Giới trẻ đã có kế hoạch gì cho ngày đại lễ 30/4?
'Kế hoạch của chúng em là dậy từ 4 giờ sáng nhưng giờ đó mới đi thì trễ quá. Có lẽ em sẽ đi từ 3 giờ'. Chia sẻ này của bạn trẻ Hữu Duy cho thấy một quyết tâm rất cao để có được vị trí thuận lợi nhất chiêm ngưỡng màn diễu binh trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Du khách chụp hình lưu lại những kỷ niệm đẹp trong ngày vui của Thành phố mang tên Bác.
Du khách quốc tế cũng bị cuốn vào niềm vui ngày đặc biệt
Mehmet và Luca, 2 du khách đến từ Đức, ban đầu chỉ định ghé Thành phố Hồ Chí Minh vài ngày trước khi bay sang quốc gia khác, song không khí tưng bừng nơi đây đã làm họ đổi kế hoạch.
"Chúng tôi không biết trước về lễ diễu binh. Nhưng sau khi cùng mọi người tại đây tham gia các hoạt động bên lề và xem buổi tổng duyệt thì chúng tôi đã quyết định ở lại thêm. Cảm giác cực kỳ đặc biệt", Mehmet chia sẻ.

Mehmet và Luca, 2 du khách người Đức.
Còn cô gái Luca cũng cho biết từ khi tham gia buổi tổng duyệt, cảm giác cuốn hút đã khiến cả hai chắc chắn sẽ có mặt trong buổi lễ chính thức và sẽ đi từ rất sớm. Tuy nhiên, ở vị trí nào thì cả hai cũng chưa biết vì sự kiện quá đông và mọi ngả đường đều... kín đặc người.
Các cửa hàng cho thuê xe máy ở trung tâm thành phố những ngày này cũng tấp nập không kém. Một chủ tiệm cho biết: "Xe cho thuê "cháy hàng" liên tục. Nhiều khách nước ngoài thuê xe để rong ruổi khắp thành phố trong nhiều ngày, kể cả phải đặt cọc số tiền lớn họ cũng rất sẵn sàng".

Một cô gái chụp ảnh với chiếc nón lá sơn cờ đỏ sao vàng
Các địa điểm xem diễu binh 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Người dân có thể đứng xem trực tiếp tại các ngã tư giao cắt đường Lê Duẩn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Đức Thắng, Đinh Tiên Hoàng, Mạc Đĩnh Chi, Hai Bà Trưng...
Ngoài ra, thành phố đã bố trí 21 màn hình LED, truyền hình trực tiếp diễn biến đại lễ tại nhiều điểm, gồm: Vòng xoay Phù Đổng (Nguyễn Trãi), chợ Bến Thành (Lê Lợi), phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Tao Đàn, bến Bạch Đằng, Pasteur-Võ Thị Sáu, cầu Khánh Hội, tòa nhà Sunwah (115 Nguyễn Huệ), trung tâm thương mại Nguyễn Kim (Trần Hưng Đạo), nút giao Nguyễn Văn Trỗi-Hoàng Văn Thụ, vòng xoay Lý Thái Tổ (Ngô Gia Tự), Hồ Con Rùa...
Lê Hữu Duy và Anh Thư phấn khích chia sẻ, những ngày qua không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh náo nhiệt, rộn ràng chẳng khác nào ngày Tết, khi cứ mở mắt ra là những ngày hội. Từ khắp nơi, và cả trên thế giới, các vị khách đổ về khiến thành phố ngày càng đông. Một sự kiện mà phải nửa thế kỷ mới có một lần đã khiến nơi đây trở nên vô cùng đặc biệt.
"Được chứng kiến khoảnh khắc cả nước cùng hướng về một nơi, chúng em cảm thấy vô cùng tự hào. Ngày lễ diễu binh, diễu hành cho chúng em cơ hội được nhìn thấy một góc rất khác của đất nước, cảm nhận rõ niềm tự hào dân tộc", Hữu Duy cho biết.

Lê Hữu Duy và Anh Thư (bên phải) đang tận hưởng những khoảng thời gian rất ý nghĩa trong ngày vui của đất nước.
Kế hoạch của chúng em là dậy từ 4 giờ sáng nhưng giờ đó mới đi thì trễ quá. Có lẽ em sẽ đi từ 3 giờ.
Bạn Hữu Duy
Theo bạn trẻ này, mặc dù có thể không được đứng ở hàng đầu để theo dõi lễ diễu binh thuận lợi, tuy nhiên chỉ cần được hòa chung vào không khí ấy cũng rất vui rồi.
"Được chứng kiến một sự kiện mà cả nước chung một lòng, nhìn từ một nơi, chúng em cảm thấy rất vinh dự. Là sinh viên chuyên ngành chính trị, trong ngày lễ lớn như vậy, chúng em được thấy một góc rất khác của đất nước và cảm thấy vô cùng tự hào", Hữu Duy chia sẻ.
Đối với Thanh Trúc và gia đình (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), bên cạnh niềm vui chung cùng cả nước, Trúc cùng mẹ và cô cũng mang theo "niềm vui riêng" khi tới xem đại lễ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh Trúc cùng mẹ và cô chụp ảnh lưu niệm tại khu vực Bưu điện trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Cô Trần Thu Hà (áo tím) xúc động nói, cả nhà đến thành phố để được thấy con gái mình trong đội ngũ diễu hành. Cô cho biết: "Từ buổi tổng duyệt, chúng tôi đã rất háo hức, dậy từ 3 giờ 30 phút để chuẩn bị. Đến 4 giờ là xuất phát từ Thủ Đức, tập trung tại chợ Bến Thành. Chờ mấy tiếng đồng hồ mới được xem nhưng ai cũng vui".
Lên kế hoạch cho chính lễ 30/4, gia đình Thanh Trúc quyết định thuê khách sạn ở gần trung tâm bởi "Hôm trước ở Thủ Đức cả nhà đi taxi bị cấm đường, phải nhảy xe máy chạy vội mới kịp xem. Lần này chắc sẽ phải dậy từ 2 giờ mới mong tìm được vị trí đẹp, nhưng dù có vất vả thì cũng rất vui và tự hào".

Cô gái trẻ tạo dáng trước dãy quán cà-phê rợp trời cờ hoa.
Từ những bạn trẻ lần đầu được trải nghiệm lễ diễu binh đến du khách nước ngoài tình cờ ghé thăm, tất cả đều chung một niềm háo hức khó tả.
Dù phải dậy từ 3-4 giờ sáng hay thậm chí là không ngủ, chen chân giữa biển người, ai cũng chỉ mong được tận mắt chứng kiến một sự kiện mà nửa thế kỷ mới có một lần - kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Khi tham gia sự kiện du khách cần lưu ý:Nên ăn, uống trước khi tham gia xếp hàng, ngồi đợi tại các điểm đoàn diễu binh đi qua. Theo kinh nghiệm trước đó, du khách nên mua đồ ăn, thức uống từ trước và mang theo người.
Nên mua tại những điểm gần nơi ở, có thể mua ở khu vực xa trung tâm nếu gần nơi lưu trú, bởi các cửa hàng tại vòng trong sẽ thường bị quá tải. Tình trạng hết đồ, phải xếp hàng dài, thanh toán lâu do mất sóng điện thoại... là thực tế đã diễn ra trong ngày tổng duyệt trước đó.

Phong cách trẻ trung, ánh mắt rạng ngời của ba cô gái khi được phóng viên đề nghị chụp ảnh.
Mỗi người có một cách chung vui của riêng mình
Có không ít bạn trẻ chia sẻ, dù là người rất yêu thích và hiện tại cảm thấy vô cùng tự hào về đất nước Việt Nam của mình, và về Thành phố Hồ Chí Minh, nơi các em đang sinh sống. Tuy nhiên, kế hoạch cho ngày 30/4 của các em là sẽ... ở nhà.
"Em sẽ không tham gia vào các chương trình và hoạt động công cộng bởi em nghĩ khi ở nhà thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ nhường lại một vị trí, dù ít ỏi, cho các vị khách quốc tế hoặc người dân từ các địa phương khác đến Thành phố Hồ Chí Minh để cảm nhận không khí lễ hội.
Cá nhân em sẽ theo dõi chương trình qua truyền thông, báo chí. Đó là phương án em thấy phù hợp nhất với bản thân mình. Mỗi người sẽ có một cách thể hiện tình yêu đối với ngày lễ lớn của dân tộc theo cách riêng", một bạn trẻ tâm sự.

Nam thanh niên rất vui mừng khi có trong tay tờ phụ san - ấn phẩm đặc biệt của báo Nhân Dân.
Khi được hỏi về kế hoạch cho ngày lễ 30/4 sắp tới của gia đình tại Việt Nam, ông Wardrick, đến từ Vương quốc Anh, cho biết: "Trong khoảng thời gian ở miền Nam đầy nắng, gia đình ông đã "trải nghiệm" việc di chuyển trong đêm, "lựa chỗ" từ 3 giờ sáng để ngắm những đoàn diễu binh, diễu hành trên đường phố".

Ông Wardrick và gia đình đến từ Vương quốc Anh.
Ông Wardrick cũng chia sẻ sự tiếc nuối khi không thể tham dự ngày lễ diễu binh, diễu hành chính thức vào ngày 30/4 và bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là cuộc chiến tranh Việt Nam nổi tiếng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông rất thích thú khi nhờ món quà từ Báo Nhân Dân, với những thông tin lịch sử rất thú vị được chuyển tải một cách hiện đại, đã giúp gia đình ông có thể tìm hiểu thêm về một giai đoạn của lịch sử Việt Nam dù không được trực tiếp ở lại.

Tự hào là người Việt Nam.
Ngày 30/4 năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ tưng bừng trong sắc cờ hoa, mà còn rộn ràng trong những trái tim cùng chung nhịp đập. Mỗi người, dù chọn xuống phố hay ở nhà, dù là cư dân thành phố hay du khách bốn phương, cũng đều đã góp phần làm nên một ngày hội đầy cảm xúc.
Những bước chân rộn ràng, những ánh mắt dõi theo đoàn diễu binh, những tiếng reo vui giữa biển người bất tận… tất cả hòa thành bản giao hưởng tự hào mang tên Việt Nam. Và chắc chắn, với mỗi người từng có mặt trong những ngày này, đó sẽ là ký ức không thể nào quên.