Giữ rừng mùa xuân
Lợi dụng đầu xuân, các đối tượng thường gia tăng hoạt động khai thác trái phép lâm sản và săn, bẫy động vật hoang dã. Lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng tăng cường phối hợp chốt chặn, tuần tra bảo vệ rừng xuyên suốt trước, trong và sau Tết...

Lực lượng kiểm lâm Phú Lộc tuần tra
Gian nan
Xuất phát từ vị trí đập lòng hồ thủy điện Bình Điền, ghe chở chúng tôi chạy hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến được vị trí đóng quân của Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Chà Linh – Mụ Nú thuộc địa bàn huyện A Lưới. Đây là đơn vị khó khăn nhất của lực lượng kiểm lâm toàn thành phố, do địa hình chia cắt, hiểm trở, không có sóng điện thoại di động.
Phó Trạm trưởng A Riêng Hôn, phụ trách đội bảo vệ rừng Trạm Kiểm lâm Chà Linh – Mụ Nú, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới chia sẻ: “Trạm có nhiệm vụ quản lý gần 31.000 ha rừng tự nhiên giáp ranh giữa 3 địa bàn Hương Thủy, Phú Lộc và A Lưới. Do điều kiện địa hình chia cắt, hàng tuần anh em phải thay phiên nhau chạy ghe ra mua thức ăn để phục vụ trực chiến. Ngoài khó khăn về đảm bảo lương thảo, do không có sóng điện thoại nên việc thu nhận thông tin của lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng trong việc phối hợp tổ chức ngăn chặn các hành vi phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) rất gian nan...”.
Cũng theo anh A Riêng Hôn, lợi dụng dịp đầu xuân, các đối tượng thường gia tăng hoạt động khai thác trái phép lâm sản và săn, bẫy động vật hoang dã. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng phối hợp tăng cường công tác chốt chặn, tuần tra bảo vệ rừng xuyên suốt cả trước, trong và sau Tết.
“Do lợi nhuận thu được từ việc buôn bán lâm sản rất cao, đặc biệt là các loại động vật, thực vật quý hiếm nên các vụ vi phạm lâm luật ngày càng diễn biến phức tạp, với phương thức và thủ đoạn tinh vi hơn. Khi bị lực lượng chức năng truy quét, các đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt và lợi dụng địa hình rừng sâu để tẩu thoát” - một cán bộ kiểm lâm của trạm cho biết.
Trạm Kiểm lâm Hồng Hạ thuộc Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới cũng là đơn vị có địa hình rất khó khăn và mang tính đặc thù. Đơn vị có nhiệm vụ quản lý gần 47.000 ha rừng tự nhiên ở 2 xã Hương Nguyên và Hồng Hạ. Riêng xã Hương Nguyên là địa bàn biên giới, địa hình khó khăn, cách trở nhất của huyện A Lưới. Nhân viên kiểm lâm của trạm trong mỗi đợt tuần tra phải gùi gạo cơm, tăng bạt đi và về trong vòng 5 ngày.
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hồng Hạ, anh Phạm Văn Tâm chia sẻ: Nhiều tuyến giao thông, đường dân sinh tiếp cận vào các khu rừng tự nhiên cũng làm gia tăng áp lực lên công tác QLBVR. Mặt khác, do hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, diện tích rừng trồng keo tiếp giáp rừng tự nhiên, nên sau khi khai thác để trồng lại rừng, họ thường lấn dần vào diện tích rừng tự nhiên, rất khó phát hiện kịp thời để ngăn chặn.
Chủ động các giải pháp
Trước tình trạng tài nguyên rừng luôn có nguy cơ bị xâm hại, chặt phá, lấn chiếm, công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng luôn được chú trọng và thực hiện thường xuyên ngay từ những ngày đầu năm. Chi cục Kiểm lâm thành phố đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm quận, huyện, thị xã tích cực tham mưu chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện; chủ động theo dõi ảnh viễn thám, rà soát biến động và tổ chức tuần tra, kiểm tra các điểm nghi ngờ nhằm phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các vụ việc vi phạm. Các đơn vị kiểm lâm cũng hỗ trợ các cộng đồng được giao quản lý bảo vệ rừng xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng hàng năm; kiện toàn ban quản lý rừng cộng đồng, hướng dẫn các cộng đồng trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng và lập báo cáo định kỳ hàng quý, năm...
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm cùng với các chủ rừng đã kịp thời phát hiện, xử lý 25 vụ phá rừng trái pháp luật. Công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép cũng được tăng cường. Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy và Phú Lộc đã phối hợp với các chủ rừng, các ban ngành tham mưu chính quyền địa phương xử lý, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép hơn 28,16ha. Đến nay, các hộ dân đã tự nguyện chặt bỏ cây trồng trên đất đã lấn chiếm và trả lại đất cho các địa phương quản lý.
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Lê Ngọc Tuấn, một bộ phận dân cư sinh sống liền kề rừng phòng hộ, đặc dụng do thiếu đất canh tác nên vẫn lén lút phát rừng làm nương rẫy và khai thác trái phép lâm sản để giải quyết nhu cầu cuộc sống. Để giải quyết vấn đề này, Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các xã triển khai họp cụm dân cư, tổ chức ký cam kết cho các hộ về bảo vệ rừng. Đồng thời, giao mới hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên cho hàng trăm nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhận quản lý, bảo vệ.
Chi cục Kiểm lâm thành phố còn tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, UBND huyện A Lưới đã tiến hành rà soát hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên được giao cho các cộng đồng, nhóm hộ quản lý trên địa bàn 3 xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Trung Sơn từ năm 2022 đến 2024, với diện tích 2.687,83 ha, tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng.
Cũng theo ông Lê Ngọc Tuấn, đơn vị tiếp tục thực hiện chặt chẽ các quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và các đơn vị quân đội, biên phòng, công an trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; hướng dẫn, giám sát chặt chẽ các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý rừng, sử dụng flycam, ảnh viễn thám và các phần mềm chuyên dụng để theo dõi, rà soát biến động rừng trên địa bàn thành phố, nhất là các vùng rừng tự nhiên có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Diện tích rừng tự nhiên toàn thành phố đến cuối năm 2024 là 205.581,66 ha, giảm 5,74 ha so với năm 2023. Nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng giảm là do phá rừng 2,68 ha, chuyển mục đích sử dụng rừng 1,94 ha và do sạt lở 1,12 ha. Ngoài ra, diện tích rừng trồng hiện có hơn 77.312 ha, tăng 112,40 ha so với năm 2023.