Gìn giữ và phát huy những giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh 3 lần. Vịnh có diện tích 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên); khu Di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích 434 km², bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên. Đây là nơi tập trung rất nhiều đảo đá, hang động và bãi tắm đẹp nổi tiếng.
Để gìn giữ, phát huy những giá trị của Di sản, năm 1995, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long. Trong suốt 30 năm qua, BQL Vịnh đã làm tốt nhiệm vụ được giao; đến nay vịnh Hạ Long đã có diện mạo mới, các giá trị nổi bật toàn cầu được bảo tồn nguyên vẹn, thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan.
Đặc biệt, năm 2024, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhất là do bão Yagi tàn phá, nhưng BQL Vịnh đã bám sát các Nghị quyết, phương hướng nhiệm vụ, chủ đề công tác năm 2024 của địa phương: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tổng lượng khách đến tham quan Vịnh trong năm đạt trên 3,2 triệu lượt, trong đó gần 2/3 là khách nước ngoài (tăng 19,5% so với 2023); thu phí tham quan đạt gần 974 tỷ đồng (tăng 22,9% so cùng kỳ và vượt 21,5% kế hoạch giao). Triển khai xây dựng Đề án thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long bổ sung đối với 3 hành trình du lịch mới trên Vịnh, đề nghị Sở Du lịch, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh.
![Khu Di sản thế giới vịnh Hạ Long có diện tích 434 km², bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên. Ảnh: @kosherunit](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_197_51465758/4758b86d8823617d3832.jpg)
Khu Di sản thế giới vịnh Hạ Long có diện tích 434 km², bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên. Ảnh: @kosherunit
Phát triển nhiều sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm phục vụ khách tham quan được như: bổ sung nội dung trưng bày khảo cổ tại hang Tiên Ông; khoanh vùng bảo vệ, đặt biển khu vực di vật khảo cổ tại động Mê Cung; mời 2 nghệ sĩ (nhân dân, ưu tú) tổ chức tập huấn bồi dưỡng, truyền dạy hát giao duyên nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài trên vịnh (cho 12 nhân viên trong BQL); xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hạ Long - Thành phố Lễ hội” và Đề án “Hạ Long - Thành phố của Hoa”.
Phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2119 về công bố các hành trình tham quan, du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, trong đó có 8 hành trình tham quan vịnh Hạ Long, 10 hành trình tham quan vịnh Bái Tử Long và 3 hành trình kết nối vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long...
Tăng cường công tác duy trì, mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, tranh thủ và thu hút sự hỗ trợ, trao đổi về tài chính, chuyên gia, kỹ thuật đối với công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản; đồng thời thông qua hoạt động đối ngoại này nhằm quảng bá và thu hút khách quốc tế đến tham quan Vịnh.
Ngoài ra, BQL Vịnh còn tham mưu cho tỉnh xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh thắng vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; xây dựng Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản. Duy trì giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Vịnh; tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh; thực hiện sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; đảm bảo tốt các điều kiện để đón tiếp, phục vụ du khách trong và ngoài nước...
Bước vào năm 2025, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song BQL Vịnh quyết tâm phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội và chủ đề công tác năm 2025 “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới” gắn với nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Vịnh, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.