Giữ nét đẹp văn hóa lân - sư - rồng

Tết đến, không khí rộn ràng của các đoàn lân - sư - rồng lại tràn ngập khắp các con phố. Tiếng trống, tiếng chiêng hòa cùng những điệu múa lân mãn nhãn trở thành nét văn hóa lâu đời được gìn giữ, bảo tồn và phát huy đến tận ngày nay.

Từ dáng hình…

Trong nhịp sống hiện đại, múa lân - sư - rồng vẫn giữ được sức sống mãnh liệt và không ngừng đổi mới.

Hình ảnh lân oai phong, sư tử dũng mãnh và rồng uy nghiêm tượng trưng cho sự thịnh vượng, những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Truyền thống văn hóa này luôn được gìn giữ và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.

Thầy dạy kiêm quản lý Câu lạc bộ Long Hoa Đường (phường 1, TP.Tân An) - Trà Minh Hải hướng dẫn thành viên tư thế múa lân đúng

Thầy dạy kiêm quản lý Câu lạc bộ Long Hoa Đường (phường 1, TP.Tân An) - Trà Minh Hải hướng dẫn thành viên tư thế múa lân đúng

Những ngày cận tết, các đoàn lân - sư - rồng trên địa bàn tỉnh tất bật chuẩn bị nhiều tiết mục phục vụ người dân.

Thầy dạy kiêm quản lý Câu lạc bộ (CLB) Long Hoa Đường (phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) - Trà Minh Hải chia sẻ: “Tôi đồng hành cùng CLB đến nay đã hơn 14 năm. Những ngày đầu, tôi phụ trách điều tiết các buổi biểu diễn, nhận hợp đồng và các công việc hành chính. Sau đó, tôi tham gia các lớp chuyên sâu về kỹ thuật múa lân trong và ngoài tỉnh cũng như học hỏi những động tác khó như trồng người, hái lộc,...”.

Với mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống, anh Hải mở các lớp múa lân để truyền dạy cho các bạn trẻ. Hiện CLB Long Hoa Đường có khoảng 35 thành viên với nhiều độ tuổi khác nhau.

Mỗi tuần, CLB gặp gỡ, giao lưu từ thứ hai đến thứ sáu nhưng cận tết, các thành viên phải tập luyện nhiều hơn để mang đến những màn trình diễn mãn nhãn.

“Tôi và các anh em theo đuổi bộ môn này vì đam mê, sáng làm công việc chính, tối về luyện tập bởi thực chất thu nhập khá bấp bênh, mỗi buổi diễn chỉ khoảng 200.000 đồng/người, một tháng chúng tôi nhận tầm 2-3 “show”. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp khó khăn trong công tác chiêu sinh, thiếu kinh phí đầu tư trang phục, đạo cụ,... Có những lúc, tôi muốn bỏ cuộc nhưng tình yêu với bộ môn này giúp tôi và các anh em vượt qua” - anh Hải bộc bạch.

Tham gia CLB từ năm 15 tuổi, đến nay, anh Nguyễn Nhật Linh (phường 6, TP.Tân An) thuần thục những động tác khó và đảm nhận vị trí quan trọng là múa đầu lân.

Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn khi phải thể hiện linh hồn của con lân thông qua các động tác múa, trồng người, hái lộc,...

Lấy thử thách làm động lực, anh không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật của các nước nổi trội về bộ môn múa lân - sư - rồng như Trung Quốc, Malaysia, Singapore.

Các thành viên Câu lạc bộ Long Hoa Đường hào hứng tập luyện để phục vụ người dân dịp tết

Các thành viên Câu lạc bộ Long Hoa Đường hào hứng tập luyện để phục vụ người dân dịp tết

Ngoài múa đầu lân, anh Linh còn tham gia biểu diễn nhiều tiết mục khác như múa rồng, múa sư tử. Anh cũng đảm nhận vai trò “ăn nhả lộc”, một trong những động tác khó và nguy hiểm nhất trong múa lân.

Tuy nhiên, con đường theo đuổi đam mê của anh không hề bằng phẳng. Ban đầu, gia đình anh không mấy ủng hộ vì nguy hiểm, thu nhập lại không cao nhưng với sự kiên trì và những thành công ban đầu, anh Linh dần thuyết phục được người thân.

Anh Linh nói: “Trong những ngày Tết Nguyên đán, hình ảnh những đoàn múa lân đi chúc tết trở nên quen thuộc với người dân. Tôi cảm thấy tự hào khi được góp phần mang đến không khí vui tươi, phấn khởi cho mọi nhà. Ngoài ra, tôi và những bạn trẻ khác mong muốn truyền tải những giá trị của bộ môn nghệ thuật lâu đời, từ đó bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa lân - sư - rồng”.

... đến âm thanh

Từ xưa đến nay, ngày xuân rộn rã thế nào nhưng vắng tiếng trống lân cũng không trọn vẹn. Nếu con lân, rồng tượng trưng cho điềm lành, tài lộc thì tiếng trống càng phác họa rõ nét hơn sự oai phong của con vật thần, giúp xua đuổi điềm rủi cho gia chủ.

Anh Nguyễn Văn An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) thực hiện công đoạn bịt trống

Anh Nguyễn Văn An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) thực hiện công đoạn bịt trống

Góp phần mang đến tiếng trống lân dịp tết là gia đình anh Nguyễn Văn An (ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ). Năm nào cũng vậy, vợ chồng anh An đều bận từ sáng đến tối để làm ra chiếc trống lân hoàn chỉnh, kịp giao cho các đoàn lân - sư - rồng hay miễu, chùa,... trước tết.

Theo anh An, mỗi cái trống tốn nhiều tháng để hoàn thành, có trống làm 1 năm mới đến được tay khách hàng, có trống giá khoảng 400.000 đồng, có trống lên đến vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Từ nhỏ, tiếng trống gia truyền trở thành một phần không thể thiếu đối với anh An. Là đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Văn, hậu duệ ông Nguyễn Văn Ty - người khai sinh làng trống Bình An nên anh quyết tâm kế thừa sự nghiệp gia đình.

Chính cha anh là ông Nguyễn Văn Mến đã truyền niềm cảm hứng và đam mê nghề cho anh. Kế nghiệp cha, nhiều năm qua, anh đã mang đến nhiều sản phẩm trống chất lượng, vang danh trống lân Năm Mến đến cả Mỹ, Úc, Canada, Campuchia,...

Khi phóng viên đến nhà, vợ chồng anh An và con trai đang thực hiện công đoạn bịt trống, chuẩn bị hoàn thiện để vài ngày nữa xuất sang Campuchia.

Anh An chia sẻ: “Khâu bịt trống quyết định âm thanh của trống. Tùy mỗi loại trống mà cần yêu cầu âm thanh phát ra khác nhau. Trống nhạc lễ giòn, không quá vang, tiếng trống chùa thì trầm, vang,...

Trong đó, trống lân cần phải đánh nghe thật giòn giã, tạo khí thế để lân, rồng múa”. Anh tiết lộ, muốn nghe cho “ra” các loại tiếng khác nhau, người thợ cần phải cảm âm tốt, có “mắt nhìn” phân biệt từng kiểu âm thanh. Ngoài ra, người làm trống cần kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng công đoạn như xử lý gỗ, xử lý da trâu, dựng thân trống, bịt trống, đóng đinh,...

Trống lân Năm Mến được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao

Trống lân Năm Mến được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao

Năm 2023, thương hiệu trống lân Năm Mến được UBND tỉnh trao tặng giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và bắt đầu xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử.

Dù được nhiều người biết đến và đặt hàng nhưng anh An vẫn giữ nguyên tắc làm trống theo cha ông, cẩn thận, chỉn chu trong từng khâu. Nhờ đó mà mỗi cái trống lân, trống bát nhã, trống chùa,... do anh làm ra đều có giá trị sử dụng hàng thập kỷ.

Anh An kể: “Có lần gặp lại khách hàng cũ, họ khen trống mình làm tiếng hay, dùng 10 năm rồi mà “không xi nhê” khiến tôi cảm thấy tự hào và yêu quý hơn công việc này”.

Không chỉ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị trống lân Năm Mến, anh An còn mong muốn có thể truyền lại nghề cho con để cái gốc cha ông không bị mài mòn theo năm tháng.

Những ngày tết, dạo quanh đường phố có thể thấy hình ảnh đoàn lân - sư - rồng biểu diễn các bài múa đặc sắc, hòa cùng tiếng trống lân thúc giục, hào hùng. Mỗi công dân hôm nay vẫn luôn nỗ lực trân trọng các giá trị truyền thống, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.

Ngọc Hân - Hoàng Lan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-net-dep-van-hoa-lan-su-rong-a189538.html
Zalo