Chuyện về những lần được gặp Bác

Ngày 19/5 hằng năm đã trở thành một ngày đặc biệt thiêng liêng, trọng đại đối với dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Hưng Yên nói riêng - kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới. Trong những ngày tháng Năm lịch sử này, trong tim mỗi người con đất Việt luôn trào dâng cảm xúc bồi hồi khó tả khi hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính.6 lần được gặp Bác Hồ – niềm vinh dự lớn của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị TámThời gian đã lùi xa, nhưng trong tâm trí của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Tám (92 tuổi), ở thôn Bắc Châu, xã Đông Kết (Khoái Châu), những ký ức về Bác Hồ vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Là một nữ du kích Hoàng Ngân kiên trung, bà vinh dự được gặp Bác Hồ tới 6 lần, những lần gặp gỡ đầy xúc động, trở thành 'tài sản tinh thần' thiêng liêng suốt cuộc đời bà.

Bà Trương Thị Tám, xã Đông Kết (Khoái Châu) xem lại bức ảnh chụp với Bác Hồ

Bà Trương Thị Tám, xã Đông Kết (Khoái Châu) xem lại bức ảnh chụp với Bác Hồ

Tham gia cách mạng từ năm 1952, khi vừa tròn 19 tuổi, bà Tám nổi bật trong phong trào “đòn gánh đánh Tây”, trực tiếp tổ chức và tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ cùng đội du kích, góp phần bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch. Với thành tích chiến đấu xuất sắc, bà được chọn tham gia lễ duyệt binh tại Hà Nội năm 1955, cũng là lần đầu tiên được gặp Bác. Khi đó, đồng chí Đàm Quang Trung giao nhiệm vụ đại diện cho khối nữ du kích Hoàng Ngân phát biểu, bà Tám bất ngờ và lúng túng. Khi bước lên bục, bà nói: “Kính thưa các vị lãnh tụ”, khiến cả khán đài bật cười. Càng bối rối, bà chỉ kịp phát biểu vài câu rồi nói “xin rút lui”.

“Ngay khi tôi đi xuống, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi tôi đứng lại. Tôi đang lo lắng thì Bác Hồ bước đến, bắt tay tôi và ân cần bảo: “Cháu ơi, ta chiến thắng thực dân Pháp rồi. Từ nay trở đi, cháu phát biểu không được nói là “xin rút lui” mà nói là “xin ngừng lời”, bà Tám kể lại, đôi mắt ánh lên niềm xúc động. Đó là bài học đầu tiên Bác dạy bà, nhẹ nhàng mà sâu sắc khiến bà khắc cốt ghi tâm.

Một năm sau, trong lễ duyệt binh năm 1956, bà Tám khi ấy là chỉ huy khối nữ du kích tiếp tục được gặp Bác. Trong giờ nghỉ trưa, Bác Hồ hỏi: “Cô Tám ăn mấy bát cơm?”. Khi bà trả lời “3 bát”, Bác cười: “Thế là không được. Cô là chỉ huy, phải ăn gấp đôi!”. Câu nói ấy thể hiện sự quan tâm chu đáo của Bác, khiến bà Tám nhớ mãi.

Bức ảnh chụp cùng Bác Hồ được bà Tám trân trọng, gìn giữ

Bức ảnh chụp cùng Bác Hồ được bà Tám trân trọng, gìn giữ

Năm 1966, tại Hội nghị xây dựng Đảng toàn quốc, khi chụp ảnh lưu niệm, Bác Hồ dặn: “Các cô ở thành phố ngồi phía ngoài, để các cô ở nông thôn ngồi gần Bác”. Lời nói giản dị ấy chứa đựng sự ghi nhận và quý trọng của Bác dành cho những người làm công tác ở cơ sở, tận tụy cống hiến thầm lặng. Bác còn gửi tặng mỗi đại biểu một bức ảnh kỷ niệm, món quà quý giá đến tận hôm nay bà vẫn nâng niu như bảo vật...

Lần thứ 6 gặp Bác, bà Tám cùng đoàn đại biểu tham gia đón Chính phủ Bulgaria. Bác xuất hiện, râu tóc bạc phơ, trán cao, ánh mắt hiền từ mà sáng ngời. “Bác rất giản dị, thân mật và gần gũi. Tôi xúc động vì dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn nhớ đến tôi, một nữ du kích nhỏ bé”, bà Tám nhớ lại.

Được gặp Bác nhiều lần, được Bác dạy bảo từng lời, bà Tám coi đó là kim chỉ nam để sống, chiến đấu và cống hiến. Năm 1968, khi chồng bà tình nguyện nhập ngũ và hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1969, bà một mình nuôi 4 con nhỏ. Vượt lên hoàn cảnh, bà vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng giao: từ Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Đông Kinh (nay là Đông Kết) đến Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Giang.

Ở tuổi 92, bà Tám vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn

Ở tuổi 92, bà Tám vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn

Sau khi nghỉ hưu, bà Tám nhiệt tình tham gia các phong trào ở địa phương, tiếp tục là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo. Dù tuổi cao, bà vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, khí chất của người lính và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhân dân. Những ký ức về Bác ấm áp, gần gũi và thiêng liêng giờ đây bà Tám vẫn kể lại và giáo dục con cháu noi gương Bác.

Ký ức của cậu thiếu niên Hưng Yên túc trực bên linh cữu Bác

Với ông Đoàn Mạnh Tranh, sinh năm 1954, ở thôn Triều Dương, xã Hải Thắng (Tiên Lữ), giây phút được nhìn thấy Bác Hồ cũng là lúc Người đã mãi mãi đi xa. Khi đó, ông là người nhỏ tuổi nhất trong đoàn đại biểu của tỉnh Hưng Yên đi viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 và là 1 trong 9 thiếu niên trong cả nước được đi viếng Bác và túc trực bên linh cữu Người.

Ông Đoàn Mạnh Tranh, xã Hải Thắng (Tiên Lữ) nhìn lại những kỷ vật

Ông Đoàn Mạnh Tranh, xã Hải Thắng (Tiên Lữ) nhìn lại những kỷ vật

Trong những ngày tháng Năm nhớ Bác, chúng tôi tìm về thôn Triều Dương, nơi từng được Bác Hồ về thăm để tìm gặp người thiếu niên năm xưa… Trong dòng hồi tưởng, đôi mắt hằn in dấu vết thời gian của ông rơm rớm xúc động khi nhắc nhớ về người cha già của dân tộc.

Ngày nhỏ, những câu chuyện kể của bố về Đảng, Bác Hồ, rồi “5 điều Bác Hồ dạy” mà cậu bé Tranh đọc mỗi giờ lên lớp đã ngấm sâu vào tâm trí, bồi đắp thành lòng biết ơn. Vì thế, dù tuổi còn nhỏ, ngoài thời gian đi học ở trường, cậu tích cực giúp bố chăn nuôi ngỗng. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với Bác, cậu bảo với bố mẹ cho nuôi riêng 5 con ngỗng để làm quà dâng Bác và đăng ký với các cô, chú phụ trách đội. Hành động đó được đăng Báo Trung ương và được Bác Hồ khen ngợi; sau này còn được nhà văn Lê Vân viết thành câu chuyện “Món quà dâng Bác” in trong cuốn sách “Việc nhỏ, nghĩa lớn” xuất bản năm 1971.

Câu chuyện cậu bé Tranh nuôi ngỗng biếu Bác được in trong cuốn sách “Việc nhỏ, nghĩa lớn” xuất bản năm 1971

Câu chuyện cậu bé Tranh nuôi ngỗng biếu Bác được in trong cuốn sách “Việc nhỏ, nghĩa lớn” xuất bản năm 1971

Theo lời kể của ông Tranh: Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 5/9/1969, có một chiếc xe ô tô đến nhà đón tôi, trưởng đoàn là đồng chí Lê Quý Quỳnh, Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Đoàn đi dự lễ tang Bác Hồ gồm 24 thành viên, tôi nhỏ tuổi nhất. Khi đến khu vực Quảng trường Ba Đình, dòng người như kéo dài vô tận, tất thảy chờ xếp hàng vào viếng Bác. Sau 1 ngày chờ đợi, đoàn Hưng Yên được vào viếng. Nhìn thấy Bác, nỗi mất mát được kìm nén tuôn trào thành những dòng lệ. Giây phút đứng bên linh cữu Bác trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Từ lúc ấy, tôi đã thầm nhủ sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để thật xứng đáng với 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.

Năm 1971, khi đang là học sinh lớp 10, Trường cấp 3 Tiên Lữ, thanh niên Đoàn Mạnh Tranh xung phong lên đường nhập ngũ, cùng đồng đội chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1973, do bị thương trong quá trình chiến đấu, ông phục viên, trở về quê hương và thi đỗ Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Sau đó, ông về công tác tại địa phương và trải qua nhiều chức vụ. Dù trong hoàn cảnh sinh tử khi đối đầu với quân thù, hay trong thời bình, ông luôn khắc ghi lời dạy của Bác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm việc gì cũng đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Đồng thời giáo dục con, cháu ra sức học tập và làm theo lời Bác dạy để xây quê hương Hưng Yên ngày càng giàu mạnh.

Dù đã nghỉ hưu, ông Đoàn Mạnh Tranh vẫn noi gương Bác trong cuộc sống

Dù đã nghỉ hưu, ông Đoàn Mạnh Tranh vẫn noi gương Bác trong cuộc sống

Đã 56 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhớ về Bác, nhiều người dân Hưng Yên tìm đến bảo tàng, các di tích lịch sử, xem những kỷ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác; về với quê Bác để nghe kể chuyện ấu thơ của Người… Biết ơn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi người dân đất Việt nói chung, người dân xứ Nhãn nói riêng nguyện ra sức học tập, lao động, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp...

Hương Giang - Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chuyen-ve-nhung-lan-duoc-gap-bac-3181123.html
Zalo