Giữ hồn dân tộc từ tín ngưỡng thờ Mẫu
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận - không chỉ tôn vinh hình tượng người phụ nữ trong văn hóa Việt, mà còn mang đậm tính nhân văn, hướng thiện, gắn kết cộng đồng.
Thực tế cho thấy, hoạt động thực hành tín ngưỡng này đang phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo nghệ nhân, thanh đồng và người dân tham gia. Tuy nhiên, cùng với sự lan rộng là những biểu hiện lệch chuẩn như mê tín, thương mại hóa, phô trương, lãng phí…, đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn.
Phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Danh Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển xung quanh nội dung này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Phan Tấn Linh, Bí thư Huyện ủy huyện Nghi Xuân; Ông Nguyễn Danh Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển; Nghệ nhân ưu tú Phạm Quang Hồng tặng hoa cho các nghệ nhân, thanh đồng tham gia Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ tại Đền Thánh Mẫu, xã Xuân Lam. Ảnh: P.V
- Thưa ông, sau khi UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản này đã được diễn ra như thế nào?
- Ông Nguyễn Danh Hòa: Sau khi UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016, nhiều chương trình hành động đã được triển khai nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản này. Cụ thể đó là đã tập trung vào các nội dung như nhận diện và tư liệu hóa di sản; tăng cường giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng; hỗ trợ hoạt động thực hành và truyền dạy trong cộng đồng; tôn vinh nghệ nhân và các cá nhân có đóng góp tích cực…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, giáo dục và phát triển du lịch. Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình tại Hưng Yên, đồng thời đề xuất phương hướng tiếp tục triển khai cho giai đoạn 2023 - 2028. Những hành động này thể hiện nỗ lực đồng bộ của Nhà nước trong việc gìn giữ một di sản không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là một phần hồn cốt văn hóa Việt.
Nhiều sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh và quảng bá tín ngưỡng, nhằm khẳng định vai trò của di sản sau khi được UNESCO ghi danh, đồng thời triển khai các cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO. Bên cạnh đó, các hoạt động thực hành tín ngưỡng như hầu đồng, lễ hội thờ Mẫu ngày càng phổ biến, được tổ chức rộng rãi hơn. Cộng đồng thực hành - bao gồm thanh đồng, cung văn, con nhang đệ tử - tích cực tham gia bảo tồn và truyền dạy di sản. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện hiện tượng thương mại hóa và những hiểu lầm về di sản, đòi hỏi sự quản lý, hướng dẫn kịp thời từ cơ quan chức năng.
Có thể khẳng định, việc UNESCO công nhận đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản, thúc đẩy các hoạt động giáo dục, truyền thông nhằm giúp người dân hiểu đúng và thêm tự hào về tín ngưỡng truyền thống này. Đồng thời, tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một điểm nhấn trong phát triển du lịch văn hóa, với các địa danh như Phủ Dầy, đền Bảo Lộc, đền Sòng… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng và các cơ quan chức năng sau khi được UNESCO công nhận. Các hoạt động bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản được triển khai đồng bộ, góp phần giữ gìn và phát triển một nét văn hóa đặc sắc của người Việt.

Nghệ nhân Đoàn Văn Bắc trong một giá hầu
- Như ông đã đề cập, tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay bên cạnh mặt tích cực cũng đang đối mặt với những hiện tượng tiêu cực như mê tín dị đoan, thương mại hóa, lãng phí… Vậy theo ông, cần có định hướng như thế nào để bảo tồn đúng đắn và giữ gìn giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc?
- Ông Nguyễn Danh Hòa: Đây là câu hỏi rất quan trọng. Bên cạnh những đóng góp tích cực cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu hiện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là các biểu hiện lệch chuẩn như mê tín dị đoan, thương mại hóa, lãng phí trong nghi lễ.
Theo tôi, để bảo tồn đúng đắn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của tín ngưỡng này, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và các tổ chức liên quan trong việc giám sát, quản lý và cấp phép hoạt động tín ngưỡng. Cần phân biệt rạch ròi giữa hoạt động tín ngưỡng chân chính với các hành vi trục lợi tâm linh, từ đó xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, giúp người dân hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu - xem đó là giá trị văn hóa chứ không phải công cụ cầu tài, cầu danh. Cần xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành tín ngưỡng chuẩn mực, tránh hình thức phô trương, tốn kém, gây lãng phí.
Đặc biệt, cần khuyến khích nghệ nhân, thanh đồng, cung văn chân chính tham gia truyền dạy, phổ biến tri thức truyền thống, giữ gìn nét đẹp nghi lễ hầu đồng và hệ thống thần linh. Có thể thành lập các Câu lạc bộ văn hóa thờ Mẫu có định hướng, tạo không gian trao đổi kinh nghiệm giữa những người thực hành.
Phát triển du lịch tâm linh cần gắn với giáo dục văn hóa, lịch sử, tránh biến di sản thành sản phẩm thương mại đơn thuần. Quy hoạch các điểm thờ tự và tổ chức lễ hội một cách chuyên nghiệp, tiết kiệm, có trọng điểm. Đồng thời, khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục làm sâu các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, cung cấp cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn, tăng cường hợp tác với UNESCO và các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm.
Tôi cho rằng, bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là gìn giữ một hình thức văn hóa, mà còn là bảo vệ một phần hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Muốn vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, cộng đồng và giới nghiên cứu, để di sản này không bị biến tướng mà ngày càng lan tỏa đúng với giá trị vốn có.


- Được biết thời gian qua, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?
- Ông Nguyễn Danh Hòa: Đúng vậy! Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển đã tích cực tổ chức nhiều chương trình liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại các địa phương như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai và Nghệ An. Các sự kiện này thu hút đông đảo nghệ nhân, thanh đồng, thủ nhang và cộng đồng tín ngưỡng tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.
Các liên hoan mang lại hiệu quả tích cực không chỉ về mặt bảo tồn mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng. Qua đó, nghi lễ hầu đồng, hát văn và các nghi thức truyền thống được gìn giữ, giới thiệu đến thế hệ trẻ và công chúng. Những nghệ nhân, cung văn, thanh đồng có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, truyền dạy tri thức quý giá.
Chúng tôi đã tổ chức Liên hoan tại Đền Mẫu Phủ Sung (Thanh Hóa) quy tụ hơn 20 nghệ nhân, thanh đồng tham gia thực hành nghi lễ và diễn xướng chầu văn. Tại Đền Thánh Mẫu (Hà Tĩnh), liên hoan có sự tham gia của nhiều nghệ nhân ưu tú và chính quyền địa phương, nhằm tôn vinh và quảng bá giá trị di sản. Trong khuôn khổ Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hóa Quốc gia tổ chức một liên hoan, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.