Gỡ bằng cơ chế, khơi thông dòng vốn vào nhà ở xã hội
Thời gian qua, Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động với nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội. Trong cuộc họp mới đây với ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHNN nghiên cứu chính sách tín dụng ưu đãi phù hợp với nhà ở xã hội, đặc biệt là có chính sách tín dụng ưu đãi cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống.
Cho vay nhà ở xã hội luôn được ưu tiên
Ngành Ngân hàng thời gian qua cũng đã rất nỗ lực đẩy vốn vào phân khúc nhà ở xã hội. Đơn cử, NHNN đã có văn bản yêu cầu và 9 NHTM đã đăng ký gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đáng chú ý, mới đây NHNN có quy định sẽ không đưa số tiền vay này vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các nhà băng; đồng thời yêu cầu các ngân hàng phối hợp với các dự án xây dựng đủ điều kiện để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay. Hiện nay, NHNN cũng đang trình Chính phủ cơ chế, chính sách mới với gói tín dụng 145.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, với những động thái trên từ phía cơ quan quản lý, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Về phía các NHTM, thực tế ngay từ khi công bố gói vay ưu đãi cho nhà ở xã hội, các nhà băng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện, nhất là về nguồn lực cho vay.
Đơn cử như tại Agribank, theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, hiện ngân hàng đã phê duyệt 13 dự án nhà ở xã hội với tổng mức phê duyệt 3.350 tỷ đồng và đang tiếp cận 5 dự án với số tiền dự kiến cấp tín dụng 2.500 tỷ đồng.
Không chỉ đẩy mạnh gói tín dụng 145.000 tỷ đồng, các nhà băng khác cũng đang thể hiện quyết tâm thúc đẩy các gói tín dụng cho nhà ở xã hội theo chủ trương của Chính phủ, NHNN. Có thể kể đến như ACB vừa qua đã tiên phong công bố triển khai gói vay “Ngôi nhà đầu tiên” cho người trẻ với thời gian vay dài lên đến 30 năm, thời gian cố định lãi suất kỳ đầu tiên lên đến 5 năm, thủ tục đơn giản và linh hoạt cùng lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm. Đại diện ngân hàng cho biết, nhóm khách hàng trẻ từ 18-35 tuổi có công việc ổn định, thu nhập đều đặn hàng tháng hoàn toàn có thể nghĩ đến việc mua nhà. Với công việc ổn định và quỹ thời gian làm việc còn dài nên tính rủi ro của khoản vay là khá thấp. Mặt khác “Ngôi nhà đầu tiên” cũng có thể được xem là giải pháp tài chính để đáp ứng nhu cầu an cư, ổn định cuộc sống và tập trung phát triển sự nghiệp của người trẻ tuổi. Do đó, đây là cơ hội tốt để người trẻ tiếp cận các gói vay mua nhà từ ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nếu có thêm các gói vay ưu đãi, cùng với việc hành lang pháp lý được hoàn thiện, kỳ vọng nhà ở xã hội sẽ phát triển nhanh. Theo đó, người thu nhập thấp sẽ tiếp cận được vốn mua nhà, đảm bảo đến năm 2030 có đủ 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Các ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn lực cho nhà ở xã hội
Huy động mọi nguồn lực để người dân an cư
Nhiều NHTM cũng cho biết, nguồn vốn cho các dự án nhà ở xã hội luôn sẵn sàng, không lo thiếu. Thực tế, nguyên nhân khiến tín dụng nhà ở xã hội thời gian qua chưa thể tăng mạnh chủ yếu do khan hiếm dự án nhà ở xã hội, các chủ đầu tư kêu khó khăn về thủ tục, ưu đãi hiện hành chưa hấp dẫn…
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử, có 16 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo gói này với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng. Đối với người mua nhà, qua rà soát, hiện đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án.
Dù các ngân hàng đã rất nỗ lực triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhưng theo ông Hùng, xây dựng nhà ở xã hội cần huy động mọi nguồn lực, không chỉ vốn ngân sách hay ngân hàng, mà phải có nguồn vốn khác. “Nhu cầu nhà ở có giá phù hợp của người dân là rất lớn, cần có sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, để Đề án 1 triệu căn hộ được triển khai hiệu quả, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Ngoài ra, cần cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Còn đại diện Vietcombank kiến nghị, trên cơ sở khuôn khổ pháp lý đã có những hoàn thiện đáng kể trong năm 2024, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua, cũng như quy hoạch của 6 vùng kinh tế - xã hội và đại đa số các tỉnh đã được phê duyệt, Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể thi hành Luật, phổ biến tập huấn thực thi Luật. Qua đó, nhanh chóng tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt ở các phân khúc tiềm năng, mở ra dư địa cho tăng trưởng tín dụng mới.
Đại diện một số ngân hàng cũng đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng chính sách tái cấp vốn tương tự như gói cho vay người mua nhà ở xã hội năm 2016 để áp mức lãi suất cấp vốn được tốt hơn, người dân có nhu cầu về nhà ở xã hội có thể dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn hỗ trợ.
Về phía Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đang rất quyết liệt thực hiện các đề án phát triển nhà ở xã hội. Nhờ đó, nguồn cung bất động sản đã có sự cải thiện. Hiện cơ quan này cũng đã tính đến chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội ở từng địa phương, chi tiết cho hàng năm. Đây là một trong những cơ sở để triển khai các dự án nhà ở xã hội tích cực hơn trong thời gian tới, cũng như để gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội được giải ngân tốt hơn.
Thực tế cho thấy, các chính sách được sửa đổi, ban hành đã tác động cả trực tiếp, gián tiếp đến tâm lý nhà đầu tư. Chính sách càng rõ ràng, minh bạch sẽ góp phần giúp hoạt động triển khai các dự án nhà ở xã hội tại địa phương thuận lợi hơn, với giá cả phù hợp với người dân.