Gìn giữ ký ức văn hóa, lịch sử cộng đồng

Thời gian gần đây, dư luận xã hội sôi động với những kiến nghị, đề xuất từ các địa phương, về việc đặt tên đơn vị hành chính cơ sở sau tinh giản, sáp nhập.

Các ý kiến đều yêu cầu cần giữ nguyên các địa danh làng xã, vùng đất gắn với văn hóa, lịch sử và tâm tư tình cảm nhiều thế hệ người dân.

Không chấp nhận danh xưng vô hồn!

“Phát pháo đề cờ” kiến nghị xem lại việc đặt tên xã phường là Đà Nẵng, với việc hàng loạt người dân kiến nghị chính quyền cân nhắc địa danh hành chính mới.

Trước đó, chính quyền TP. Đà Nẵng ban hành tên gọi xã phường sau khi cắt giảm quận huyện, bằng cách “đánh số” Sơn Trà 1, Sơn Trà 2… Lập tức, đông đảo người dân phản ứng, khẳng định cách đặt tên “phản cảm”, buộc chính quyền phải chọn lại những danh xưng tồn tại trước đây.

Các tập tục, nghi lễ trong cộng đồng luôn gắn với văn hóa địa danh từng làng xã, hương thôn

Các tập tục, nghi lễ trong cộng đồng luôn gắn với văn hóa địa danh từng làng xã, hương thôn

Kiến trúc sư Hoàng Sừ (Đà Nẵng) bày tỏ trên mạng xã hội, cá nhân ông cũng như nhiều người, rất ủng hộ cuộc cải cách hành chính đang diễn ra, bởi cắt bỏ cấp quản lý luôn giúp tinh giản bộ máy, tăng cường “chất lượng giao tiếp” giữa chính quyền và nhân dân.

Xã hội sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng và rất nhiều công sức, thời gian, khi người dân giảm đi những phiền hà từ quy trình các thủ tục, quy định trung gian chuyển từ cấp này qua cấp nọ.

Song việc cắt giảm đang phát sinh hiện trạng phức tạp, khi các cơ quan hành chính cơ sở chưa quen tư duy “quản trị xã hội” thay cho quản lý xã hội lâu nay và khi các bộ máy hành chính mới chưa thật sự được vận hành ổn định.

Ông Hoàng Sừ đề xuất, phải chăng các cấp quản lý cần thận trọng khi tính toán cắt nhập đơn vị hành chính, tránh nảy sinh những bất thuận trong quảng đại cư dân và đội ngũ công viên chức hiện hữu.

Tuy nhiên, quan trọng hơn và cũng là nỗi lo của nhiều người, là khi đặt địa danh hành chính mới, nhiều khu dân cư, vùng đất dễ sa vào “công thức máy móc” quản lý số, xuất hiện những cái tên không thể hiện tính phổ quát, rộng rãi với xã hội.

Giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ quan tâm đến lịch sử văn hóa, không thể không gắn liền với lịch sử văn hóa địa danh

Giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ quan tâm đến lịch sử văn hóa, không thể không gắn liền với lịch sử văn hóa địa danh

Thậm chí sẽ có nhiều địa danh vùng đất đã có bề dày hàng trăm năm bị xóa đổi tên hoặc thu hẹp quy mô, gây ra bất bình trong cộng đồng.

Gìn giữ tên gọi – gìn giữ ký ức tập thể

Rất nhiều nhà hoạt động văn hóa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã lập tức tỏ bày sự bức xúc, khi đọc tên những địa danh mới không gắn liền các làng xã, thôn dân cũ.

Hàng trăm ý kiến từ người dân, nhất là ở các làng xã lâu đời, đã kiến nghị các cấp “nên học TP. Hồ Chí Minh chọn những cái tên lưu cửu nhiều năm để đặt cho phường xã mới”.

Những ý kiến này, được chính quyền tỉnh Quảng Nam ghi nhận, chọn những địa danh làng xã từ lịch sử cho các đơn vị hành chính cơ sở mới. Chính quyền TP. Đà Nẵng cũng công bố tên gọi các phường xã mới đều được chọn lại từ những địa danh cũ.

Theo một số nhà nghiên cứu, việc chọn giữ các địa danh gắn bó lâu đời trong cộng đồng với các đơn vị hành chính mới như vậy, là điều cần thiết. Dù đã biết việc quản trị xã hội trên nền tảng công nghệ số sẽ không còn phụ thuộc phạm vi địa giới, nhưng về mặt tâm lý xã hội, sự đồng thuận của đông đảo người dân luôn rất quan trọng.

Những địa danh gắn với từng vùng đất quê hương luôn được cộng đồng người dân quan tâm

Những địa danh gắn với từng vùng đất quê hương luôn được cộng đồng người dân quan tâm

Do đó với những cái tên như Phú Xuân, Thuận Hóa ở Huế, Kim Bồng, Thanh Hà ở Hội An hay Hải Châu, Thạc Gián ở Đà Nẵng, nhà quản lý không nên bỏ qua.

Bởi phần lớn, đó là những địa danh đã tồn tại qua nhiều thế hệ người dân, gắn liền với nhiều cảm xúc tâm tư từ cuộc sống người dân. Việc chọn những địa danh này, còn giúp cộng đồng tin chính quyền tôn trọng quá khứ lịch sử của địa phương, sẽ quan tâm bảo tồn những giá trị xã hội đã có trước.

Quan trọng hơn, theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa xã hội trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, việc đặt lại tên các xã phường sau sáp nhập, tinh giản, còn là một cơ hội lớn, giúp cộng đồng nhìn nhận lại những vấn đề liên quan đến giá trị văn hóa địa danh trong xã hội hôm nay.

Thực tế phải thấy, rất nhiều thế hệ trẻ hiện nay, hầu như thờ ơ, không quan tâm đến những vấn đề lịch sử hay tập tục, nghi lễ truyền thống tại quê hương. Khi các địa danh quen thuộc thay đổi, những thế hệ trẻ này ít quan tâm.

Song họ sẽ nhận ra vấn đề trước thái độ phản ứng của các thế hệ trước. Đó là tinh thần yêu quê hương, gắn bó máu thịt và tâm hồn của các thế hệ đã chiến đấu, lao động không ngừng trên mảnh đất quê nhà; không chấp nhận đánh đổi để mất đi những giá trị tinh thần, tri thức đã tồn tại cùng lịch sử.

“Có thể, sẽ là lần đầu tiên các bạn trẻ được nghe những người già kể lại câu chuyện quá khứ, giải thích về một cái tên làng, tên đất, nơi tổ tiên ông bà đã sống. Họ sẽ tự cảm nhận được những tình cảm thiết tha, sâu đậm, những điều rất thiêng liêng đang diễn ra xung quanh mình, để tự nhận ra trách nhiệm bản thân, cảm thụ được những thay đổi lớn lao trong cuộc sống hôm nay”, tiến sĩ Hoàng Ngọc Hùng nhìn nhận như vậy.

Qua góc nhìn này, có thể thấy, thay đổi địa danh từ đơn vị hành chính mới là một vấn đề rất lớn, tác động toàn diện đến nhiều thế hệ, tầng lớp xã hội. Sẽ có rất nhiều câu chuyện từ lịch sử, nhiều trang sách văn hóa, nhiều tập tục lễ giáo địa phương… được nhìn nhận lại, được quan tâm nhắc đến trong giai đoạn này.

Qua đó, tâm hồn, tri thức, và bản lĩnh văn hóa của nhiều cộng đồng cư dân, ở nhiều vùng đất, thôn xóm khác nhau có thể “sống lại”, thật sự gắn bó, thật sự trách nhiệm với tương lai và các thế hệ mai sau.

TẠ DŨNG - UYÊN NHI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/gin-giu-ky-uc-van-hoa-lich-su-cong-dong-134031.html
Zalo