Chuyện về 'Dốc cựu chiến binh' và hành trình kêu oan gập ghềnh của 6 cựu binh Đắk Nông

Suốt 10 năm qua, 6 cựu chiến binh ở Đắk Nông đằng đẵng kêu oan, một hành trình nhiều nước mắt, thất vọng rồi hy vọng...

Sau khi chấp hành xong án phạt tù (từ 6 đến 7 tháng tù) về tội hủy hoại rừng, sáu cựu chiến binh ở Đắk Nông vẫn tiếp tục kêu oan. Hành trình kêu oan của họ đã kéo dài 10 năm trời và đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Cái gọi là rừng bên con dốc cựu chiến binh

Ở vòng tố tụng thứ ba, tại bản cáo trạng mới nhất, các cựu chiến binh hiện vẫn bị VKSND TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông truy tố về tội hủy hoại rừng. Họ gồm: Đỗ Mạnh Hùng (63 tuổi), Ngân Xuân Dũng (65 tuổi), Vũ Tất Đắc (72 tuổi), Hoàng Văn Sằn (68 tuổi), Nguyễn Nam Thái (58 tuổi) và Cao Minh Điến (57 tuổi, cùng ngụ huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).

 Các cựu chiến binh đến hiện trường vụ án. Ảnh: T.THOẠI

Các cựu chiến binh đến hiện trường vụ án. Ảnh: T.THOẠI

Trên chiếc xe máy cà tàng, ông Ngân Xuân Dũng chở PV vượt qua con đường đất đỏ hướng về tiểu khu 1710, giáp ranh giữa xã Trường Xuân và TP Gia Nghĩa - nơi ông từng tham gia phát dọn cây bụi và bị buộc tội phá rừng 10 năm trước.

Con dốc cao, lên xuống đều khó khăn, nó gập ghềnh, trắc trở giống như hành trình kêu oan của chúng tôi 10 năm nay.

Cựu binh Ngân Xuân Dũng

Đến con dốc cao hun hút, ông Dũng dừng xe. Ông kể, sau ngày xảy ra vụ án khiến sáu cựu chiến binh vướng lao lý, con dốc nơi ông đứng được người dân địa phương gọi là "dốc Cựu chiến binh". Ông rất buồn vì con dốc được đặt tên để đánh dấu một biến cố quá lớn đối với cuộc đời mình.

“Con dốc cao, lên xuống đều khó khăn, nó gập ghềnh, trắc trở giống như hành trình kêu oan của chúng tôi 10 năm nay”, ông Dũng trầm tư.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Dũng vẫn dẫn PV đi quanh hết đám cây (được cơ quan tố tụng gọi là “rừng”) để chứng minh việc xung quanh đã bị người dân khai hoang, lấn chiếm trồng cây.

Một lúc sau, nhiều cựu chiến binh khác liên quan vụ án cũng tới hiện trường. “Chú cứ nhìn đám cây này đi, 10 năm trời rồi vẫn thế, có đáng để gọi là rừng không, chúng tôi có đáng bị kết tội không. Chúng tôi từng là lính, nếu có tội chúng tôi chịu. Nhưng chúng tôi làm vì tập thể, không chút tư lợi nào", cựu chiến binh Vũ Tất Đắc nói, hướng ánh mắt đầy vẻ xót xa nhìn về đám cây bụi trước mặt.

 Đám cây bụi nơi xảy các cựu chiến binh từng phát dọn và vướng lao lý. Ảnh: T.THOẠI

Đám cây bụi nơi xảy các cựu chiến binh từng phát dọn và vướng lao lý. Ảnh: T.THOẠI

Nhớ lại chuyện 10 năm trước, ông Đắc nói, hồi đó tình trạng lấn chiếm đất rừng để làm rẫy khá phổ biến. Năm 2015, để phủ xanh đồi trọc, giữ đất rừng, Chi hội cựu chiến binh thôn 6, xã Trường Xuân họp bàn, đưa ra phương án phát dọn, trồng cây.

Phương án này được các cựu chiến binh tham gia cuộc họp đồng ý vì nghĩ sẽ ngăn được nạn lấn chiếm đất rừng.

Trong tháng 1 và tháng 4-2015, nhiều cựu chiến binh tại thôn 6, xã Trường Xuân cùng vào phát dọn cây bụi để trồng cây keo. Thế nhưng, vì vậy mà nhiều người trong số họ đã vướng lao lý, bị kết tội hủy hoại rừng và lĩnh án tù.

 Các cựu chiến binh tại tòa. Ảnh: T.T

Các cựu chiến binh tại tòa. Ảnh: T.T

“Đã 10 năm luẩn quẩn với lao lý, cứ có người hỏi đến vụ án là tôi lại thấy chua xót, nước mắt chực rơi. Sáu cựu chiến binh chúng tôi có bốn người thuộc hộ nghèo, cuộc sống chật vật bộn bề”, cựu chiến binh Cao Minh Điến nói.

10 năm, 3 vòng tố tụng

Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa (nay là TP Gia Nghĩa) xử sơ thẩm lần đầu, phạt các bị cáo từ sáu đến bảy tháng tù. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Nông hủy án.

Tháng 9-2017, xử sơ thẩm lần hai, tòa sơ thẩm vẫn xác định các bị cáo hủy hoại rừng và tuyên phạt mức án như cũ.

Cuối năm 2017, TAND tỉnh Đắk Nông xử phúc thẩm lần hai, nhận định dù giai đoạn điều tra có thiếu sót nhưng không ảnh hưởng tới nội dung vụ án nên y án sơ thẩm.

Năm 2020, Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng không đủ căn cứ phạt tù sáu cựu chiến binh về tội hủy hoại rừng theo khoản 1 Điều 189 BLHS 1999.

Xử giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục hủy án để điều tra lại.

Ngày 18-2-2025, TAND TP Gia Nghĩa mở phiên xét xử sơ thẩm lần 3 nhưng hoãn vì vắng mặt người làm chứng, người có nghĩa vụ liên quan và một số luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Nhiều thiếu sót, phải điều tra lại

Vụ án của các cựu chiến binh nói trên rất đặc biệt. Năm 2017, họ bị TAND tỉnh Đắk Nông kết án từ sáu đến bảy tháng tù và đã chấp hành án xong nhưng vẫn kêu oan.

 Xung quanh hiện trường là bạt ngàn rẫy cà phê, hồ tiêu, mít... Ảnh: T.T

Xung quanh hiện trường là bạt ngàn rẫy cà phê, hồ tiêu, mít... Ảnh: T.T

Theo cựu chiến binh Nguyễn Nam Thái, ông và những người khác kêu oan không phải vì chối tội, mà vì danh dự người lính, vì tin không có tội.

Năm 2020, khi các cựu chiến binh đã thi hành án xong thì TAND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định hủy tất cả các bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND TP Gia Nghĩa và TAND tỉnh Đắk Nông, trả hồ sơ để điều tra lại.

Theo phân tích của TAND Cấp cao tại TP.HCM, cơ quan tiến hành tố tụng chưa điều tra, xác minh diện tích nơi xảy ra vụ án là đất rừng tự nhiên sản xuất, đất nông nghiệp hay đất trống.

Ngoài ra, nơi xảy ra vụ án được xác định là “rừng” nhưng trong hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh là rừng, chủng loại rừng theo quy định tại Nghị định 23/2006 của Chính phủ.

Hơn thế, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản xác minh hồi năm 2015 xác định diện tích rừng bị xâm hại là 0,98 ha. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định diện tích rừng bị xâm hại là 0,8 ha. Tại bản kết luận giám định ngày 14-7-2016 lại xác định diện tích rừng bị xâm hại là 0,78 ha.

TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, việc thực hiện kiểm tra hiện trường, đo đạc thực hiện không đúng yêu cầu kỹ thuật nên kết quả đo đạc không có giá trị pháp lý.

 Con dốc qua hiện trường vụ án được người dân gọi là dốc Cựu chiến binh. Ảnh: T.T

Con dốc qua hiện trường vụ án được người dân gọi là dốc Cựu chiến binh. Ảnh: T.T

Cũng theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, hai kết luận giám định đều do ông Huỳnh Văn Triệu ký là trái quy định. Bởi lẽ, việc giám định thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn, phải giám định tập thể theo quy định của Luật giám định tư pháp năm 2013. Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết luận nêu trên để điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tòa cấp cao cũng cho rằng, biên bản vi phạm hành chính ngày 27-3-2015 của Chi cục kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa, xác định diện tích rừng tại lô 3 và 6 khoảnh 1, tiểu khu 1710 mức độ thiệt hại 100%. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn xác định trong các ngày 19 và 20-4-2015, các cựu chiến binh tiếp tục phá rừng tại tiểu khu 1710 là không đủ cơ sở.

Việc tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định thiệt hại về lâm sản do hành vi hủy hoại rừng của các bị cáo dựa vào trữ lượng gỗ bình quân trên 1 ha cũng không chính xác, không định lượng được hành vi phạm tội.

 Khu "rừng" hiện tại là những cây bụi nhỏ. Ảnh: T.T

Khu "rừng" hiện tại là những cây bụi nhỏ. Ảnh: T.T

Theo luật sư (LS) Nguyễn Thanh Huy, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông, ông đã tham gia từ đầu để bào chữa miễn phí cho các cựu chiến binh suốt 10 năm qua. Lý do, trong số các cựu chiến binh liên quan vụ án, có nhiều người thuộc diện hộ nghèo. Hơn thế, trong vụ án không có động cơ vụ lợi cá nhân.

Hiện LS Huy đã liên hệ thêm luật sư đồng nghiệp để bào chữa miễn phí cho các cựu chiến binh. “Tôi cũng như các bác cựu chiến binh vẫn có niềm tin không đủ căn cứ để buộc tội họ”, LS Huy nói.

Cũng theo ông, tội danh hủy hoại rừng là tội cấu thành vật chất. Vì vậy, phải xác định được diện tích rừng, số lượng cây, gỗ bị thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án chưa làm rõ, chưa định lượng cụ thể thiệt hại diện tích rừng, cây rừng trên thực tế.

Hội đồng của Bộ NN&PTNT không giám định được thiệt hại

Theo kết luận điều tra mới nhất của Công an TP Gia Nghĩa, trong quá trình điều tra lại vụ án, đơn vị đã trưng cầu giám định thiệt hại về rừng đối với diện tích rừng bị hủy hoại theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 21-4-2015.

Tháng 8-2021, Chi Cục kiểm lâm tỉnh Đắk Nông và giám định viên trả lời không có cơ sở để xác định về loại rừng, trạng thái rừng và mức độ thiệt hại về rừng.

Công an TP Gia Nghĩa tiếp tục trưng cầu giám định gửi Bộ NN&PTNT. Tháng 6-2022, Hội đồng giám định của Bộ NN&PTNT kết luận, không thể giám định được ranh giới, diện tích, trạng thái, không xác định được giá trị rừng bị thiệt hại tại lô 3, lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 1710.

TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-ve-doc-cuu-chien-binh-va-hanh-trinh-keu-oan-gap-ghenh-cua-6-cuu-binh-dak-nong-post835049.html
Zalo