Giữa mùa khô, triều cường vẫn gây ngập bất thường

Liên tiếp những ngày đầu tháng 4/2025, tại thành phố Cần Thơ, nước dâng cao tràn ngập nhiều tuyến đường ở quận trung tâm Ninh Kiều. Theo người dân, tình trạng ngập tại các tuyến đường này khá bất thường, xảy ra liên tục từ sau Tết Nguyên đán đến nay vào thời điểm đang giữa mùa khô - hiện tượng ít gặp trong những năm về trước.

Nhiều tuyến đường ở quận Ninh Kiều chìm trong nước vào những ngày đầu tháng 4.

Nhiều tuyến đường ở quận Ninh Kiều chìm trong nước vào những ngày đầu tháng 4.

Tại khu vực hồ Búng Xáng, triều cường giữa mùa khô lại “bất ngờ” gây ngập nặng, có đoạn ngập gần nửa mét gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt, mua bán của người dân quanh hồ và ngay đầu tuyến “Phố ẩm thực hồ Búng Xáng”.

Người dân chung quanh hồ Búng Xáng vô cùng bức xúc, vì triều cường ngay giữa mùa khô không những gây ngập mà nước trong hồ vốn cạn, lục bình mọc kín hồ, nên bất ngờ nước tràn lên đường vừa gây mất vệ sinh, mùi hôi thối nồng nặc và sau khi nước rút để lại bùn đất, chất thải dơ bẩn trên mặt đường.

Còn các tuyến phố ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều - khu vực có nhiều khách sạn, nhà hàng sầm uất bậc nhất Cần Thơ - liên tục chìm trong nước, khiến người dân phải "kêu" lên lãnh đạo thành phố.

Theo người dân, tình trạng ngập tại các tuyến đường này khá bất thường, xảy ra liên tục từ sau Tết Nguyên đán đến nay vào thời điểm đang giữa mùa khô, các năm trước ít gặp. Nhiều tuyến đường như: đường Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Phạm Ngọc Thạch… của thành phố Cần Thơ chìm trong nước triều cường vào đầu và giữa tháng.

Anh Trần Thái Bình, chủ một khách sạn trên đường Trần Đại Nghĩa, cho biết các năm trước, tình trạng ngập thường xảy ra vào mùa mưa, ít khi ngập sâu vào mùa khô. Tuy nhiên, năm nay, từ sau Tết Nguyên đán đã xuất hiện ngập vào sáng sớm và chiều tối, mỗi đợt triều cường, ngập kéo dài khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Thời điểm ngập cũng vào giờ cao điểm, cả một khu kinh doanh sầm uất chìm trong biển nước, bà con rất khó khăn trong sinh hoạt và làm ăn.

Tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều có nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nơi tập trung khách du lịch của thành phố. Việc thường xuyên ngập khi triều cường không chỉ ảnh hưởng lớn đến người dân, còn để lại ấn tượng không tốt về hình ảnh trung tâm thành phố Cần Thơ trong mắt du khách.

Theo Ban Quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thành phố Cần Thơ, thực hiện Dự án phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, có tổng mức đầu tư gần 9.200 tỷ đồng (tương đương hơn 402 triệu USD); trong đó, vốn vay WB hơn 5.697 tỷ đồng (chiếm hơn 62%), vốn viện trợ không hoàn lại từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ 10 triệu USD; vốn đối ứng trong nước hơn 3.378 tỷ đồng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2016-2024. Mục tiêu bảo vệ vùng lõi đô thị của Cần Thơ khỏi tình trạng ngập lụt kéo dài, thúc đẩy phát triển đô thị an toàn và thân thiện với môi trường.

Âu thuyền Ninh Kiều. (Ảnh: PHƯƠNG BẰNG)

Âu thuyền Ninh Kiều. (Ảnh: PHƯƠNG BẰNG)

Dự án đã góp phần xóa bỏ tình trạng ngập lụt kéo dài tại khu vực trung tâm đô thị thành phố Cần Thơ, đặc biệt là tại các quận Ninh Kiều và Bình Thủy - nơi mà tình trạng ngập úng theo mùa từng ảnh hưởng đến tới 50% diện tích xây dựng.

Tính đến các mùa mưa gần đây nhất, các khu vực được bảo vệ không còn xảy ra hiện tượng ngập lụt, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho hơn 420.000 người dân.

Dự án có 4 mục tiêu đạt và vượt kế hoạch; trong đó, giúp khoảng 2.675ha, với hơn 442.600 người ở vùng lõi đô thị quận Ninh Kiều được hưởng lợi thoát ngập nhờ các bờ kè, cống ngăn triều, trạm bơm gồm 5,2km kè dọc theo sông Cần Thơ và sông Khai Luông; 10 cống ngăn triều và 2 âu thuyền; trong đó, có âu thuyền Cái Khế vừa được hoàn thành; cải tạo hệ thống thoát nước cho 32 tuyến đường nội đô, vượt chỉ tiêu đề ra 28% và hệ thống điều khiển tự động và giám sát theo thời gian thực dựa trên công nghệ SCADA, cho phép vận hành linh hoạt các cửa cống và máy bơm.

Tuy nhiên, trước đó, trong những ngày giữa và cuối tháng 2, đầu tháng 3, các tuyến đường khu vực này cũng liên tục bị ngập lúc sáng sớm và chiều tối. Ngày 4/3 vừa qua, anh Bình cùng 17 hộ dân xung quanh gửi đơn kiến nghị đến Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ với hy vọng chính quyền sớm có giải pháp giảm ngập.

Công văn chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ.

Công văn chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ.

Người dân đề nghị xem xét, chỉ đạo Ban Quản lý dự án ODA vận hành cống ngăn triều Cái Khế thường xuyên, hiệu quả, giúp giải quyết triệt để ngập do triều cường, phát huy hiệu quả của hệ thống cống ngăn triều đã đầu tư.

Sau kiến nghị của người dân, mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã có ý kiến, giao Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều phối hợp với Ban Quản lý dự án ODA xem xét giải quyết kiến nghị của các hộ dân.

Ngày 21/3, Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều có văn bản giao Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị quận phối hợp Ban Quản lý dự án ODA thành phố kiểm tra, rà soát và xem xét giải quyết kiến nghị của các hộ dân.

Tuy nhiên, theo các hộ dân, đến nay, tình trạng ngập vẫn chưa có chuyển biến. Người dân nơi đây vô cùng bức xúc sao cơ quan chức năng không đóng âu thuyền Cái Khế những ngày này. Nếu đóng cống ngăn triều lại kịp thời thì sẽ không có cảnh nước ngập đường phố giữa mùa khô.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây, dãy đô thị phía đông từ quốc lộ 1A ra phía biển gồm Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang thường bị ngập từ khoảng tháng 8 (Âm lịch) cho đến gần Tết Nguyên đán do thủy triều kết hợp với nước từ thượng nguồn Mê Công đổ về. Nhưng đáng lo hơn, dù nước từ thượng nguồn đổ về ít thì chỉ riêng thủy triều cũng gây ngập vào khoảng thời gian này.

Các đô thị phía đông này ảnh hưởng chủ yếu từ chế độ thủy triều Biển Đông. Trong một ngày có 2 lần nước lớn và 2 lần nước ròng. Trong một tháng có 2 đợt nước dâng vào dịp Rằm và 30 (Âm lịch) hàng tháng, mỗi đợt kéo dài 3-4 ngày. Những ngày trong đợt nước dâng thì vào các giờ nước lớn, mực nước cao nhất và gây ngập các đô thị. Đến giờ nước ròng, nước rút thì hết ngập…

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện lý giải: điều này do một số nguyên nhân chính gây ra. Thứ nhất là nước biển dâng dù rất chậm chỉ khoảng 3mm/năm nhưng tích lũy nhiều năm trở thành đáng kể.

Thứ hai là toàn đồng bằng đang sụt lún với tốc độ nhanh gấp 3-4 lần nước biển dâng do khai thác nước ngầm quá mức vì sông ngòi quá ô nhiễm không còn sử dụng cho sinh hoạt được nữa.

Thứ ba và rất quan trọng là không gian cho dòng sông không còn nhiều. Ven biển có hệ thống đê biển ngăn triều. Tất cả các nhánh sông Cửu Long từ biển vào đều có đê ven sông và hệ thống cống.

Do đó, thủy triều từ biển lên không có nhiều không gian để lan tỏa nên chỉ ở trong dòng chính và thọc mạnh vào đất liền, trung tâm đồng bằng gây ngập nhiều nơi. Đây sẽ là một vấn đề nan giải mà cả Đồng bằng sông Cửu Long phải liên thủ mới hy vọng giải quyết được.

VĂN ÚT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giua-mua-kho-trieu-cuong-van-gay-ngap-bat-thuong-post871042.html
Zalo