Giúp trẻ mắc sởi nhanh phục hồi

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, chán ăn. Trong quá trình điều trị và phục hồi sau sởi, dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chế độ ăn uống đầy đủ và hợp lý không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng, mà còn góp phần bù đắp lượng dinh dưỡng đã mất, hỗ trợ cơ thể nhanh chóng phục hồi và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, trong thời gian trẻ mắc sởi, bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ và cân đối giữa 4 nhóm thực phẩm chính theo mô hình “ô vuông thức ăn” bao gồm, nhóm ngũ cốc, khoai củ (glucid): Cung cấp năng lượng, muối khoáng và đường. Nhóm đạm (protein): Bao gồm đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và đạm thực vật (đậu, đỗ). Nhóm chất béo (lipid): Dầu ăn, mỡ, bơ giúp hấp thu vitamin tan trong dầu như A, D, E, K. Nhóm vitamin, khoáng chất và chất xơ: Chủ yếu từ rau xanh và trái cây tươi. Ðặc biệt, trong quá trình cung cấp dưỡng chất, Protein đóng vai trò xây dựng và phục hồi các tế bào bị tổn thương, đồng thời hỗ trợ nâng cao miễn dịch.

Việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mắc sởi cần được phụ huynh quan tâm nhiều hơn.

Việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mắc sởi cần được phụ huynh quan tâm nhiều hơn.

Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “Khi trẻ bị sởi, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh chóng. Trước hết, cha mẹ nên chú ý bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, kẽm và sắt, đây là những vi chất thiết yếu giúp cơ thể chống lại virus và nâng cao hệ miễn dịch. Việc tăng cường rau củ quả tươi, thực phẩm giàu đạm và khoáng chất trong bữa ăn hằng ngày là điều cần thiết”.

Trẻ bị sởi thường sốt cao và dễ mất nước, do đó cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc, có thể bổ sung thêm nước ép trái cây tươi, cháo loãng hoặc nước điện giải để bù nước và giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Vì trẻ thường bị loét miệng, mệt mỏi và chán ăn khi mắc sởi, thức ăn nên được chế biến mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa như cháo, súp hoặc cơm nhão. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc chế biến thực phẩm sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, nhất là khi hệ miễn dịch của trẻ đang bị suy yếu. Một lưu ý quan trọng nữa, là thay vì ép trẻ ăn đủ ba bữa lớn, cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày. Việc này không chỉ giúp trẻ dễ ăn hơn mà còn giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý tránh cho trẻ ăn các thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu vì dễ làm tổn thương niêm mạc miệng. Những món chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, đường và chất béo không lành mạnh cũng không phù hợp trong giai đoạn này. Nước ngọt có gas có thể gây đầy hơi, khó tiêu và các loại thực phẩm dễ gây dị ứng tuyệt đối không nên dùng nếu trẻ có tiền sử dị ứng.

Theo Bác sĩ Loan: “Ðối với dinh dưỡng cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi, trẻ trong độ tuổi này vẫn cần tiếp tục được bú mẹ thường xuyên hơn. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá, giúp cung cấp kháng thể và năng lượng cần thiết. Ðồng thời, chế độ dinh dưỡng của người mẹ cũng cần đảm bảo đầy đủ và cân bằng để sữa có chất lượng tốt nhất”.

Dinh dưỡng hợp lý là liều thuốc bổ quan trọng giúp trẻ vượt qua sởi một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng hồi phục. Phụ huynh hãy chú trọng đến chế độ ăn uống hằng ngày, đồng thời kết hợp chăm sóc toàn diện để bảo vệ sức khỏe con yêu.

Sau khi khỏi sởi, cơ thể trẻ rất cần được bù đắp dinh dưỡng đã mất. Vì vậy, hãy cho trẻ ăn thường xuyên hơn so với bình thường, khuyến khích trẻ ăn thêm một bữa mỗi ngày trong ít nhất một tháng hoặc cho đến khi trẻ tăng trưởng trở lại bình thường. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể của trẻ. Việc theo dõi phản ứng sau mỗi bữa ăn là cần thiết. Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường, cần ngưng sử dụng thực phẩm nghi ngờ và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống cũng đóng vai trò quan trọng. Trẻ cần được tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh răng miệng hằng ngày và có không gian chơi riêng nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.

Yến Nhi - Hữu Nghĩa

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giup-tre-mac-soi-nhanh-phuc-hoi-a38772.html
Zalo