Gập ghềnh cứu nguy tư liệu Hán - Nôm
Mỗi năm có hàng chục ngàn trang tư liệu Hán – Nôm nằm rải rác ở nhiều nơi trên địa bàn TP. Huế được số hóa. Ít ai biết rằng những trang tư liệu ấy trải qua hàng trăm năm tồn tại và từng đứng trước mối nguy hư hoại bởi nhiều lý do khác nhau trước khi được tiếp cận.
![ThS. Lê Viết Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Công nghệ - Thư viện Tổng hợp TP. Huế (phải) trong một lần cùng đồng nghiệp số hóa tư liệu Hán - Nôm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_459_51431342/45d4d7c7ed8904d75d98.jpg)
ThS. Lê Viết Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Công nghệ - Thư viện Tổng hợp TP. Huế (phải) trong một lần cùng đồng nghiệp số hóa tư liệu Hán - Nôm
Hành trình tiếp cận các trang tư liệu Hán - Nôm tưởng chừng đơn giản nhưng cũng lắm gian nan với muôn hình vạn trạng không thể gọi tên và chỉ có những cán bộ của Thư viện Tổng hợp TP. Huế theo đuổi công việc ấy mới thấm.
Chỉ riêng trong giai đoạn 2020 - 2024, đội ngũ này đã số hóa gần 131.000 trang tư liệu, nếu tính luôn từ năm 2009 đến nay con số ấy lên đến hơn 452.000 trang. Một con số ngoài sức tưởng tượng.
Để có được chừng ấy trang tư liệu được số hóa, đồng nghĩa họ phải rong ruổi khắp các làng, xã, tìm đến hàng trăm tư gia, họ tộc, phủ đệ. Theo thống kê, các cán bộ chuyên môn đã đến 222 làng, hơn 1.050 họ tộc, 22 phủ đệ và 4 tư gia. Trong đó, phải kể đến những ngôi làng nổi tiếng vùng đất Cố đô, như Phù Bài, Nguyệt Biều, An Dương, Thủy Yên, Phú Ốc…
Hầu hết những tài liệu được tìm thấy tập trung vào sắc phong, địa bạ, bằng cấp, đơn từ, gia phả, văn tế, lệnh chỉ, chiếu chỉ… không chỉ phong phú về nội dung mà theo đánh giá của các chuyên gia nó còn có giá trị ở nhiều lĩnh vực như: văn bản học, lịch sử - văn hóa, phong tục, tập quán.
Tất nhiên để được tiếp cận, mở hòm gỗ chứa đựng những tài liệu đó có nơi vô cùng đơn giản nhưng có nơi là cả một hành trình gian nan. Chúng tôi đã có lần theo đoàn các chuyên gia số hóa tư liệu Hán - Nôm của Thư viện Tổng hợp TP. Huế để chứng kiến ít nhiều những khó khăn vô hình mà họ phải đối mặt.
Có nơi khi tiếp cận được các tư liệu Hán - Nôm quý hiếm nhưng lần giở ra thì đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng khiến việc xác định những thông tin cơ bản về tài liệu, nội dung, không còn nguyên vẹn, nhiều tài liệu hư không thể phục hồi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do gia chủ thiếu phương pháp bảo quản, lưu giữ chưa đúng cách nên khi đến tay các chuyên gia phải trải qua rất nhiều quy trình xử lý trước khi số hóa, thậm chí có tài liệu không thể xử lý được.
ThS. Lê Viết Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Công nghệ - Thư viện Tổng hợp TP. Huế - một trong những người có nhiều năm theo đuổi công việc này nói rằng, không chỉ vậy, một số làng, xã có sự phân tầng ngôi thứ, vị thế giữa các họ tộc nên việc triển khai số hóa còn gặp trở ngại. Hay đơn thuần ở một số làng, để mở được hòm tư liệu phải trải qua những quy trình không phải thủ tục hành chính mà phải theo “lệ làng”.
Vì thế, ngoài có chuyên môn, đội ngũ cán bộ số hóa tư liệu Hán - Nôm còn là những tuyên truyền viên vận động các chủ sở hữu hiểu ý nghĩa của công tác bảo tồn giá trị di sản Hán - Nôm và đồng ý cho việc tiếp cận, số hóa.
Ngoài ra, một khi đã có được các tư liệu trong tay, việc dịch thuật đòi hỏi phải có các chuyên gia, đặc biệt là những người thật sự am hiểu về ngôn ngữ Hán - Nôm cũng như hiểu biết về lịch sử, văn hóa, địa chí của từng địa phương.
Dù khó khăn nhưng theo ông Tuấn, giữa thời buổi công nghệ phát triển đã góp phần giúp cho công tác số hóa gặp rất nhiều thuận lợi từ khâu phân loại, nhập dữ liệu, biên mục trên hệ thống phần mềm, đáp ứng yêu cầu về quản lý, tra cứu và khai thác dữ liệu.
Trong khi đó, theo bà Hoàng Thị Kim Oanh - Giám đốc Thư viện Tổng hợp TP. Huế, dù đã số hóa một khối lượng lớn tư liệu Hán - Nôm như thế nhưng trên địa bàn vẫn còn một khối lượng lớn các tư liệu khác chưa được khảo sát, sưu tầm và số hóa. Vì thế, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu để tiếp tục theo đuổi công việc “hồi sinh” những tư liệu quý đó. Song song với đó, sẽ lựa chọn, tuyển dịch các thể loại tư liệu Hán - Nôm đã số hóa để in ấn phẩm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và phát huy giá trị nguồn di sản Hán - Nôm.
Trong hành trình dài theo đuổi với công việc này, bà Oanh cho rằng, đào tạo con người vẫn là ưu tiên. Bởi lẽ, để làm được việc này cần phải có những chuyên gia không chỉ số hóa mà còn tu bổ, phục chế, dịch thuật cho đến ứng dụng công nghệ vào việc bảo quản, xử lý tư liệu.
“Ngoài con người, chúng tôi còn nỗ lực tiếp cận và ứng dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại trong quản lý, lưu trữ và khai thác sử dụng để dần hình thành bộ sưu tập tài liệu số và phát huy giá trị của kho tài liệu Hán - Nôm”, bà Oanh nói.