PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói về tin lan truyền 'ho cứu đột quỵ'
Nghiệm pháp ho hoàn toàn có thể thực hiện được khi thấy mình không tỉnh táo, cảm nhận nhịp tim không đều hoặc trong các trường hợp bị hóc dị vật. Không cố ép người đang có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng phải ho.
Mấy ngày nay trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện về một biện pháp đơn giản nhưng tác dụng thần kỳ cứu sống bệnh nhân đó là "đứng lên và ho thật mạnh sẽ bắn bay được cục máu đông gây tắc nghẽn mạch".
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có bài viết về vấn đề này:
"Tôi thật sự cũng không chú ý vì nghĩ chắc chỉ là một câu chuyện vui nhưng đến khi người anh thân thiết nhắn tin hỏi thực hư, thậm chí Gs Can Ngo còn chia sẻ trên trang cá nhân, mới thấy mình cần lên tiếng. Một thủ thuật đơn giản mà cứu sống bệnh nhân chắc chắn sẽ được giới y khoa quan tâm, đặc biệt là chuyên ngành tim mạch.
Thật ra nghiệm pháp gây ho đã được tôi sử dụng từ rất lâu, khi bắt đầu bước chân vào ngành tim mạch can thiệp. Đó là trong các trường hợp bệnh nhân nằm trên bàn chụp mạch vành xuất hiện nhịp tim bị chậm, huyết áp thấp gây thiếu máu lên não.
Lúc này chúng tôi thường bảo bệnh nhân ho lên vài tiếng với mục đích tăng cường lượng máu về tim vì áp lực trong lồng ngực tăng lên và có thể giúp bệnh nhân duy trì ý thức trong vài giây. Đã có nghiên cứu thực nghiệm trên tình nguyện viên khỏe mạnh ho có thể giúp tăng lượng máu về tim lên đến 700ml.
Vậy nhưng y học là môn khoa học thực chứng nên các nghiên cứu trên diện rộng không cho thấy hiệu quả "thần tiên" của liệu pháp ho. Khái niệm hồi sức tim phổi bằng ho (CPR cough) không được khuyến cáo sử dụng thường quy khi cấp cứu ngừng tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lên tiếng về tin lan truyền ho cứu đột quỵ?
Hiệp hội tim mạch Hoa kỳ (AHA) đã chính thức đưa ra quan điểm của mình.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ không xác nhận "CPR ho" - một thủ thuật được công bố rộng rãi trên internet. Trong trường hợp loạn nhịp tim đột ngột (nhịp tim bất thường), phản ứng ho mạnh và liên tục giúp duy trì đủ lưu lượng máu đến não để duy trì tỉnh táo trong vài giây cho đến khi loạn nhịp tim được điều trị. Điều này đã bị dán nhãn sai là "CPR ho", mặc dù nó không phải là một hình thức hồi sức tim phổi (CPR).
"CPR ho" không nên được dạy trong các khóa học CPR của người cứu hộ không chuyên vì nó thường không hữu ích bên ngoài bệnh viện. Trong hầu hết các khóa học CPR tình trạng không phản ứng của người bệnh báo hiệu tình trạng khẩn cấp. Nạn nhân không phản ứng không thể thực hiện "CPR ho". Chính vì vậy nếu loay hoay cố bắt bệnh nhân ho sẽ làm chậm thời gian vàng của hồi sức tim phổi.
Có những tình huống nào mà "CPR ho" là phù hợp không? "CPR ho" có thể là biện pháp tạm thời trong các bối cảnh như phòng thông tim can thiệp (Cathlab), khi bệnh nhân tỉnh táo và được theo dõi liên tục bằng máy monitoring ghi điện tâm đồ.
Điều dưỡng hoặc bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân ho mạnh khi phát hiện rối loạn nhịp tim đột ngột (đa phần là nhịp chậm). Nhưng vì nó không hiệu quả với tất cả bệnh nhân nên không nên trì hoãn việc điều trị bằng các biện pháp khác (dùng thuốc, sốc điện chuyển nhịp, phá rung...).
Khuyến nghị của AHA vẫn là nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo của ngừng tim phổi – mất phản ứng đột ngột và không thở bình thường – sau đó gọi cấp cứu và bắt đầu CPR.
Còn với nghiệm pháp ho, lời khuyên của tôi là hoàn toàn có thể thực hiện được khi thấy mình không tỉnh táo, cảm nhận nhịp tim không đều hoặc trong các trường hợp bị hóc dị vật. Tuy nhiên cũng không thần thánh hóa, không cố ép người đang có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng phải ho cho bằng được.
Điều cấp thiết nhất đó là cần phổ cập cấp cứu hồi sức tim phổi (CPR) một cách chuẩn mực.