Cuộc sống mới của đồng bào Mông ở Tân An

Tân An là thôn khó khăn của xã Đông Thọ (Sơn Dương) với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, bà con nơi đây đang nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, cuộc sống 'thay da đổi thịt' từng ngày.

“Khơi thông” suy nghĩ

Từ những năm 1980, các hộ người dân tộc Mông đầu tiên đã di chuyển từ Hà Quảng (Cao Bằng) về Tân An định cư. “Đất lành chim đậu”, dần dần hình thành bản người Mông thôn Tân An với 152 hộ cùng hơn 800 nhân khẩu. Đời sống ấm no, kinh tế - xã hội phát triển đang hiện hữu với bà con nơi đây. Dẫu vậy, ít ai biết, trước đây hầu hết các hộ vẫn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống còn nhiều lạc hậu, người dân chưa chủ động phát triển kinh tế gia đình, dựng xây cuộc sống mới.

Để thay đổi tư duy, suy nghĩ của bà con, chính quyền địa phương đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Đồng chí Lâm Huy Giảng, cán bộ Ủy ban MTTQ xã chia sẻ: Người Mông từng nghĩ, họ được Nhà nước phát gạo cứu đói, phát cây giống, con giống nên không phải làm mà vẫn có ăn. Bởi thế, mấy chục năm trước, bản Mông ở Tân An nghèo lắm, gia cảnh đông con nheo nhóc. Đây chính là một trong những khó khăn của công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tăng thêm thu nhập từ việc thêu, may trang phục truyền thống của hộ gia đình chị Vàng Thị Dung.

Tăng thêm thu nhập từ việc thêu, may trang phục truyền thống của hộ gia đình chị Vàng Thị Dung.

Khó khăn là vậy, nhưng cán bộ địa phương luôn sát gần dân, “thủ thỉ” với bà con về những chính sách cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế trong vùng. Lựa chọn những hạt nhân trong cộng đồng người Mông tiêu biểu đi trước, làm gương và thành công, nhiều hộ dân thấy hiệu quả cũng đã làm theo. Đồng chí Âu Văn Tá, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho hay: “Chúng tôi luôn cố gắng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đồng thời, giải thích để bà con hiểu rằng để cuộc sống được ấm no hơn, kinh tế mỗi gia đình cần phải phát triển. Kế hoạch hóa gia đình, các hủ tục cũng cần được xóa bỏ, cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay”.

Từ những chia sẻ đó, công tác tuyên truyền trên địa bàn thôn ngày càng đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với trung tâm văn hóa truyền thông và thể thao huyện hỗ trợ hoạt động thể thao, bàn giao cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thể thao cho CLB trong thôn; phối hợp với công an huyện và phòng Tư pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân trên địa bàn thôn tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế…

Đời sống khởi sắc

Với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án cùng với nỗ lực của người dân, nhiều gia đình ở bản Mông đang vươn lên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo báo cáo của UBND xã, năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm 51,3%. Đến nay, con số đó đã giảm đáng kể, chỉ còn trên 25% với 39 hộ. Trưởng thôn Lý Văn Súa cho biết: “Nhờ sự chung sức của bà con cùng sự hỗ trợ từ chính quyền, các cấp ủy nên bây giờ cuộc sống bà con tốt hơn, đời sống kinh tế cải thiện rõ rệt”.

Mô hình chăn nuôi gà sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế

Mô hình chăn nuôi gà sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế

Thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Sơn Dương giai đoạn 2022 - 2026 trên địa bàn thôn, xã đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đầu năm đến nay hỗ trợ cho 15 hộ gia đình máy băm thức ăn cho trâu bò và kỹ thuật ủ chua thức ăn, hỗ trợ xây dựng bể thu gom chất thải chăn nuôi trâu bò với tổng kinh phí trên 95 triệu đồng, tặng 20 ti vi cho các hộ gia đình người Mông trong thôn…

Đặc biệt, “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025” với nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã phát huy hiệu quả. Là một trong những gia đình được hỗ trợ giống cây trồng và con giống nhằm phát triển kinh tế, chị Lý Thị Mai, dân tộc Mông chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi chủ yếu dựa vào trồng ngô, trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, đất đai lại cằn cỗi. Nhờ cán bộ hướng dẫn, gia đình tôi chuyển sang trồng cây na trên núi đá. Lúc đầu cũng lo lắm, nhưng được chỉ cách chăm sóc cây, sử dụng phân bón nên vườn na của nhà tôi đang phát triển tốt”.

Ông Ngô Văn Sính là trụ cột chính trong gia đình với 7 nhân khẩu. Được hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi gà sinh sản, đến nay đàn gà của gia đình ông phát triển đều, mỗi con gà trung bình đạt từ 1,2 - 1,5 kg. Ông chia sẻ: “Nhà tôi trước kia khó khăn lắm, cái ăn cái mặc đều phải lo từng ngày. Nhờ được hỗ trợ 85 con gà giống, tôi đã quyết tâm chăm sóc thật tốt. Đàn gà được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hứa hẹn thời gian tới sẽ là thu nhập chính, bền vững của gia đình”.

Những đổi thay ở Tân An không chỉ là câu chuyện về kinh tế mà còn là hành trình đổi mới tư duy, khát vọng vươn lên của bà con đồng bào Mông. Từ những khó khăn ngày trước, giờ đây, mỗi gia đình đều vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây chính là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của cả cộng đồng, cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/cuoc-song-moi-cua-dong-bao-mong-o-tan-an-206618.html
Zalo