Giữ lại khuôn mặt cho bệnh nhân trẻ bị u nguyên bào men có kích thước lớn
Khi được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ xương hàm để loại bỏ khối u nguyên bào men có kich thước lớn, anh C (34 tuổi, người Campuchia) bàng hoàng, lo sợ mặt mình bị biến dạng sau mổ. Anh tới Bệnh viện FV để tìm cơ hội giữ lại khuôn mặt và may mắn được điều trị bảo tồn.
Khối u nguyên bào men âm thầm phá hủy xương hàm của bệnh nhân
Năm 2024, anh C. (34 tuổi, người Campuchia) phát hiện một khối u vùng hàm dưới trái, không gây đau, nhưng khiến xương hàm bị phình to bất thường. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị u nguyên bào men – một dạng u lành tính phát triển âm thầm và xâm lấn vào xương, cần phải cắt bỏ toàn bộ xương hàm dưới bên trái, sau đó ghép xương tái tạo cấu trúc khuôn mặt.
Lo sợ đại phẫu gây biến dạng vĩnh viễn khuôn mặt, anh C. quyết định sang Việt Nam, đến Bệnh viện FV để tìm giải pháp điều trị khác.

Khối u kích thước gần 50mm gây hủy xương hàm (Ảnh:FV)
Thăm khám cho anh C, qua phim chụp CBCT (Cone Beam Computed Tomography), TS.BS Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng Khoa Nha và Phẫu thuật Hàm mặt Bệnh viện FV phát hiện một tổn thương dạng nang phá hủy gần như toàn bộ xương hàm dưới từ vùng góc hàm lan lên tận đầu lồi cầu. "Răng khôn số 38 của bệnh nhân mọc kẹt và dính với khối u, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự hình thành u", bác sĩ Tùng cho biết.
May mắn, khối u còn khu trú trong xương, bệnh nhân không bị tê vùng cằm và môi dưới (cho thấy thần kinh răng dưới không bị tổn thương) và bệnh nhân vẫn có thể há miệng bình thường dù khối u đã lan đến vùng khớp thái dương hàm. Các dấu hiệu này cho thấy có thể điều trị bảo tồn cho bệnh nhân.
Điều trị bảo tồn: phương pháp đơn giản nhưng cần bác sĩ có kiến thức sâu về bệnh lý
Nếu điều trị theo phương pháp truyền thống cho anh C., bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ xương hàm dưới bên trái, sau đó ghép xương tái tạo lại. Đây là phẫu thuật lớn, nguy cơ biến chứng cao, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng nhai của bệnh nhân.
Bác sĩ Tùng quyết định điều trị bảo tồn cho bệnh nhân bằng phương pháp giảm áp hốc u kết hợp mở thông túi u cho anh C. "Khi áp lực trong túi u được giải phóng, các tế bào hủy xương ở vách xương xung quanh u ngừng hoạt động. Khi đó, cơ thể sẽ nhận tín hiệu và bắt đầu quá trình tái tạo xương mới ở phần vách xương bao quanh khối u (ngoại vi của u), làm thu nhỏ dần khối u đồng thời thành xương xung quanh dày lên theo thời gian", bác sĩ Tùng giải thích.

TS.BS Nguyễn Thanh Tùng tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân (Ảnh:FV).
Trong ca phẫu thuật giảm áp, bác sĩ Tùng nhổ bỏ răng khôn số 38 mọc kẹt cho bệnh nhân, tạo một "cửa sổ" thông vào lòng u qua niêm mạc miệng, khâu vỏ bao túi u vào niêm mạc miệng xung quanh để tạo dạng "cửa sổ" nhằm tạo thành một "túi thông" từ trong túi u ra miệng, đặt ống dẫn lưu để giữ cho "cửa sổ" luôn mở.
Thách thức trong quá trình giảm áp là làm sao tách bóc trọn các tổ chức u gây chèn ép trong hốc u, và có nhiều nguy cơ chảy máu trong lúc giảm áp do có nhiều mạch máu tăng sinh trong tổ chức u. Nhờ kinh nghiệm phẫu thuật dày dạn và sự hỗ trợ của các công cụ hiện đại cầm máu tại chỗ, ekip của bác sĩ Tùng đã kiểm soát tốt tình hình.
Sau 3 tháng điều trị, khối u đã phần nào thu nhỏ kích thước, một lớp xương mới dày khoảng 2-3mm hình thành rõ rệt bao xung quanh hốc u. Lần tái khám trong tháng 4.2025, bệnh nhân vui mừng cho biết anh có thể ăn uống, há miệng bình thường và gần như không còn đau.

Ảnh chụp phim sau 3 tháng điều trị, khối u đã thu nhỏ kích thước và xương mới đã hình thành (Ảnh:FV).
Khi khối u thu nhỏ kích thước hơn, xương xung quanh tạo lại nhiều hơn, bác sĩ Tùng sẽ phẫu thuật khoét bỏ toàn bộ tổ chức u cho bệnh nhân, đảm bảo sự liên tục của xương hàm, dây thần kinh và chức năng khớp thái dương hàm. Trong một số trường hợp, nang có kích thước lớn có thể tự thoái hóa và khỏi hoàn toàn sau khi được giảm áp.
U nguyên bào men: nguy cơ điều trị quá đà nếu chẩn đoán thiếu chính xác
U nguyên bào men (ameloblastoma) là loại u lành tính hiếm gặp, có nguồn gốc từ các tế bào tạo răng, thường xuất hiện ở vùng hàm dưới, chủ yếu gặp ở những người trẻ. Khối xâm lấn tại chỗ rất mạnh mẽ, phát triển âm thầm, từ từ phá hủy xương hàm gây biến dạng mặt và ảnh hưởng lớn đến chức năng ăn nhai của người bệnh.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Tùng, u nguyên bào men xâm lấn rất mạnh mẽ (Ảnh: FV).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại u nguyên bào men thành nhiều thể khác nhau, mỗi thể có đặc điểm và phương pháp điều trị riêng. Trong đó, u men dạng một hốc nang (unicystic ameloblastoma) có thể điều trị bằng các phương pháp bảo tồn như giảm áp hoặc nạo khoét u đơn giản. Nếu chẩn đoán chưa chính xác hay chẩn đoán không đầy đủ về mô học hoặc điều trị xâm lấn bằng phẫu thuật, cắt bỏ triệt để rất dễ khiến bệnh nhân phải chịu hậu quả nặng nề và không cần thiết.
Để tìm hiểu thêm về bệnh u men xương hàm và các bệnh răng hàm mặt khác, bạn đọc có thể liên hệ Khoa Nha & Phẫu Thuật Hàm Mặt Bệnh viện FV hoặc qua số điện thoại (028) 3511 3333.