Giữ gìn nghệ thuật truyền thống
Bài chòi là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo, ngẫu hứng và đầy trí tuệ của Nhân dân vùng Trung Bộ. Gần đây, nghệ nhân Phú Yên mang nghệ thuật hát bài chòi biểu diễn ở phía Bắc, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn nghệ thuật bài chòi trong cuộc sống hiện đại.
Với hát bội, từ rằm tháng 2 cho đến hết tháng 8 âm lịch là vào mùa lễ hội cầu ngư, các lăng đình vùng biển tổ chức hát án dâng lên thần thánh, tạ ơn trời đất đã phù hộ người dân trong vùng được mùa cá tôm.
Rộn ràng hát bội

Hát bội trong lễ hội cầu ngư ở phường 6 (TP Tuy Hòa). Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Hằng năm, vào cuối tháng 3 âm lịch, bà con ngư dân phường 4 (TP Tuy Hòa) cùng góp công góp sức tổ chức lễ hội cầu ngư tại đình Phú Câu. Ông Phan Thuẩn, Trưởng ban tổ chức lễ hội này cho hay: Lễ hội cầu ngư là dịp để ngư dân cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, luồng lạch thông thoáng, tàu thuyền ra vào an toàn, thuận lợi; bà con ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá trong mỗi chuyến vươn khơi, phát triển kinh tế biển, góp phần giữ gìn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời qua đó thắt chặt tình nghĩa xóm làng, tiếp thêm sức mạnh cho những ngư dân ngày đêm bám biển, nuôi trồng thủy sản... Vì vậy, năm nào bà con cũng duy trì nét đẹp văn hóa dân gian này.
Theo nhiều ngư dân, lễ hội cầu ngư được tổ chức gồm phần lễ và phần hội. Đây là dịp để bà con ngư dân tỏ lòng tri ân thần Nam Hải (cá Ông) đã cứu giúp ngư dân qua các cơn hoạn nạn trên biển, cũng như tưởng nhớ các vị thành hoàng, tiền hiền đã có công lập làng, rèn luyện nghề cá và giữ nghề truyền thống.
Ngày diễn ra phần lễ, nhiều ngư dân khoác lên người bộ y phục truyền thống vào vai rước sắc thần từ cửa Đà Diễn nhập đình để hành lễ. Còn trong thời gian diễn ra lễ hội, rất đông ngư dân khu phố Lê Duẩn, Bạch Đằng… và du khách khắp nơi tham gia.
Phần hội với chương trình biểu diễn hát bội (hát tuồng) hay còn gọi là hát thứ lễ, hát án. Trong đó, một trong những nghi thức không thể thiếu là hát bả trạo, còn gọi là hò đưa linh, chèo cầu ngư.
Nghệ nhân trẻ Võ Thị Minh Thư, thành viên CLB Hò bả trạo xã An Chấn (huyện Tuy An) cho hay: Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều cá tôm hoặc mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển và trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống ấm no đầy đủ.
Ông Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: Từ rằm tháng 2 cho đến hết tháng 8 âm lịch, vùng biển vào mùa lễ hội cầu ngư, các lăng đình rộn ràng hát bội. Tháng 3 tổ chức ở phường 4 (TP Tuy Hòa); tháng 4, tháng 5 tổ chức ở khu phố Phú Thọ 3, Phú Thọ 4 (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa); tháng 6 tổ chức ở xã An Chấn (huyện Tuy An)...
Bà Huỳnh Thị Xuân, ngư dân ở khu phố Phú Thọ 4 chia sẻ: Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển gắn với các tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Đây là tên gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp con người vượt qua những hiểm nguy khi lênh đênh trên biển cả.
Lan tỏa bài chòi
Từ tháng Giêng đến nay, CLB Hội bài chòi (Hội Văn nghệ dân gian và văn nghệ các DTTS tỉnh) hoạt động thường xuyên. Ông Phùng Long Ẩn, Chủ nhiệm CLB cho hay: Đầu năm, ở ven đầm Ô Loan, CLB tổ chức hát bài chòi tại hai điểm là thôn Phú Tân 1, xã An Cư và công viên xã An Ninh Đông (huyện Tuy An). Sau đó, CLB phục vụ lễ hội cầu ngư thôn Giai Sơn và lễ hội thôn Phú Long, xã An Mỹ (huyện Tuy An). Tôi nhận thấy khán giả đến với hội bài chòi đông hơn mọi năm.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoàng Cầm (Chi hội Sân khấu) ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa chia sẻ: Vừa dạy học vừa tham gia hoạt động ở CLB xã An Chấn (huyện Tuy An), tôi tham gia biểu diễn lĩnh vực nghệ thuật này trong các sự kiện, lễ hội. Vừa rồi, tôi cùng các thành viên CLB biểu diễn bài chòi ở lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương (xã An Hiệp, huyện Tuy An); đồng thời đưa loại hình nghệ thuật này vào phục vụ khách du lịch ở Hòn Chùa (xã An Phú, TP Tuy Hòa). Không chỉ biểu diễn, tôi còn tham gia sáng tác và dàn dựng kịch bản sân khấu.
Bài chòi là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo, ngẫu hứng và đầy trí tuệ của Nhân dân vùng Trung Bộ. Từ lâu, bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vào dịp tết, lễ hội.
Năm 2023, chị Hoàng Cầm tham gia trại sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Trong buổi bế mạc, nghệ nhân này hát bài chòi bằng tiếng Anh làm cả hội trường rộn ràng, qua đó lan tỏa nghệ thuật hát bài chòi trong đời sống cộng đồng, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ...
Nói về bài chòi, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bình Thảng, Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca bài chòi TX Đông Hòa chia sẻ: Từ lâu, bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vào dịp tết, lễ hội. Hội bài chòi góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến công chúng loại hình nghệ thuật là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm gần đây, nghệ nhân Phú Yên mang nghệ thuật hát bài chòi biểu diễn ở khắp nơi, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn nghệ thuật bài chòi trong cuộc sống hiện đại.