Giữ 'hồn' thư pháp (Bài 3): Thư pháp thời hiện đại

Sự phát triển mạnh mẽ của thư pháp Việt cùng với sự sáng tạo của các thư pháp gia trẻ đã khiến nghệ thuật thư pháp ngày càng đến gần hơn với cộng đồng. Giá trị của những con chữ không chỉ bất biến trên giấy mà đã được sáng tạo trên những nguyên vật liệu đa dạng, phong phú tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo...

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn trong buổi trình diễn nghệ thuật thư pháp Xuân Ất Tỵ 2025 tại Thanh Hóa.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn trong buổi trình diễn nghệ thuật thư pháp Xuân Ất Tỵ 2025 tại Thanh Hóa.

Qua 15 năm gắn bó với thư pháp Việt, Hoàng Trọng Tuyển, xã Thiệu Vân (TP Thanh Hóa), một thư pháp trẻ tài năng của làng thư pháp xứ Thanh đã góp sức mình trong việc mang thư pháp lan tỏa đến mọi người. Theo Tuyển, cái thời “người thuê viết nay đâu” đã lùi xa. Trong những năm gần đây, thư pháp, nhất là thư pháp Việt đã có sự phát triển mạnh mẽ, sự hiện diện của thư pháp Việt trong cuộc sống đã trở nên phổ biến. Từ việc in trên sách báo, viết trên lịch, đến vẽ trên áo, thêu trên vải, cũng như những cuộc triển lãm lớn, nhỏ ở khắp mọi nơi được công chúng quan tâm. Bên cạnh đó, cũng có không ít các câu lạc bộ, các lớp giảng dạy thư pháp được hình thành. Điều đó khiến những người theo đuổi thư pháp, nhất là những thư pháp trẻ phải năng động, sáng tạo, làm mới nghệ thuật thư pháp trên những chất liệu khác nhau hoặc kết hợp thư pháp với những loại hình nghệ thuật khác nhằm tạo nên sự mới mẻ, độc đáo khiến loại hình nghệ thuật này được “hồi sinh” và có vị thế nhất định.

Bởi vậy, Hoàng Trọng Tuyển đã có cách làm mới thư pháp trên lá sen, mâm đồng, chum cổ, tranh cao cấp... Với mỗi chất liệu khác nhau, Tuyển xem đó là cuộc “chinh phục” nghệ thuật mà dành tâm huyết, thời gian, công sức để nỗ lực “chiến thắng”. Như cuộc “chinh phục” thư pháp trên lá sen. Anh cho biết: “Ý tưởng này xuất phát khi tôi nhìn thấy hình ảnh của lá sen khô khi mất đi chất diệp lục sẽ lộ ra những đường vân rất tự nhiên và đẹp. Những đường vân tự nhiên này dù họa sĩ có giỏi đến đâu cũng rất khó để mô phỏng, và những chữ thư pháp nếu được thể hiện trên chất liệu đặc biệt này chắc chắn sẽ gây hiệu ứng cho người xem”.

Tuy nhiên, để biến lá sen thành chất liệu dùng trong hội họa là điều không dễ. Anh Tuyển và người bạn thân đã tự tìm tòi, nghiên cứu. “Để có được một phôi lá sen, khâu quan trọng nhất là phải chọn được lá bánh tẻ, không non, cũng không già quá. Thời điểm chọn lá thích hợp nhất vào đầu sáng hoặc cuối chiều, lá sen sau khi được lấy về phải thực hiện các công đoạn hấp, sấy, làm mất chất diệp lục... Sau đó, ép cho lá sen phẳng, nhưng không được làm mất đi các gân của lá. Trong quá trình làm, tôi và bạn đã trải qua không ít thất bại”, anh Tuyển cho biết thêm.

Một tác phẩm thư pháp trên lá sen của anh Hoàng Trọng Tuyển.

Một tác phẩm thư pháp trên lá sen của anh Hoàng Trọng Tuyển.

Viết thư pháp trên lá sen là hình thức mới mẻ đang được nhiều người ưa chuộng. Vẻ đẹp tự nhiên của lá sen kết hợp với nét vẽ điêu luyện của người họa sĩ cùng với chữ tạo nên một bức tranh hoàn hảo, tinh tế. Hiện tranh lá sen đang được Tuyển phát triển mạnh và luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Trước đó, trên những chiếc mâm gỗ cổ, anh Tuyển đã kết hợp hài hòa giữa hội họa và nghệ thuật thư pháp tạo nên những bức tranh chân dung, phong cảnh đặc sắc. Còn với những chiếc chum, anh Tuyển thể hiện thư pháp là những bài thơ cổ cùng phong cảnh non nước hữu tình, biến những chiếc chum đơn điệu thành tác phẩm nghệ thuật trang trí tại các đền, chùa... Vào dịp cuối năm anh lại thổi “hồn” thư pháp vào mâm ngũ quả qua những quả bòng, bưởi, dừa...

Tuy nhiên, dù thể hiện trên chất liệu nào thì với anh Tuyển, thư pháp Việt vẫn luôn có những yêu cầu khắt khe về chữ. “Chữ, sự lựa chọn chữ, cách sắp xếp chữ và ý nghĩa của chữ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp của tác phẩm. Bố cục, cách bố cục các chữ tạo nên sự cân đối, hài hòa và tạo ra những điểm nhấn thu hút người xem. Màu sắc, không chỉ làm tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm mà còn thể hiện được cảm xúc và tâm trạng của người viết...”, đó là kinh nghiệm cũng là lời khuyên mà anh Tuyển muốn gửi đến những người trẻ đã và đang không ngừng sáng tạo thư pháp Việt.

Tuyển chỉ là một trong nhiều người trẻ tại Thanh Hóa đam mê thư pháp đang miệt mài tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật thư pháp có giá trị, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và phù hợp với cuộc sống hiện đại. Qua những nét bút tỉ mỉ và tâm huyết, anh Tuyển và những người đam mê thư pháp đang kể câu chuyện của chính mình, đồng thời gắn kết giữa các thế hệ bằng một ngôn ngữ đặc biệt - ngôn ngữ của tình yêu và lòng tự hào dân tộc. Với họ, thư pháp không chỉ là nghệ thuật viết chữ, mà còn là cách người trẻ định hình bản sắc trong một thế giới hiện đại.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm: "Sự phát triển mạnh mẽ của thư pháp, nhất là thư pháp Việt thể hiện tinh thần hồi cố (đem giá trị truyền thống tái sinh trong cuộc sống hiện đại), mang âm hưởng nguồn cội, truyền tải các giá trị thẩm mỹ nhân văn sâu sắc. Với những giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là giá trị gắn liền với tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người Việt thì sự hồi sinh của thư pháp trong thời gian qua không phải là điều gì quá ngạc nhiên. Với nhiều người, xin chữ từ một “thầy đồ” có tài, có đức, có tâm trong dịp đầu năm mới không những là động lực phấn đấu cho một năm mà còn thể hiện ước vọng phấn đấu trong năm để xứng đáng với con chữ, không phụ tấm lòng "thầy đồ". Đặc biệt, sự quan tâm của các cấp chính quyền bằng việc tổ chức các buổi trình diễn, thưởng lãm nghệ thuật thư pháp vào dịp lễ, tết... là “đòn bẩy” để phong trào phát triển sâu rộng".

Ngày nay, tác phẩm thư pháp Việt không những bất biến trên “mực tàu, giấy đỏ” mà được những người đam mê thư pháp sáng tạo trên những chất liệu mới với cách thể hiện mới mẻ. Đặc biệt, những năm qua thư pháp Việt xuất hiện nhiều trên các đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm tại các khu du lịch, gây ấn tượng mạnh cho du khách nước ngoài... Nội dung thư pháp Việt không chỉ là những chữ mang ý nghĩa sâu sắc mà còn là ca dao, tục ngữ, lời dạy của danh nhân, lời ca về vẻ đẹp, lòng tự hào dân tộc... Bởi vậy, thư pháp Việt ngày càng thu hút sự quan tâm của mọi người, nhất là thanh, thiếu niên.

Với mảnh đất địa linh nhân kiệt Thanh Hóa, phong trào thư pháp đã có sự hồi sinh mạnh mẽ. Những giá trị văn hóa tốt đẹp bao giờ cũng bất biến với thời gian như nét đẹp cho chữ ngày xuân là một minh chứng. Vào những dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng, “thầy đồ” cho chữ không chỉ là chữ viết trên giấy mà còn gieo vào lòng người những giá trị sống ý nghĩa, bởi vậy ngày càng có nhiều người biết đến thư pháp. Không những thế sự nhanh nhạy, sáng tạo của các bạn trẻ đã góp phần thổi “hồn” hiện đại vào thư pháp, biến những tác phẩm vừa mang tính thẩm mỹ vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, khiến thư pháp lan tỏa tính nghệ thuật đến đông đảo mọi người.

Bài và ảnh: Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giu-hon-thu-phap-bai-3-nbsp-thu-phap-nbsp-thoi-hien-dai-35401.htm
Zalo