Cà Mau phạt tù nhóm người giữ thuê thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Năm 2024, bị cáo Sang cùng đồng phạm thuê tàu cá rồi tiếp nhận, cất giữ chín thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm mục đích trục lợi, nhưng chưa thu được tiền công thì bị lực lượng chức năng phát hiện, truy tố.

Bị cáo Trương Văn Sang (đứng) chịu hành phạt nặng nhất với tội danh “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”.
Ngày 19/2, tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự đối với bị cáo Trương Văn Sang (sinh năm 1987, ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) cùng 11 đồng phạm có liên quan về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”, được quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự.

Đông đảo người dân địa phương đến xem xét xử án lưu động tại huyện Ngọc Hiển vào sáng 19/2.
Kết thúc phiên tòa, căn cứ cáo trạng, lời khai của các bị cáo cũng như những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Văn Sang 10 năm tù giam về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”, theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 287 của Bộ luật Hình sự.

Nhóm bị cáo chờ nghe tuyên án từ Hội đồng xét xử về tội danh “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”.
Cùng tội danh trên, các bị cáo: Huỳnh Văn Sơn (sinh năm 1991, ngụ huyện Ngọc Hiển); Lương Văn Hùm (sinh năm 1988), Mai Văn Hải (sinh năm 1986), Trần Văn Khánh (sinh năm 1990), Lê Trường Giang (sinh năm 1990), Trần Minh Dương (sinh năm 1992), Mai Thành Tân (sinh năm 1997), Trần Văn Vị (sinh năm 1979, Nguyễn Toàn Trung (sinh năm 1988), Lương Văn Cảnh (sinh năm 1991), Võ Văn Tựu (sinh năm 1999) cùng ngụ tỉnh Kiên Giang, bị tuyên phạt mức từ 3 đến 8 năm tù giam, theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 287 của Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, Trương Văn Sang làm nghề Thuyền trưởng, thường xuyên ra biển đánh bắt thủy sản, am hiểu vùng biển, tọa độ và các thiết bị giám sát hành trình của tàu cá.
Trong thời gian đánh bắt hải sản trên biển, Sang biết có nhiều tàu cá tháo thiết bị giám sát hành trình, gửi các phương tiện khác cất giữ (trong phạm vi vùng biển nước Việt Nam), sau đó điều khiển tàu ra vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép để không bị phát hiện.
Để có thêm nguồn thu nhập, Sang đã chuẩn bị sẵn công cụ, thuê tàu khai thác (số hiệu CM 08710-TS) để cất giữ các thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khác nhằm thu lợi bất chính.
Trong thời gian từ tháng 9/2024 đến 4 giờ ngày 17/10/2024, bị cáo Sang và Sơn đã tiếp nhận, cất giữ 9 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác nhưng chưa thu được tiền công thì đã bị bắt quả tang cùng tang vật.
Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung, cần nghiêm trị theo quy định của pháp luật để lan tỏa tính răn đe, góp phần giáo dục ngư dân trong và ngoài tỉnh.