Giới hạn của tự do ngôn luận

Ngày 24.3, Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam. Bà Hằng bị bắt tạm giam về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân. Sự việc này cho thấy, mỗi cá nhân trong xã hội cần ý thức về giới hạn của quyền tự do ngôn luận và thực hành quyền này một cách có trách nhiệm.

Trước khi bị bắt, bà Nguyễn Phương Hằng nhiều lần tổ chức các buổi nói chuyện trên mạng xã hội tố cáo một số nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ. Bà cũng được cho là đã đưa ra những thông tin không kiểm chứng, một số phát ngôn xúc phạm, vu khống và đe dọa người khác. Những buổi nói chuyện trực tuyến của bà gây ồn ào dư luận, thu hút hàng chục đến hàng trăm nghìn lượt theo dõi, trở thành hiện tượng mạng xã hội trong năm 2021.

Là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, mạng xã hội đã mở rộng diễn đàn xã hội, trao cơ hội cho công chúng trở thành “nhà báo công dân”. Công chúng không chỉ là người thụ động tiếp nhận thông tin mà còn trở thành người sáng tạo, phổ biến thông tin trên nền tảng mạng xã hội. Ở một mức độ nhất định, nội dung do công chúng tạo ra trên mạng xã hội đã làm phong phú thêm đời sống thông tin.

Tuy nhiên, dù là ai cũng không thể, không được và không nên sử dụng mạng xã hội một cách tùy ý; càng không thể sử dụng mạng xã hội cho những mục đích xấu như xúc phạm, xỉ nhục, bôi nhọ, vu khống và phỉ báng người khác. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những quy định và chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Ví dụ, tại Ấn Độ, luật hình sự quy định, người có hành vi xâm phạm nhân phẩm của người khác trên mạng có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù 2 năm hoặc cả hai.

Trong xã hội thông tin, mỗi cá nhân cần trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội một cách văn minh và thông minh, có lợi cho sự phát triển của bản thân đồng thời không được xâm hại lợi ích chính đáng của người khác và xã hội. Mỗi cá nhân cần biết cách sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, đáp ứng được các mục đích cá nhân; sử dụng một cách có trách nhiệm, không phạm phải những điều pháp luật cấm và sử dụng một cách có đạo đức, phù hợp với các chuẩn mực chung.

Quyền tự do ngôn luận luôn đi liền với trách nhiệm phát ngôn phù hợp với các chuẩn mực xã hội và pháp lý. Tự do của cá nhân này không được xâm phạm lợi ích của cá nhân khác. Nếu không hiểu điều này, vượt quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận, một cá nhân sẽ tự đánh mất sự tôn trọng của người khác dành cho mình. Nghiêm trọng hơn, cá nhân đó có thể bị pháp luật xử lý với những hình phạt tương ứng với mức độ, tính chất của hành vi vi phạm. Những hình phạt này là cần thiết để bảo đảm trật tự thông tin và kiến tạo một xã hội văn minh.

Tại Việt Nam, pháp luật bảo đảm quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân nhưng cũng cần có những chế tài phù hợp, đủ sức răn đe để ngăn chặn những hành vi sử dụng mạng xã hội cho những mục đích xấu. Tự do ngôn luận trên mạng xã hội không phải là thứ tự do tuyệt đối, vượt khỏi mọi giới hạn pháp lý và đạo đức. Tự do ngôn luận trọn vẹn và thực chất chỉ có được khi mỗi cá nhân biết cách sử dụng mạng xã hội cho sự phát triển của bản thân và tạo ra giá trị cho xã hội.

Chính vì thế, các văn bản pháp luật quản lý thông tin điện tử nói chung và thông tin trên mạng xã hội nói riêng cần được xây dựng, hoàn thiện theo hướng ngày càng đầy đủ, chặt chẽ và nghiêm khắc. Giải pháp này cần được thực hiện đồng thời với việc giáo dục, hướng dẫn hành vi sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và có đạo đức. Xét cho đến cùng, tự thân mạng xã hội không xấu nhưng cách sử dụng mạng xã hội của mỗi cá nhân có thể tạo ra hiệu ứng tích cực hay gây ra hậu quả tiêu cực trong xã hội.

TS. Vũ Thanh Vân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gioi-han-cua-tu-do-ngon-luan-mydwot8oaf-81360
Zalo