'Giữ lửa' cho trào lưu

Hàng loạt concert 'made in Vietnam' liên tiếp cháy vé, thu hút hàng chục nghìn khán giả cuồng nhiệt cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực và vươn lên mạnh mẽ của thị trường giải trí nội địa. Trào lưu 'đu idol' quốc nội đang thực sự thành hình, mang đến không gian kết nối sâu sắc giữa nghệ sĩ và công chúng yêu nhạc.

"Đu idol" quốc nội (Bài 3): Thần tượng nhạc Việt và sức mạnh fandom"Đu idol" quốc nội (Bài 2): Từ sân khấu thần tượng đến chuỗi giá trị văn hóa kinh tế Việt Nam"Đu idol" quốc nội (Bài 1): “Chịu chi” để đu concert

Khán giả ấn tượng mạnh với loạt concert của show “Anh trai say hi”. Ảnh: NAM ANH

Khán giả ấn tượng mạnh với loạt concert của show “Anh trai say hi”. Ảnh: NAM ANH

Thế nhưng, để ngọn lửa ấy không chỉ bùng lên trong chốc lát mà duy trì lâu dài, cần lắm những chiến lược đồng bộ, từ chất lượng nghệ thuật đến chính sách phát triển tài năng, để văn hóa thần tượng Việt thực sự bén rễ và lan tỏa.

Cơ hội vàng để công nghiệp văn hóa bứt phá

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, các concert “bùng nổ” như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai hay Chị đẹp đạp gió đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là Gen Z và Gen Alpha.

Ví dụ cho sự cuồng nhiệt đó là tại đêm concert cuối cùng của show Anh trai say hi, hàng chục nghìn khán giả đã dầm mưa suốt gần 4 tiếng đồng hồ để được tận hưởng trọn vẹn từng phút giây idol của mình biểu diễn trên sân khấu. Sau nhiều năm say mê thần tượng quốc tế, có thể nói, giới trẻ Việt dần chuyển hướng sang ủng hộ nghệ sĩ trong nước. Làn sóng “đu idol” quốc nội đầy sôi động được hình thành.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để các concert mang dấu ấn văn hóa Việt không chỉ dừng lại ở hiện tượng nhất thời mà thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp văn hóa, cần có một chiến lược phát triển bài bản, đồng bộ và dài hạn.

Trước hết, yếu tố then chốt chính là sự đầu tư nghiêm túc vào nội dung, công nghệ trình diễn và trải nghiệm của khán giả. Một concert hấp dẫn không chỉ bởi danh tiếng nghệ sĩ, mà còn bởi khả năng dẫn dắt người xem qua một hành trình nghệ thuật có chiều sâu, có câu chuyện và giàu giá trị cảm xúc.

Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa sức sáng tạo của các đạo diễn, nhà sản xuất, biên đạo - những người có thể chuyển hóa bản sắc dân tộc thành ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, gần gũi mà vẫn đầy sức hút đối với công chúng hôm nay.

Song song với đó, việc xây dựng một thế hệ nghệ sĩ vừa có chuyên môn vững vàng, vừa giàu bản lĩnh văn hóa là yếu tố mang tính nền tảng. Trong bối cảnh hiện nay, nghệ sĩ vừa cần hát hay, nhảy đẹp, vừa phải là những “người kể chuyện” đích thực, có khả năng truyền tải tinh thần Việt, vẻ đẹp văn hóa, chiều sâu lịch sử và con người Việt Nam đến với công chúng.

Chính vì thế, cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục nghệ thuật một cách hệ thống, đồng thời tạo điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế, giúp nghệ sĩ trong nước học hỏi kỹ năng, tiếp cận tư duy tổ chức và làm chủ sân khấu theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc trong từng hơi thở biểu diễn.

Một yếu tố không thể thiếu chính là môi trường chính sách cởi mở, khuyến khích và bảo trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của các concert mang đậm yếu tố văn hóa Việt. Các địa phương hoàn toàn có thể lồng ghép concert vào chuỗi sự kiện du lịch - văn hóa thường niên, góp phần kích thích kinh tế ban đêm, thu hút giới trẻ và tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho ngành “công nghiệp không khói”.

Về phía Nhà nước, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực như miễn, giảm thuế; ưu tiên cấp phép biểu diễn; hỗ trợ truyền thông và huy động nguồn lực xã hội hóa - đặc biệt là với các concert có giá trị nghệ thuật, văn hóa cao, từ đó hình thành một hệ sinh thái sáng tạo bền vững và lan tỏa.

Khán giả Việt ngày càng “mê mẩn” với những nghệ sĩ biết kết hợp giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại trong biểu diễn. Ảnh: “CHỊ ĐẸP” CONCERT

Khán giả Việt ngày càng “mê mẩn” với những nghệ sĩ biết kết hợp giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại trong biểu diễn. Ảnh: “CHỊ ĐẸP” CONCERT

Kiến tạo hệ sinh thái thần tượng bền vững

Từ làn sóng giới trẻ “đu” thần tượng nội địa thời gian qua có thể thấy, hiện tượng này đang được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của ngành giải trí, quá trình toàn cầu hóa và đặc biệt là sự phổ biến mạnh mẽ của mạng xã hội - nơi nội dung được lan truyền nhanh chóng và tiếp cận dễ dàng với công chúng. Tuy nhiên cũng vì nhiều yếu tố tác động, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, “đu idol” thì phải tỉnh táo.

“Thần tượng là những người có ảnh hưởng sâu rộng đến cảm xúc, hành vi và lối sống. Do đó, trong quá trình “đu idol”, các bạn trẻ cũng cần lưu ý một số vấn đề để giữ cho tình yêu này trở thành động lực tích cực, không lệch chuẩn. Điều người hâm mộ nên làm là nhìn nhận một cách tỉnh táo, biết phân biệt giữa giá trị nghệ thuật và những phát ngôn, hành vi cá nhân. Khi cần thiết, hãy dũng cảm góp ý, thậm chí yêu cầu sửa sai bằng thái độ văn minh”, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Ông Sơn cũng khẳng định, văn hóa thần tượng không nên tách rời văn hóa dân tộc. Khi khán giả mặc Việt phục đi concert, hát một ca khúc có giai điệu về tình yêu quê hương, đất nước hay âm hưởng dân gian trong show diễn hiện đại… họ không chỉ yêu một nghệ sĩ, mà đang góp phần nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc bằng những hành động đẹp.

“Đu idol” quốc nội cũng vậy, chính những concert Việt, những sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, do thần tượng tạo ra đang làm nên những “phiên bản” thần tượng mang đậm bản sắc riêng mà khán giả có thể tự hào gắn bó.

Nhìn từ hiện tượng khán giả “đu idol” quốc nội, nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc đại chúng. Nhưng để nền âm nhạc phát triển chuyên nghiệp và bền vững, cần có chiến lược dài hạn, đặc biệt là đầu tư vào giáo dục âm nhạc phổ thông. Một thế hệ công chúng có thẩm mỹ tốt sẽ góp phần tạo ra môi trường âm nhạc lành mạnh, thúc đẩy nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc hơn.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với chủ trương đẩy mạnh giảng dạy âm nhạc trong trường học. “Tôi rất mừng khi gần đây Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trong đó học sinh nên biết ít nhất một loại nhạc cụ sau khi hoàn thành phổ thông. Đây chính là nền tảng để xây dựng một thị trường âm nhạc bền vững và có chiều sâu”, ông chia sẻ.

Theo nhạc sĩ, chính từ cộng đồng học sinh được giáo dục âm nhạc bài bản này, những nghệ sĩ tương lai sẽ được ươm mầm và phát triển. Đồng thời, một thế hệ khán giả yêu nhạc Việt, thần tượng nghệ sĩ Việt với gu thẩm mỹ được hình thành ngay từ trong trường lớp cũng sẽ từng bước định hình và lan tỏa.

Người hâm mộ ra rạp xem “Mưa lửa” - phim tài liệu âm nhạc của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Ảnh: BTC

Người hâm mộ ra rạp xem “Mưa lửa” - phim tài liệu âm nhạc của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Ảnh: BTC

Ở góc độ truyền thông, ThS. Lê Thị Thoa, giảng viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQGHN) cho rằng, nghệ sĩ Việt Nam hiện nay có nhiều kênh hiệu quả để xây dựng thương hiệu cá nhân và đưa sản phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Chính vì vậy, nghệ sĩ cần chủ động tạo ra các chiến dịch truyền thông gắn liền với những chương trình, sự kiện lớn, nhằm thu hút sự chú ý của khán giả và lan tỏa hình ảnh tích cực.

Đồng thời, việc thường xuyên cung cấp nội dung trên nền tảng số là cách để duy trì lượng người hâm mộ hiện tại và mở rộng tệp fan mới. Những nội dung này nên xoay quanh hoạt động nghệ thuật, sản phẩm âm nhạc cũng như đời sống thường ngày của nghệ sĩ để tạo sự kết nối gần gũi.

Đặc biệt, trong bối cảnh tinh thần dân tộc đang được khơi dậy mạnh mẽ trong giới trẻ, việc nghệ sĩ lan tỏa thông điệp yêu nước, sống tử tế, nhân ái… chính là “chìa khóa” để gắn kết cộng đồng người hâm mộ một cách bền vững và sâu sắc.

Đồng quan điểm, ca sĩ, người mẫu Hồ Ngọc Hà cho rằng, để thu hút khán giả trong nước và tạo được “sức bền” cho trào lưu “đu idol” quốc nội, sự nổi tiếng không thể chỉ dừng ở yếu tố nhất thời.

“Trong bối cảnh hiện nay, nghệ sĩ có rất nhiều cơ hội để tiếp cận công chúng. Trở nên nổi tiếng trong chốc lát thì dễ, nhưng để được khán giả ngưỡng mộ và giữ vững tình cảm trong suốt hành trình nghệ thuật thì cần chiến lược tiếp cận chuyên nghiệp, thông qua những sản phẩm chất lượng thực sự. Bên cạnh đội ngũ hỗ trợ, nghệ sĩ cần chủ động xây dựng cho mình một lộ trình rõ ràng, dựa trên chính tài năng và cá tính nghệ thuật của mình. Đó cũng là con đường để các nghệ sĩ trẻ khẳng định bản thân và từng bước vươn tới các sân khấu âm nhạc, giải trí có quy mô lớn”, Hồ Ngọc Hà chia sẻ.

ĐÌNH TOÁN - NGỌC NHIÊN - THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/giu-lua-cho-trao-luu-137944.html
Zalo