Giới chức Mỹ nỗ lực trấn an về đề xuất của Tổng thống D.Trump đối với Gaza
Ngày 5/2, các quan chức cấp cao Mỹ nỗ lực rút lại những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc tiếp quản Dải Gaza và tái định cư người Palestine.
Giải thích về đề xuất của ông Trump tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm đến Guatemala, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nêu rõ Tổng thống Trump chỉ muốn người Palestine tạm thời rời đi trong khi Gaza được tái thiết. Theo ông, đề xuất này của Tổng thống Trump “rất hào phóng”, đó là Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Dải Gaza dọn dẹp đống đổ nát, những bom mìn còn sót lại và tái thiết vùng lãnh thổ này sau xung đột.
Trong khi đó, Nhà Trắng nhấn mạnh Tổng thống Trump chưa cam kết triển khai quân đội Mỹ đến Gaza như một phần trong kế hoạch tái thiết lãnh thổ Palestine, nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Thư ký báo chí Karoline Leavitt nêu rõ: "Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng Mỹ cần tham gia vào nỗ lực tái thiết để đảm bảo sự ổn định trong khu vực cho tất cả mọi người. Điều đó không có nghĩa là sẽ triển khai quân đội trên thực địa ở Gaza, cũng không có nghĩa là người dân Mỹ đóng thuế sẽ tài trợ cho nỗ lực này". Khi được hỏi liệu có loại trừ khả năng điều quân đội Mỹ hay không, bà nói: "Tổng thống vẫn chưa cam kết về điều đó".
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết Washington đang cân nhắc mọi phương án khả thi liên quan đến Dải Gaza và sẽ tạm thời không công bố bất kỳ quyết định cụ thể nào. Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, ông Hegseth nhấn mạnh Washington hiện không hề đề cập đến khả năng điều binh sĩ Mỹ tới Gaza, đồng thời lưu ý ông không muốn điều quân tới đó trừ phi thực sự cần thiết.
Một ngày trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đưa ra đề xuất tái định cư người Palestine ở các nước khác - bất kể họ có muốn rời đi hay không. Ông Trump cũng bày tỏ mong muốn Mỹ có thể tiếp quản và "sở hữu lâu dài" Dải Gaza, giúp tái thiết vùng lãnh thổ này, qua đó mang lại sự ổn định lớn cho khu vực này, thậm chí có thể là toàn bộ Trung Đông. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết kế hoạch này sẽ tạo ra "hàng nghìn việc làm", đồng thời cam kết sẽ đến thăm Dải Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 5/2 bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa người Palestine khỏi Dải Gaza. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố kế hoạch trên hoàn toàn “không thể chấp nhận được”, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ giải pháp hai nhà nước đối với vấn đề Palestine. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải tái khẳng định giải pháp hai nhà nước. Bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào cũng sẽ đòi hỏi tiến triển cụ thể, không thể đảo ngược và vĩnh viễn hướng tới giải pháp hai nhà nước, chấm dứt sự chiếm đóng và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, trong đó Gaza là một phần không thể tách rời". Theo ông, một nhà nước Palestine có chủ quyền tồn tại song song trong hòa bình và an ninh với Israel là giải pháp bền vững duy nhất để đảm bảo ổn định ở Trung Đông.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk nhấn mạnh việc trục xuất người dân khỏi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine hoàn toàn bị cấm. Trong một tuyên bố, ông Turk khẳng định: “Điều quan trọng là chúng ta phải tiến tới giai đoạn tiếp theo của lệnh ngừng bắn, thả tất cả con tin và tù nhân bị giam giữ, chấm dứt xung đột và tái thiết Dải Gaza, với sự tôn trọng hoàn toàn đối với luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế”. Ông nhấn mạnh: “Bất kỳ hành vi cưỡng bức chuyển giao hoặc trục xuất người dân khỏi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng nào đều bị nghiêm cấm".
Cùng quan điểm tren, người phát ngôn chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Peter Stano nhấn mạnh Gaza phải là một phần thiết yếu của nhà nước Palestine trong tương lai, đồng thời cho biết EU cam kết thực hiện giải pháp hai nhà nước – con đường duy nhất dẫn đến hòa bình lâu dài cho cả người Israel và người Palestine.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong cuộc gặp với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas tại Cung điện Al-Husseiniyah ở thủ đô Amman, Quốc vương Jordan Abdullah II tái khẳng định nước này hoàn toàn ủng hộ người Palestine trong việc thực hiện các quyền hợp pháp của mình để thành lập một nhà nước độc lập dựa trên đường biên giới trước năm 1967, bao gồm Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem.
Phản ứng trước đề xuất của nhà lãnh đạo Mỹ, Quốc vương Jordan đã kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực nhằm sáp nhập đất đai hoặc di dời cưỡng bức người Palestine khỏi Gaza và Bờ Tây. Jordan - quốc gia có đường biên giới chung khoảng 400km với Israel và đã ký hiệp ước hòa bình với Tel Aviv từ năm 1994, dự kiến sẽ thảo luận thêm về vấn đề này trong chuyến thăm của Quốc vương Abdullah đến Washington, dự kiến vào ngày 11/2 tới.
Về phía Palestine, Tổng thống Abbas đánh giá cao vai trò của Jordan trong nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn bền vững tại Gaza và việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực này. Cuộc gặp có sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao hai bên, gồm Thái tử Jordan Hussein, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi, Tổng cục trưởng Tình báo Jordan Ahmed Hosni và Thư ký Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein Al-Sheikh.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, khi được đề nghị bình luận về phát biểu mới đây của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) khẳng định: “Chúng tôi phản đối việc cưỡng bức di dời người dân Gaza và hy vọng rằng các bên liên quan sẽ tận dụng cơ hội ngừng bắn và quản lý hậu xung đột ở Gaza để đưa vấn đề Palestine trở lại đúng hướng là một giải pháp chính trị dựa trên giải pháp hai nhà nước nhằm hiện thực hóa hòa bình lâu dài ở Trung Đông”.
Bộ Ngoại giao Malaysia cũng ra thông cáo cho rằng bất kỳ đề xuất nào về việc cưỡng ép di dời người Palestine “đều cấu thành hành động thanh lọc sắc tộc và vi phạm luật pháp quốc tế”.