Tượng Phật bằng đất ở hai ngôi chùa cổ

HNN - Bảy đóa sen hồng đã nở trên dòng Hương, mùa Phật đản an lành đang về trên đất Huế! Mừng Phật đản sanh, tôi theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tìm thăm hai ngôi chùa cổ ở Huế với điểm chung đặc biệt là có tượng Phật Thích Ca làm bằng đất với tuổi đời trên dưới 200 năm.

Tượng Phật Thích Ca bằng đất ở chùa Vạn Phước

Tượng Phật Thích Ca bằng đất ở chùa Vạn Phước

Ở chùa Vạn Phước

Từ xưa đến nay, tượng Phật được chế tác từ nhiều chất liệu như đá, đồng, đất, gỗ, ngọc; trong đó, tượng đất là dễ bị hư hại nhất, đặc biệt với vùng mưa lụt hàng năm như Huế thì những tượng Phật bằng đất hiện còn là vô cùng quý hiếm. Trong mỗi pho tượng Phật, chất liệu cũng nói lên một phần đời sống, lịch sử xã hội, thời đại khi bức tượng ra đời.

Nằm sâu trong kiệt nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, chùa Vạn Phước hiện đang có thờ một tượng Phật Thích Ca bằng đất. Chuyện kể rằng, nguyên sơ chùa Vạn Phước là một am thờ Mẫu. Khi nhạc mẫu của quan Thượng thư Nguyễn Đình Hòe bệnh nặng, gia đình đưa bà lên đây dưỡng bệnh và mời quý thầy ở một ngôi chùa gần đó về cầu an cho bà cụ. Ghi nhớ công ơn, gia đình quan Thượng thư Nguyễn Đình Hòe đã trợ duyên xây dựng am thành “Phổ Phúc tự”, sau đó, Hòa thượng Thích Giác Hạnh đổi tên thành chùa Vạn Phước. Tượng Phật bằng đất ở chùa Vạn Phước là bức tượng đầu tiên được thờ ở chùa và còn nguyên vẹn cho đến bây giờ.

Hiện tại ở gian giữa chánh điện chùa Vạn Phước có 11 bức tượng Phật, gồm các chất liệu đồng, gỗ, sứ, đất. Ngoại trừ tượng bằng chất liệu sứ trắng và gỗ thì các tượng Phật còn lại bên ngoài có màu vàng rất giống nhau, không phân biệt tượng bằng chất liệu đồng hay đất. Thầy Thích Ngộ Tùng, trụ trì chùa Vạn Phước cho biết: “Tượng Phật bằng đất của chùa được đan bằng nan tre, phết giấy bổi và bên ngoài đắp đất sét. Bức tượng đã được chùa thếp vàng hai lần”. Nếu không có thầy Thích Ngộ Tùng chỉ rõ thì thật khó để phân biệt được tượng đồng hay tượng đất khi không chạm được tay vào.

Tượng Phật Thích Ca bằng đất ở chùa Vạn Phước được tôn trí ở vị trí thứ hai từ trong ra, trước tượng Phật đứng bằng đồng và sau một tượng Phật cũng bằng đồng. Tượng Phật ngồi trên tòa sen, thân cao hơn 1 mét, khuôn mặt tròn, đầy đặn, các đường nét mắt, mũi, miệng rất rõ, đặc biệt nét mũi mang tính Á Đông, đôi tai Phật rất dài, giữa ngực là chữ Vạn, tay phải ngài bắt ấn Cát Tường, tay trái để trên chân, ngửa lòng bàn tay.

Ở chùa Thiên Thai

Bức tượng Phật bằng đất thứ hai là ở chùa Thiên Thai. Nằm khuất sâu trong kiệt 15 đường Minh Mạng, “Thiên Thai thiền tự” là ngôi chùa khiêm tốn, giản dị như một ngôi nhà nhỏ và hơi khó tìm bởi chùa không có bảng tên. Bà con ở đây thường gọi là Thiên Thai ngoại (để phân biệt với Thiên Thai nội là chùa Thiền Tôn). Thầy Thích Chánh Phụng - trụ trì Thiên Thai thiền tự cho biết: “Khai sơn lập chùa này là một bà con dâu của chúa Nguyễn Phúc Chu, bà dựng chùa và tu tập ở đây. Kế tiếp truyền lại cho người tu hành cũng trong hoàng tộc. Sau đó, chùa bị phá hủy, Pháp tự cũng không còn. Năm 1813, chùa được xây dựng lại, trên chuông viết rõ năm đúc chuông là “Gia Long thập nhị niên, thiên vận Quý Dậu, cửu nguyệt”. Vùng đất này lúc ấy thuộc “Thuận Đô xứ, Triệu Phong phủ, Hương Trà tổng, Dương Xuân xã, Trung Hòa ấp”. Tượng Phật Thích Ca thờ ở chùa bây giờ có từ năm xây dựng chùa, tượng làm bằng cốt tre, bên ngoài đắp đất. Ban đầu, tượng có màu đất thô mộc, năm 1957 mới thếp vàng. Tượng được đặt trong lồng kính lớn, tay trái ngài vừa bắt ấn, vừa cầm hoa sen, tay phải đỡ cuống hoa, dáng ngồi trang nghiêm đẹp đẽ.

Nói về thẩm mỹ của bức tượng Phật Thích Ca ở chùa Thiên Thai, họa sĩ Võ Quang Hoành, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế cho biết: Tượng có khuôn mặt rất tươi vui, thể hiện sự no ấm, đầy đủ với nụ cười viên mãn. Cổ cao, bàn tay tròn với các ngón tay rất đẹp, búp sen cũng rất tròn, đẹp. Phần đường nét mắt, mũi, cằm rất rõ ràng, có nét ảnh hưởng của tượng Chăm cổ. Tượng rất đăng đối về hình thức, nếp gấp của y phục mềm mại, tôn được hình dạng cơ thể. Các chi tiết tượng được cách điệu, trang trí đơn giản, không cầu kỳ làm tôn lên yếu tố thẩm mỹ, trang nghiêm. Chắc hẳn người thợ khi làm bức tượng này đã luôn hướng đến những điều tốt lành, đẹp đẽ, thiên về tinh thần nhiều!.

Chất liệu cũng là yếu tố kể một phần về đời sống xã hội. Về mặt chất liệu đất sét dùng làm tượng thời ấy chắc chắn phải là loại đất tốt nhất, tinh tấn, sạch sẽ nhất. Thời ấy nghề làm gốm, làm ngói ở Huế cũng rất phát triển. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, ở Việt Nam, tượng Phật bằng đồng xuất hiện trước tượng Phật bằng đất. Phật giáo khi truyền sang Việt Nam buổi đầu là truyền đến giới vua quan nên thời ấy đã có tượng Phật bằng đồng, sau đó mới truyền ra dân gian. Các chúa Nguyễn khi mới di cư vào Thuận Hóa, còn nghèo, tượng Phật là những tượng mục đồng bằng đất, nên còn gọi chùa mục đồng...

Ngắm nhìn hai pho tượng Phật bằng đất ở hai ngôi chùa cổ ở Huế, thời gian như không tồn tại. Trên dưới 200 năm tuổi nhưng người ngắm tượng hôm nay như vẫn nghe được tiếng lòng thành kính của những nghệ nhân làm tượng, họ không để lại tên tuổi nhưng tác phẩm họ để lại là cả con người, trí tuệ, tâm hồn đã nhập vào trong đó. Tôi may mắn được chiêm ngưỡng hai tượng Phật bằng đất trong không gian đầy thiền vị của hai ngôi chùa cổ ở Huế, nghe từ trong tượng tỏa ra hương thơm của đất đai, ấm áp và từ bi.

Bài, ảnh: XUÂN AN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tuong-phat-bang-dat-o-hai-ngoi-chua-co-153498.html
Zalo