Giỗ Tổ Hùng Vương: Sợi dây kết nối tình đồng bào

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 Âm lịch), người Việt dù ở nơi đâu tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn. Từ lâu, ngày Quốc lễ đã trở thành sợi dây văn hóa kết nối người Việt trên toàn thế giới hướng về cội nguồn dân tộc, kết nối đồng bào trong và ngoài nước.

Tái hiện Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Lễ hội Văn hóa Việt Nam 2025 tại Osaka, Nhật Bản. (Nguồn: BTC)

Tái hiện Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Lễ hội Văn hóa Việt Nam 2025 tại Osaka, Nhật Bản. (Nguồn: BTC)

Đối với kiều bào, tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ để thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với các thế hệ tổ tiên, mà còn góp phần gìn giữ, giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ sau. Đây cũng là cách khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Không chỉ tạo dựng một ngày văn hóa chung cho mỗi con Lạc, cháu Hồng dù ở xa Tổ quốc vẫn có thể tri ân công đức tổ tiên, sự kiện còn góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời xây dựng cây cầu văn hóa, hữu nghị vững chắc giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Ở Canada, mỗi năm, những người Việt xa quê lại tụ hội tại Ngôi nhà Việt Nam ở Ottawa để cùng hướng về đất nước cũng như tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. Trong những dịp sum họp ý nghĩa như vậy, kiều bào càng thấm thía ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ đồng bào.

Với bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia-Việt Nam, việc tổ chức Giỗ Tổ ở nơi xa xứ thể hiện tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm mỗi người, giúp bà con nơi đây hiểu thêm về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tăng cường đoàn kết, truyền lửa cho thế hệ trẻ cùng hướng về quê hương.

Thành tâm hướng về cội nguồn, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, Nga... luôn coi Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội đại đoàn kết dân tộc và vinh danh giá trị Việt. Vào dịp lễ, bà con tại Nga còn biểu diễn làn điệu chèo tự sáng tác về Vua Hùng, gợi nhớ những ký ức sâu sắc về quê hương...

Ra mắt từ năm 2015, dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được triển khai theo sáng kiến của một số kiều bào đang sinh sống, làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài, nhằm bảo tồn và quảng bá rộng rãi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được tổ chức UNESCO vinh danh từ năm 2012.

Dự án mang giá trị nhân văn to lớn, với sứ mệnh gắn kết dân tộc, định vị giá trị Việt trên trường quốc tế. Trong suốt 10 năm qua, dự án đã nhận được sự đồng hành và ủng hộ của các hội đoàn, cộng đồng bà con kiều bào các nước, các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam, chính quyền nước sở tại và bạn bè trên khắp thế giới.

Không chỉ tổ chức Quốc lễ ở nước ngoài, đông đảo kiều bào đã trở về quê hương để tham gia chương trình Đoàn kiều bào dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), tổ chức hằng năm tại Khu di tích Đền Hùng, Phú Thọ. Năm nay, sự kiện diễn ra ngày 3-4/4 (tức 6-7/3 Âm lịch) với các hoạt động chính như: Dâng hương, làm lễ báo công tại Đền Hùng, gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, thăm và làm việc với UBND tỉnh Tuyên Quang, thăm khu di tích lịch sử Tân Trào và trao quà từ thiện. Một điểm mới của chương trình năm 2025 là đoàn kiều bào sẽ giao lưu với các gia đình hồi hương từ Thái Lan, New Caledonia tại Tuyên Quang, nhằm tăng cường kết nối giữa các thế hệ người Việt xa quê.

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gio-to-hung-vuong-soi-day-ket-noi-tinh-dong-bao-309850.html
Zalo