Giữ vững phòng tuyến tỷ giá trước áp lực dồn dập từ cuộc chiến thuế quan toàn cầu
Tại ngày 11/2, VND mất giá 0,06% so với USD (tính từ 2/1/2025) và là mức mất giá nhẹ nhất so với nhiều đồng tiền như JPY của Nhật Bản (-3,3%); KRW của Hàn Quốc (-1,55%); SGD của Singapor (-0,65%)...
![Căng thẳng thuế quan toàn cầu tiếp tục khơi dậy những lo lắng trên thị trường tiền tệ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51449093/3bdddf08ea4603185a57.jpg)
Căng thẳng thuế quan toàn cầu tiếp tục khơi dậy những lo lắng trên thị trường tiền tệ.
Ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tăng thêm 35 đồng so với 10/2, lên mức 24.522 VND/USD. Chuỗi tăng của tỷ giá trung tâm đã nối dài sang phiên thứ 7.
Theo quy định về biên độ +/-5%, sự điều chỉnh này đã đưa tỷ giá trần là 25.748 VND/USD và tỷ giá sàn 23.296 VND/USD.
Cùng ngày, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ 54 đồng đối với chiều mua và tăng 248 đồng ở chiều bán so với phiên đầu tuần (10/2), giao dịch ở mức 23.346 - 25.698 VND/USD.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD kể từ cuối tháng 10/2024. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá đã tăng rất mạnh sau kỳ Nghỉ Tết Nguyên đán do những áp lực dồn dập từ căng thẳng thương mại toàn cầu.
CUỘC CHIẾN THUẾ QUAN KHIẾN NHIỀU ĐỒNG TIỀN MẤT GIÁ MẠNH SO VỚI USD
Câp nhật lúc 11h30 ngày 11/2, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh giá mua - bán USD.
Cụ thể, kết thúc phiên sáng 11/2, giá USD mua vào được Vietcombank niêm yết ở mức 25.260 VND/USD, giá bán ra ở mức 25.650 VND/USD, tăng 90 đồng so với chốt phiên hôm qua (10/2). So với đầu năm 2025 (2/1), giá mua – bán USD niêm yết tại Vietcombank tăng lần lượt 39 đồng và 99 đồng, tương đương với mức tăng 0,15% và 0,38%.
Kết thúc phiên sáng 11/2, VietinBank cũng điều chỉnh giá USD lên mức 25.308 - 25.668 VND/USD (mua vào – bán ra). Giá USD mua vào tại VietinBank tăng thêm 243 đồng, giá bán ra tăng 23 đồng so với chốt phiên 10/2. So với đầu năm (2/1/2025), giá mua USD tại VietinBank tăng 183 đồng và giá bán ra tăng 109 đồng.
Chốt phiên sáng 11/2, tỷ giá USD tại Agribank cũng tăng 90 đồng cả 2 chiều so với ngày hôm qua, lên mức 25.290 - 25.630 VND/USD (mua vào - bán ra). Tương tự, BIDV cũng tăng thêm 100 đồng/USD ở cả hai chiều mua vào và bán ra, đẩy tỷ giá USD lên mức 25.300 - 25.660 VND/USD.
Phiên cuối của sáng 11/2, các ngân hàng khác như Techcombank, Exixmbank, ACB điều chỉnh tăng mạnh giá USD mua vào từ 85 đồng đến 110 đồng mỗi USD so với phiên hôm qua (10/2). Tỷ giá USD tại các ngân hàng này hiện dao động từ 25.270 - 25.720 VND/USD.
Lúc 11h30 ngày 11/2 (theo giờ Việt Nam), chỉ số Dollar Index (DXY) tăng 0,09% so với 10/2, lên mức 108,41 điểm nhưng tính chung từ đầu năm đến nay DXY vẫn giảm 0,07%.
Từ đầu năm tới nay, DXY trong thế giằng co do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và ba đối tác lớn nhất của nước này là Canada, Mexico và Trung Quốc leo thang kể từ khi Tổng thống Donald Trump chính thức điều hành Nhà Trắng. Hàng loạt đồng tiền của các quốc gia đều mất giá mạnh so với USD khi cuộc chiến thuế quan nổ ra.
![Mức mất giá của các đồng tiền so với USD tại ngày 11/2/2025 (VnEconomy tổng hợp từ các bản tin cập nhật thị trường)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51449093/59d4b9018c4f65113c5e.jpg)
Mức mất giá của các đồng tiền so với USD tại ngày 11/2/2025 (VnEconomy tổng hợp từ các bản tin cập nhật thị trường)
Sáng sớm 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Trump ký sắc lệnh tăng mạnh thuế quan áp lên các nhôm và thép nhập khẩu và Mỹ, chấm dứt hạn ngạch miễn thuế quan cho nhôm và thép từ các nhà cung cấp lớn như Canada, Mexico và Brazil (từ 4/3).
Theo đó, thuế quan đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng lên mức 25%, từ mức thuế 10% mà ông đưa ra vào năm 2018, cùng với đó là sắc lệnh áp lại mức thuế quan 25% đối với hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ hàng năm theo hạn ngạch miễn thuế quan, các trường hợp miễn trừ và hàng nghìn sản phẩm được miễn trừ.
Theo dữ liệu từ Viện Sắt thép Mỹ (AISI), Canada là nước xuất khẩu thép và nhôm lớn sang Mỹ, cùng với Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam, trong đó 79% tổng lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2024 đến từ Canada.
Tại ngày 11/2, VND mất giá 0,06% so với USD (tính từ 2/1/2025) và là mức mất giá nhẹ nhất so với nhiều đồng tiền như JPY (-3,3%); KRW (-1,55%); THB (-0,53%); SGD (-0,65%); RUB (-14,87%)...
Chính sách thuế quan mới của ông Donald Trump đã khiến đồng CAD (đồng nội tệ của Canada) suy yếu, CAD mất giá 0,5% so với USD trong phiên 10/2. Đồng thời, đồng EUR cũng mất giá nhẹ 0,06% so với USD sau khi Mỹ đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, Nam Mỹ, Châu Phi và Nam Á được đánh giá sẽ phải đối mặt với cú sốc kinh tế lớn nhất nếu Tổng thống Donald Trump thực hiện mức thuế quan có đi có lại như ông đã thông báo vào cuối tuần trước. Các quốc gia phát triển tại châu Âu dù chịu tác động ít hơn nhưng vẫn có những lĩnh vực có mức độ thuế quan bảo hộ cao như ô tô và sản phẩm nông nghiệp sẽ đứng trước việc tăng thuế quan tương hỗ từ Mỹ.
Nhìn chung, từ đầu năm 2025 đến nay, hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều mất giá mạnh so với USD. Trong đó, VND có mức mất giá nhẹ nhất.
LÃI SUẤT VND LIÊN NGÂN HÀNG TĂNG MẠNH GIÚP KÌM GIỮ ĐÀ TĂNG CỦA TỶ GIÁ
Trong 2 ngày đầu tuần (10 và 11/2), lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh so với cuối tuần trước (7/2) đã giúp kìm giữ đà tăng của tỷ giá.
Ngày 10/2, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,34 - 1,01 điểm phần trăm (đpt) ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước (7/2). Cụ thể: qua đêm 5,51%; 1 tuần 5,5%; 2 tuần 5,46 và 1 tháng 5,24%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm lần lượt 0,09 và 0,02 điểm phần trăm (đpt) đối với kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tuần so với chốt phiên 10/2. Trong khi đó, kì hạn 2 tuần và 1 tháng ghi nhận mức tăng từ 0,04 – 0,14 đpt so với chốt phiên 10/2. Cụ thể, lãi suất qua đêm là 5,42%, 1 tuần là 5,48%, 2 tuần là 5%, 1 tháng là 5,38%.
![Diễn biến chỉ số Dollar Index (Nguồn Trading Economics)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51449093/86806b555e1bb745ee0a.jpg)
Diễn biến chỉ số Dollar Index (Nguồn Trading Economics)
Ở chiều ngược lại, lãi suất USD liên ngân hàng hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn so với cuối tuần trước (7/2).
Trong khi lãi suất chào bình quân USD liên ngân hàng kỳ hạn 2 tháng không thay đổi thì các kỳ hạn từ 2 tháng trở xuống đều giảm nhẹ 0,01-0,02 đpt so với 10/2. Cụ thể, giao dịch qua đêm lãi suất giảm xuống còn 4,36%, 1 tuần còn 4,4%; 2 tuần còn 4,49% và 1 tháng còn 4,55%.
Như vậy, chênh lệch lãi suất USD/VND duy trì trạng thái dương giúp kiềm chế đà tăng của tỷ giá.
Sau 3 lần cắt giảm lãi suất liên tiếp vào cuối năm 2024, thị trường dự báo Fed sẽ tạm dừng cắt giảm thêm lãi suất cho đến hết năm 2025. Theo dữ liệu từ công cụ Fed Watch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường hiện đang đặt cược khả năng 93,5% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp vào tháng 3 tới. Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng chính sách tăng thuế quan và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đều có thể khiến áp lực lạm phát gia tăng. Vì vậy, mọi sự chú ý của giới đầu tư trên thị trường trong tuần này đều dồn vào báo cáo CPI và PPI tháng 1 của Mỹ.
Trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước bơm/hút ròng nhịp nhàng vừa đảm bảo thanh khoản hệ thống vừa hỗ trợ tỷ giá. Kể từ ngày 7/2, Ngân hàng Nhà nước giảm quy mô bơm ròng VND.
![Bơm, hút ròng của NHNN từ 3-10/2/2025 (VnEconomy tổng hợp từ NHNN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51449093/0ca5e370d63e3f60662f.jpg)
Bơm, hút ròng của NHNN từ 3-10/2/2025 (VnEconomy tổng hợp từ NHNN)
Cụ thể, ngày 7/2 nhà điều hành hút ròng 9.581 tỷ đồng từ thị trường thông qua thị trường mở; ngày 10/2, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 6.165,01 tỷ đồng ra thị trường – giảm đáng kể so với các tuần trước đó (3-6/2).
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi tới Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với ngân hàng thương mại ngày 11/2, trong giai đoạn đầu năm 2025, theo quy luật mùa vụ đầu năm và thời điểm Tết Nguyên đán, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống nhanh nhưng đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ. Đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%).
Như vậy, điều hành thị trường mở trong giai đoạn này không chỉ bằng mọi cách giữ vững phòng tuyến tỷ giá từ các áp lực dồn dập bên ngoài mà còn đảm bảo thanh khoản để hệ thống ngân hàng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất thấp, phục vụ mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số giai đoạn 2026-2030 mà Chính phủ đề ra.