luật có liên quan. Trọng tâm là hoàn thiện cơ chế khơi thông nguồn lực tài chính, giao quyền tự chủ với tài sản công, viện trợ và tài trợ cho KHCN, ĐMST, đồng thời thu hút và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, xác định các dự án trọng điểm về KHCN, ĐMST gắn với mục tiêu tăng trưởng của từng ngành, địa phương, vùng có lợi thế để tập trung nguồn lực triển khai ngay trong năm 2025.

Thứ ba, nhân rộng mô hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) như việc mời gọi Tập đoàn NVIDIA. Ưu tiên các dự án cần nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo “luồng xanh” cho các dự án trọng điểm, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Cần sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để giữ vững sức hút của môi trường đầu tư Việt Nam.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt tập trung vào giáo dục đại học và đào tạo ngắn hạn. Đề xuất thí điểm cơ chế đặt hàng cho các trường đại học theo cam kết đầu ra (KPI), đi kèm chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học, có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Thứ năm, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và tăng cường kết nối quốc tế về KHCN, ĐMST. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực mũi nhọn nhằm thu hút mọi nguồn lực, đặc biệt là nhân tài người Việt trên toàn thế giới, tham gia vào các ngành công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học… Đồng thời, khuyến khích thế hệ trẻ theo học các ngành STEM, tạo nền tảng nhân lực bền vững cho tương lai.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/go-diem-nghen-de-khoa-hoc-cong-nghe-tro-thanh-dong-luc-tang-truong-/20250211043311932
Zalo