'Một thời hoa lửa' - chương trình giáo dục trải nghiệm ý nghĩa về lịch sử

'Chương trình 'Một thời hoa lửa' là hoạt động tiếp nối của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam tới công chúng, đặc biệt là các em học sinh để khơi dậy tình yêu lịch sử và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc'.

Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại buổi ra mắt chương trình trải nghiệm giáo dục lịch sử “Một thời hoa lửa” được tổ chức chiều 25-4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Chương trình có sự phối hợp của Công ty Cổ phần Sáng tạo và Giáo dục Edudu.

“Một thời hoa lửa” là hoạt động trải nghiệm kết hợp giữa âm nhạc, các hoạt cảnh và màn diễn để kể câu chuyện về những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

Trong thời gian 60 phút, với lối diễn dung dị và đầy cảm xúc, các diễn viên đã đưa người xem ngược dòng thời gian sống lại những giây phút của lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc. Đó là những cô gái tuổi đời mới mười bảy, mười tám rất ngây thơ, trong sáng mà cũng đầy bản lĩnh trước gian khổ, hiểm nguy giữa núi rừng Trường Sơn, sẵn sàng vượt mưa bom bão đạn để mở đường cho xe qua; là chị Võ Thị Sáu hiên ngang trước mũi súng quân thù; hay nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm anh dũng nơi chiến tuyến với quyết tâm “mỗi người chỉ sống một lần trên đời nên không được sống hoài, sống phí”…

Các khán giả nhí say sưa theo dõi chương trình.

Các khán giả nhí say sưa theo dõi chương trình.

Xúc động, tự hào, thêm yêu dân tộc là cảm xúc của em Nguyễn Hà An, Lớp 5A cũng như học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi được đến với chương trình. Em cho biết: “Lần đầu tiên được tham gia một chương trình trải nghiệm về lịch sử, em thấy rất ấn tượng và nhiều cảm xúc. Em rất thích hình ảnh bác sĩ Đặng Thùy Trâm và mong muốn sau này sẽ trở thành bác sĩ cứu người”.

Cô Dương Mai Anh, giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung cho biết: “Đã nhiều năm đứng trên bục giảng về lịch sử nhưng khi xem chương trình, tôi vẫn thấy rưng rưng xúc động. Những bài học lịch sử được truyền tải rất khéo léo và phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đây là chương trình giáo dục lịch sử đầy sâu lắng, ý nghĩa với các em học sinh và cả người lớn, rất nên được lan tỏa”.

 Một số phân cảnh của chương trình giáo dục trải nghiệm “Một thời hoa lửa”.

Một số phân cảnh của chương trình giáo dục trải nghiệm “Một thời hoa lửa”.

Chia sẻ tại sự kiện, đạo diễn, tác giả kịch bản Ninh Quang Trường cho biết, với mong muốn xây dựng một tác phẩm dành cho các em học sinh nên những câu chuyện lịch sử được kể phải rất nhẹ nhàng và phù hợp với lứa tuổi. Rất trăn trở để lựa chọn các nhân vật, tình tiết phù hợp đưa vào kịch bản, anh đã dành thời gian đi đến các bảo tàng, di tích cách mạng để tìm kiếm thông tin. Mỗi hoạt cảnh, lời thoại trong kịch bản đều là những câu chuyện có thật đã được kể trên truyền thông và được anh tham khảo từ ghi chép của các cán bộ bảo tàng trong nhiều năm.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết cho biết thêm: “Chương trình trải nghiệm “Một thời hoa lửa” là món quà đặc biệt mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các nhà trường, dành tặng các em học sinh những tiết học ngoại khóa đầy cảm hứng. Các thông tin về lịch sử, câu chuyện đời thường về những người phụ nữ trong chiến tranh giúp các em dễ học, dễ nhớ, dễ thuộc... ngoài những kiến thức trong sách vở”.

Khán giả chụp ảnh lưu niệm với các diễn viên tham gia chương trình.

Khán giả chụp ảnh lưu niệm với các diễn viên tham gia chương trình.

Cùng với hệ thống trưng bày cố định, chương trình sẽ là sự kết nối và bổ sung vào hoạt động tương tác, tăng cường giáo dục trải nghiệm và hứa hẹn sẽ trở thành hoạt động ngoại khóa ý nghĩa dành cho các em học sinh trong năm 2025 tại sân khấu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tin, ảnh: THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/mot-thoi-hoa-lua-chuong-trinh-giao-duc-trai-nghiem-y-nghia-ve-lich-su-825592
Zalo