Giữ trọn lời thề với Đảng dưới chân núi Puxailaileng

25 năm qua, kể từ ngày vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí Già Tồng Thù, Bí thư Chi bộ bản Ka Dưới, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn giữ vẹn nguyên lời thề với Đảng, luôn nỗ lực, phấn đấu trở thành người đảng viên tốt, tấm gương sáng trong xóa đói, giảm nghèo để đồng bào Mông nơi đây noi theo.

Ngược cung đường đầy gian khó từ TP Vinh lên huyện vùng cao Kỳ Sơn mới thấy hết gian nan, vất vả của người dân nơi đây. Dù địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt nhưng bao đời nay đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú vẫn một lòng theo Đảng, kiên trì bám đất, bám biển, bảo vệ vùng “phên giậu” Tổ quốc.

Từ trung tâm Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, chúng tôi tiếp tục men theo con đường giáp biên về nơi “sơn cùng thủy tận” Na Ngoi, vùng đất dưới chân núi Puxailaileng-một trong những đỉnh núi cao nhất nhì khu vực Trung Bộ, với độ cao hơn 2.700m so với mực nước biển để tìm gặp người có uy tín, đảng viên gương mẫu Già Tồng Thù, nhà ở bản Buộc Mú 2.

Anh Già Tồng Thù trò chuyện với cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 và phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Anh Già Tồng Thù trò chuyện với cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 và phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Ngôi nhà anh Già Tồng Thù ở bản Buộc Mú 2 nằm sát ven đường lên trung tâm xã, được làm theo lối truyền thống của người Mông. Tiết trời giá buốt, anh Thù hé cửa mời chúng tôi vào nhà, pha ấm trà shan tuyết do chính tay anh trồng, rồi giới thiệu về bản thân và kể lại thời gian khó khăn nơi vùng biên này.

Anh Già Tồng Thù sinh năm 1971. Từ năm 1995 đến 1998, anh nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, đóng quân ở các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Năm 1998, anh xuất ngũ về làm Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Na Ngoi từ năm 1998 đến 2000; làm Phó trưởng công an xã Na Ngoi từ năm 2000 đến 2020, Bí thư Chi bộ bản Buộc Mú 2 từ năm 2015 đến 2022; làm Bí thư Chi bộ bản Ka Dưới từ tháng 2-2022 đến nay. Nhiều năm nay, mọi việc từ nhỏ đến lớn, như: Chuyện hiếu, hỷ; mâu thuẫn trong làng xóm, dòng họ... dân bản đều tin tưởng hỏi ý kiến của Già Tồng Thù.

Tôi hỏi: "Anh có “bí quyết” gì mà bà con yêu quý, tin tưởng vậy?".

Anh Già Tồng Thù cười hiền khô, bảo: “Mình chẳng có bí quyết gì đâu. Chỉ làm được gì cho bà con là mình làm thôi”.

Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, năm 2000, anh Già Tồng Thù vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. “Vinh dự cho người Mông, cho bản Buộc Mú 2, cho dòng họ Già nhà mình lắm! Khi đứng dưới Đảng kỳ, mình đã hứa sẽ luôn nỗ lực, phấn đấu trở thành một người đảng viên tốt ở vùng biên Kỳ Sơn này. Ngày ở trong quân ngũ, mình được các cán bộ hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, nên mình tin tưởng sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, anh Già Tồng Thù phấn khởi nói.

Thập niên 2000, người dân trong xã Na Ngoi và các xã lân cận di cư tự do khá nhiều. Nguyên nhân vì đói, nghèo. Thời kỳ ấy, ở Kỳ Sơn vẫn còn những toán “phỉ” hay quấy phá dân làng; giao thông từ huyện lên xã thì gian khổ, bà con trồng được cây gì, nuôi được con lợn, con gà, con bò chẳng biết bán cho ai. Trong khi đó, một số người dân nhận thức hạn chế nên khi canh tác vài năm thấy đất bạc màu lại chuyển cả gia đình đi nơi khác; người vào Nam, người ra Bắc, có cả sang nước bạn Lào. Đất đai rộng lớn, phì nhiêu là vậy mà chẳng ai làm. Thực trạng trên khiến Già Tồng Thù trăn trở, suy tư nhiều lắm.

Anh Già Tồng Thù (hàng đầu, bên trái) giới thiệu cây sâm bảy lá 1 hoa với cán bộ xã và Đồn Biên phòng Na Ngoi.

Anh Già Tồng Thù (hàng đầu, bên trái) giới thiệu cây sâm bảy lá 1 hoa với cán bộ xã và Đồn Biên phòng Na Ngoi.

Không đành lòng nhìn bà con trong bản lặng lẽ dời đi, Già Tồng Thù quyết tâm vận động anh em trong nhà, trong dòng họ không di cư, khai hoang nương rẫy để trồng lúa, trồng ngô giải quyết bài toán “đói” trước. Thấy một vài gia đình ở lại ổn định, ấm no hơn nhờ những nương ngô, nương lúa được canh tác đúng kỹ thuật, đồng bào tin nhau, năm sau và nhiều năm sau nữa bà con trở về canh tác, sinh sống trong bản ngày một nhiều lên.

Một trong những vấn đề nổi cộm thời kỳ đầu thập niên 2000 ở địa bàn xã Na Ngoi là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp, với nhiều loại hình tội phạm. Trên cương vị Phó trưởng công an xã Na Ngoi, anh Già Tồng Thù không quản ngày đêm, địa hình đồi dốc, thời tiết, lặn lội đến từng bản, từng hộ đồng bào vừa tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa nắm chắc địa bàn, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở. Ông Già Phà Hùa, ở bản Buộc Mú 2 tâm sự: “Vụ việc nào ở bản mà có Già Tồng Thù đến giải thích, hướng dẫn là đồng bào đều tin tưởng. Già Tồng Thù uy tín và trách nhiệm lắm! Vì Già Tồng Thù nói có lý, có tình, vừa nói để bà con hiểu pháp luật, vừa nói để đồng bào giữ được tình nghĩa trong bản, trong dòng họ với nhau nên nhân dân luôn tin và nghe theo”.

Trong công tác phát triển Đảng, giờ đây, Già Tồng Thù vẫn vinh dự mình là một trong 4 người đảng viên đầu tiên thành lập nên Chi bộ bản Buộc Mú 2 vào năm 2007 (trong đó, có 2 giáo viên ở bản, 1 cán bộ biên phòng tăng cường). Kể từ khi thành lập Chi bộ, anh Già Tồng Thù hiểu rằng, cần nhiều người tiên phong dẫn lối hơn nữa thì dân bản mới thoát khỏi những hủ tục, mới biết cách phát triển kinh tế, mới đổi thay nhận thức trong việc cho con đến trường, ăn ở hợp vệ sinh, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, không tin, nghe theo kẻ xấu xúi giục.

Từ đó, anh luôn quan tâm tìm nguồn phát triển Đảng trong đồng bào Mông, đặc biệt là những thanh niên biết chữ, có hiểu biết xã hội và có uy tín trong dòng họ, trong bản. Từ năm 2015 đến 2022, anh Già Tồng Thù được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Na Ngoi, Bí thư Chi bộ thôn Buộc Mú 2. Chi bộ bản Buộc Mú 2 đã bồi dưỡng, giới thiệu để cấp trên kết nạp được 4 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên ở Chi bộ lên 8 đồng chí. Trong 8 năm (2015-2022), Chi bộ bản Buộc Mú 2 dưới sự lãnh đạo của Bí thư Chi bộ Già Tồng Thù thì có 7 năm được Đảng ủy xã Na Ngoi xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội từng bước được cải thiện rõ rệt, trong bản không có người dân vi phạm pháp luật, đời sống ngày càng nâng lên.

Với uy tín của mình, tháng 2-2022, anh Già Tồng Thù được Đảng ủy xã Na Ngoi điều động về làm Bí thư Chi bộ bản Ka Dưới. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi chia sẻ: “Thời điểm năm 2022, tình hình ở bản Ka Dưới có nhiều vụ việc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chưa được giải quyết dứt điểm, còn để xảy ra khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Đảng ủy xã đã bàn bạc, cân nhắc kỹ trước khi điều đồng chí Già Tồng Thù về làm Bí thư Chi bộ và nhờ đó đến nay, 4 vụ tranh chấp đất đai, 2 vụ lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trong xây dựng nông thôn mới ở địa bàn bản đã được giải quyết triệt để, nhân dân đồng tình ủng hộ”.

Tôi gợi lại câu chuyện trên, anh Già Tồng Thù kể lại: “Khi có sự điều động, mình đã hứa trước Đảng ủy xã là sẽ không làm mất mặt Đảng ủy. Mình lãnh đạo bằng tấm gương của mình, làm vì dân bản, không vụ lợi thì bà con sẽ tin theo, ủng hộ thôi. Mình đã làm được những việc mình đã hứa, bà con trong bản Ka Dưới hòa thuận, đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất”.

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ trên cương vị Bí thư Chi bộ bản Buộc Mú 2 và Bí thư Chi bộ bản Ka Dưới, anh Già Tồng Thù còn là điển hình trong phát triển kinh tế ở địa bàn, trở thành tấm gương, "người thợ kỹ thuật” hỗ trợ, giúp đỡ nhiều gia đình trong bản vươn lên thoát nghèo. Anh Già Tồng Thù tâm sự: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mấy năm trở lại đây, giao thông kết nối các xã trong huyện và giữa huyện về tỉnh rất thuận lợi. Bởi vậy, những thế mạnh về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn được phát huy, đặc biệt là có sự chung tay, góp sức của cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) và Đồn Biên phòng Na Ngoi, nên đời sống bà con từng ngày đổi thay tích cực”.

Hiện nay, gia đình anh Già Tồng Thù là một trong những điển hình phát triển kinh tế ở địa phương với hơn 5ha trồng chè shan tuyết; hơn 3.000 gốc đào đá, rừng Pơ mu hơn 1.000 gốc, dược liệu và trồng gần 2ha dong riềng, cho thu nhập lợi nhuận hằng năm hơn 120 triệu đồng. Đặc biệt, cây dong riềng được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân, với giá thu mua hiện tại là 3.500 đồng/kg đang đem lại nguồn thu lớn cho nhân dân trên địa bàn. Từ mô hình của gia đình anh Già Tồng Thù, nhiều hộ dân trong bản đã học tập, làm theo và vươn lên thoát nghèo bền vững.

7 năm liên tục (2016-2022), anh Già Tồng Thù là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; anh được UBND huyện Kỳ Sơn và Hội Cựu chiến binh huyện Kỳ Sơn tặng 2 giấy khen trong Phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu, làm kinh tế giỏi" giai đoạn 2019-2024.

Bài và ảnh: ANH TẦN - DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/giu-tron-loi-the-voi-dang-duoi-chan-nui-puxailaileng-815414
Zalo